Không chỉ có các hãng sản xuất máy ảnh chuyên nghiệp kêu giời khóc đất vì smartphone mà ngay cả những khách hàng ruột của họ - các nhiếp ảnh gia và các phóng viên ảnh - cũng lâm vào cảnh điêu đứng không kém.

Kỳ I: Máy ảnh số "ngắc ngoải" vì smartphone

{keywords}

Ngày 31/5 vừa qua, tờ Chicago Sun-Times của Mỹ đã gây chấn động cả làng báo khi quyết định sa thải toàn bộ các phóng viên ảnh toàn thời gian để chuyển sang thời kỳ làm báo bằng video và hình ảnh từ điện thoại di động. Trong số này có cả một phóng viên kỳ cựu từng đoạt giải Pulitzer.

Có tới 28 phóng viên ảnh đã mất việc vì quyết định này, những người thừa nhận họ đã bị sốc đến nỗi "quên cả giận" sau cuộc họp bất thường vào buổi sáng định mệnh với Tổng biên tập. Steve Buyansky, một biên tập viên ảnh kể lại trong uất ức: "Ông ta chỉ nói chưa đầy 20 giây về việc đuổi cổ chúng tôi, thậm chí còn không có lấy một lời cảm ơn cho những gì chúng tôi đã làm, đã cống hiến vì tờ báo".

Lý giải cho hành động của mình, Chicago Sun Times khẳng định trong thông cáo phát đi rằng "ngành kinh doanh báo chí đang thay đổi rất nhanh và công chúng ngày càng quan tâm tới các nội dung video đi kèm tin tức hơn".

Cũng giống như hầu hết các tờ báo lớn khác, Sun-Times đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc cách mạng công nghệ, khi ngày càng nhiều người dùng sử dụng máy tính bảng và smartphone để đọc tin tức. Các mô hình khai thác quảng cáo - nguồn thu chính của tờ báo cũng vì thế mà thay đổi theo.

Theo lập luận của ban biên tập Sun-Times, thì những video clip và hình ảnh đăng tải trên mạng không cần thiết phải đòi hỏi chất lượng quá cao như ảnh trên báo in. Hơn nữa, yêu cầu của làm báo tại thời điểm này là đưa tin thời gian thực, cập nhật từng phút nên các bức ảnh quá trau chuốt của phóng viên ảnh chuyên nghiệp tỏ ra không phù hợp. Hơn nữa, bản thân những bức ảnh này khi tải lên mạng cũng bị nén lại để giảm dung lượng nên sự chênh lệch về độ phân giải so với các bức ảnh chụp bằng iPhone cũng chẳng đáng là bao.

Hẳn nhiên, Sun-Times có lý của họ, nhưng phản ứng chung của báo chí và đặc biệt là giới nhiếp ảnh vẫn là sốc đến tột độ.

Trang CNN bình luận rằng, nhiếp ảnh và báo chí tạo ra những khoảnh khắc nghệ thuật không gì có thể so sánh được, và một bức ảnh do phóng viên ảnh chụp ra nhiều khi có sức mạnh đủ để thay đổi cả một xã hội. Chỉ có phóng viên ảnh chuyên nghiệp mới biết khó khăn thế nào khi quay lại/chụp lại lịch sử, nhất là khi bị nhà chức trách ngăn cản.

Smartphone có thể thay thế máy ảnh số gọn nhẹ, có thể thay thế những máy quay cầm tay phổ thông hay máy ghi âm. Nhưng chúng hoàn toàn không thể thay thế máy ảnh chuyên nghiệp cũng như tài năng và kinh nghiệm của các phóng viên ảnh, CNN khẳng định.

Chính vì thế, việc các phóng viên còn lại của tờ Sun-Times được đào tạo thêm về kỹ năng chụp ảnh/quay video bằng iPhone là điều nên làm, cần làm trong kỷ nguyên làm báo multimedia này, nhưng sa thải toàn bộ phóng viên ảnh rồi đặt niềm tin vào các "tay mơ" kia thì lại là sai lầm hoàn toàn.

Trên nhiều diễn đàn, các độc giả đã so sánh trang nhất của Chicago Sun-Times trước và sau khi sa thải phóng viên ảnh như bằng chứng rõ nét nhất về một "sai lầm" không thể chấp nhận được.

{keywords}

Nếu như bức ảnh bên trái hiển nhiên là do phóng viên ảnh chụp, thì bức còn lại trông y như một bức hình chụp vội bởi iPhone. Tại sao Sun-Times lại lấy bức ảnh này làm ảnh bìa thì chỉ có mình họ hiểu, nhưng theo suy đoán, có thể là để ngầm chống lại đợt biểu tình của các phóng viên ảnh bị sa thải mới đây. Trong cuộc biểu tình này, hơn 100 người đã giơ cao những khẩu hiệu như "Hãy cứu những bức ảnh!", Đừng giết chết nhiếp ảnh báo chí!".

Một số chuyên gia thì tin rằng, việc tác nghiệp bằng smartphone cũng không phải là tội lỗi. Trên thực tế, chúng còn tỏ ra khá phù hợp với một số trang blog báo chí như Engadget hay Gizmodo. Tuy nhiên, đối với báo chí chính thống, nhất là những tờ vốn có chất lượng cao như Sun-Times thì ảnh chụp bằng iPhone không thể đáp ứng.

Nhưng ngược lại, phe ủng hộ Sun-Times cũng không phải là không có.

Một số diễn đàn báo chí thậm chí đã liệt kê ra những việc tuyệt vời mà phóng viên có thể làm với smartphone trong kỷ nguyên mà họ gọi là "đưa tin di động" (Mobile reporting), dù kỷ nguyên này còn đang trong giai đoạn trứng nước, thiếu nguồn lực và chưa có nhiều hướng dẫn, định hướng cụ thể.

TC McCarthy, một phóng viên "di động" đã làm việc cho tờ Newsday được 2 năm nay khẳng định, smartphone là công cụ rất hiệu quả để ghi âm và quay video ngắn. "Tôi chủ yếu đưa tin bằng iPhone và chưa bao giờ phải trả quá 9 USD cho một ứng dụng. Có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ việc đưa tin multimedia bằng iPhone trên quầy App Store", McCarthy tiết lộ. Chẳng hạn như VeriCorder Audio Pro cho phép ghi âm với chất lượng cao, biên tập, cắt gọt các đoạn dễ dàng, cũng như chia sẻ nhanh về tòa soạn.

Marc Blank-Settle, người từng đào tạo 500 phóng viên của BBC về đưa tin bằng smartphone tại Đại học Báo chí BBC cũng cho rằng smartphone là công cụ quay video lý tưởng khi xảy ra các vụ việc bất ngờ. Lúc này, tất cả những gì mà người phóng viên cần chỉ là kỹ năng "kể chuyện" mà thôi.

Y Lam