- Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Dự án cáp quang biển Bắc – Nam bị chậm tiến độ tới 10 năm và không thể thực hiện được là do quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công chính gặp nhiều vướng mắc, khiến Ban QLDA và chủ đầu tư mất nhiều thời gian cho việc giải trình, xử lý khiếu nại.
Dự án cáp quang biển Bắc Nam do VNPT làm chủ đầu tư, được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) phê duyệt dự án đầu tư theo quyết định số 1023/QĐ-BBCVT ngày 26/11/2003.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ trong văn bản số 856/KL-TTCP ngày 17/4/2013 về quản lý vốn, tài sản tại tập đoàn VNPT, nguyên nhân chủ yếu khiến dự án chậm tiến độ tới 10 năm là do khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thẩm tra, phê duyệt thực hiện kéo dài từ năm 2004 đến năm 2007; VNPT chưa tổ chức thực hiện đúng các yêu cầu quy định, sau nhiều lần đôn đốc của Chính phủ, Bộ TT&TT và ĐSQ Nhật Bản nhưng dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn đấu thầu, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của dự án và môi trường đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn ODA.
Đấu thầu chậm vì tư vấn thiếu kinh nghiệm
Việc chỉ có 1 liên danh JTEC/KEC tham gia làm nhà thầu tư vấn cho dự án cáp quang biển Bắc Nam cũng đã làm hạn chế việc lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt của chủ đầu tư.
Việc lập hồ sơ mời thầu tư vấn không có tiêu chuẩn đánh giá chi tiết để sàng lọc nhà thầu đủ năng lực, không nêu rõ số lượng và kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn nên theo biên bản xét thầu thì JTEC chưa từng thực hiện một dự án cáp quang biển nào.
KEC cũng mới chỉ thực hiện 2 dự án cáp quang biển rất nhỏ (trị giá 8 triệu Yen và 18 triệu Yen), chưa bằng 2% trị giá của dự án cáp quang biển Bắc Nam của Việt Nam (1317 tỷ Yen).
Cá nhân tư vấn trưởng dự án chưa từng đảm nhận chức danh tư vấn trưởng (hoặc chức danh tương tự) của một dự án cáp quang biển nào.
Dự án cáp quang biển Bắc - Nam của VNPT từng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông quốc gia, giảm bớt các rủi ro bị gián đoạn khi gặp các sự cố thiên tai, lũ lụt, động đất… |
Mặc dù năng lực và kinh nghiệm tương tự của nhà thầu JTEC/KEC và các chuyên gia tư vấn rất thấp nhưng do bảng điểm làm căn cứ đánh giá các tiêu chí này đều là chấm điểm và với số điểm thấp nên tổng các điểm chấm của các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu vẫn đạt 87,57/100 điểm và được kết luận đạt về năng lực, kinh nghiệm.
Trong quá trình chuẩn bị dự án khả thi trước năm 2003 và lập theo hướng dẫn của JBIC, việc xây dựng hệ thống cáp quang biển sẽ thực hiện theo hình thức “chìa khóa trao tay” (turn-key), do nhà thầu thi công turn-key thực hiện.
Điều này có nghĩa vai trò của nhà tư vấn dự án chỉ được hiểu là tư vấn quản lý dự án và điều phối công việc giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Các công việc thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công do nhà thầu thi công thực hiện. Dự án khả thi và kế hoạch triển khai dự án cũng do JTEC thực hiện từ năm 2001 nên cả Hồ sơ yêu cầu gói thầu Tư vấn của VNPT và Hồ sơ đề xuất của JTEC đều không yêu cầu lập Thiết kế kỹ thuật (TDR) và Thiết kế thi công (CDR) vì là dự án theo hình thức turn-key.
Nhưng theo Quyết định 1023/QĐ-BBCVT do Bộ BCVT phê duyệt, kèm theo phê duyệt Dự án khả thi, dự án cáp quang biển Bắc-Nam phải triển khai thiết kế 3 bước gồm: thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật và thiết thế bản vẽ thi công (thiết kế chi tiết).
Nhà tư vấn JTEC với vai trò nhà tư vấn dự án phải có trách nhiệm lập thiết kế và Hồ sơ mời thầu.
Như vậy, quá trình chuẩn bị dự án và hợp đồng tư vấn của JTEC là theo hướng dự án turn-key, nhưng khi triển khai lại theo thiết kế 3 bước, dẫn đến tình trạng có những công việc đến thời điểm hiện tại vẫn không thể nghiệm thu như công tác khảo sát biển, lập thiết kế bản vẽ thi công (CDR).
Tính đến thời điểm cuối năm 2007, có thể thấy những vướng mắc và bất đồng trong quá trình triển khai, nghiệm thu giữa nhà thầu tư vấn JTEC/KEC và Ban QLDA cáp quang biển Bắc –Nam là nguyên nhân chính khiến quá trình lập hồ sơ mời thầu cho gói thầu thi công chính bị chậm trễ, kéo dài tới 3 năm, đến tháng 12/2007 mới phê duyệt được Hồ sơ mời thầu, tháng 01/2008 mới phát hành được Hồ sơ mời thầu.
Nhiều “sự cố” trong quá trình lập hồ sơ mời thầu
Theo hợp đồng tư vấn, để lập được Hồ sơ mời thầu đối với gói thầu thi công chính, nhà thầu tư vấn cần hoàn thiện Thiết kế kỹ thuật-Tổng dự toán (TDR), Báo cáo tạm thời khảo sát biển (Interim MSR) để lập Thiết kế thi công CDR, Báo cáo khảo sát biển cuối cùng (Final MSR). nhưng do chất lượng báo cáo TDR của JTEC lập ra chưa đảm bảo, việc áp dụng định mức theo thông lệ quốc tế không rõ (theo phiếu thẩm tra 869/ĐTPT ngày 22/2/2006 của VNPT), có nhiều thiếu sót, cụ thể:
+ Thiếu hệ thống tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế cho các hạng mục công trình phụ trợ như nhà trạm, đường dây, trạm điện, chống sét… mới chỉ có tiêu chuẩn cho hệ thống chính cáp quang biển.
+ Thiếu các bản vẽ thiết kế kỹ thuật cho các hạng mục công trình như hạng mục đường dây và trạm điện, nhà trạm, chống sét…
+ Chất lượng của việc lập dự toán kém, mang tính ước tính chung chung, chẳng hạn như tại hạng mục Giám sát tác động môi trường (IEA) có giá trị dự toán rất tròn là 1 triệu USD, không có cơ sở xem xét kết luận do không có phạm vi yêu cầu khối lượng công việc, không có thời gian thực hiện cụ thể, không có đơn giá áp dụng…
Việc kéo dài thời gian phê duyệt Thiết kế kỹ thuật – Tổng dự toán (TDR) là do năng lực nhà tư vấn JTEC yếu nên khi lập TDR không tuân thủ quy định luật VN (ở khâu lập dự án khả thi coi đây là dự án turn-key nên không xác định phải thực hiện TDR). Do yêu cầu của Quyết định đầu tư 1023/QĐ-BBCVT nên JTEC vẫn chấp nhận thực hiện lập TDR nhưng không hiểu được nhiệm vụ đầy đủ của TDR cho toàn bộ dự án.
Nhiều hậu quả do chậm tiến độ triển khai
Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu đối với gói thầu chính (cung cấp thiết bị và thi công tuyến cáp quang biển trục Bắc - Nam) vào ngày 31/01/2008, đã có hai đơn vị tham gia đấu thầu gồm nhà thầu A (liên danh Marubeni + Nec) và nhà thầu B (liên danh SNG: Sumimoto + Nokia Siemens + Grupo General Cable Sistemas S.A). Tuy nhiên, sau khi tiến hành mở thầu và đánh giá Hồ sơ dự thầu của 2 nhà thầu A và B, đã nảy sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp.
Tòa nhà trụ sở chính của Tập đoàn VNPT tại Hà Nội. |
Sau khi tiến hành đóng thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, theo đánh giá của tổ chuyên gia đấu thầu 2752 (được thành lập theo quyết định số 2752/QĐ-TCCB ngày 09/11/2007 của tập đoàn VNPT), hồ sơ dự thầu của nhà thầu B (liên danh SNG) đã có một số điểm không đạt về điều kiện tiên quyết.
Sau đó, tổ chuyên gia đấu thầu 2201 (được thành lập theo quyết định số 2201/QĐ-TCCB ngày 14/08/2008 của tập đoàn VNPT) lại có kết quả ngược lại, đánh giá hồ sơ của nhà thầu B đạt yêu cầu. Điều này đã khiến nhà thầu A (sẽ thắng thầu nếu nhà thầu B không đạt đủ điều kiện tiên quyết) có kiến nghị về kết quả xét thầu, khiến Ban QLDA phải giải quyết kiến nghị mất nhiều thời gian.
Sau gần tròn 4 năm tính từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, đến ngày 20/1/2012, Hội đồng thành viên VNPT mới có quyết định số 29/QĐ-VNPT-HĐTV-KH V/v phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu Hệ thống cáp quang biển Dự án “Tuyến cáp quang biển trục Bắc - Nam”.
Ngày 20/2/2012, Nhà tài trợ JICA (Nhật Bản) có văn bản số 2011/HAN (IA) chấp thuận kết quả đấu thầu của gói thầu chính, sau hơn 8 năm kể từ khi dự án được duyệt.
Vướng mắc lớn nhất là do quá trình triển khai khảo sát, thiết kế dự án của nhà thầu tư vấn triển khai chậm, khiến yêu cầu kỹ thuật ban đầu cho tuyến cáp quang 8 sợi dung lượng 60 Gbps không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu (lên thành cáp quang 24 sợi, dung lượng 320Gbps). Tuy nhiên, do quan điểm không thống nhất giữa các Bộ chức năng và JICA hướng dẫn VNPT xử lý việc điều chỉnh này nên việc tiến hành gặp nhiều khó khăn.
Việc điều chỉnh yêu cầu kỹ thuật gói thầu chính kéo theo việc phải đàm phán lại với nhà thầu trúng thầu về giá để tăng dung lượng truyền dẫn, lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư để VNPT trình Bộ TT&TT, thẩm tra tổng mức đầu tư, đề nghị nhà thầu gia hạn hồ sơ dự thầu…
Nhưng quan trọng nhất là tổng mức đầu tư của dự án đã bị đội lên cao hơn mức ban đầu khá nhiều (lên tới 3.494 tỷ VNĐ), chủ yếu do biến động về tỷ giá giữa đồng Yên Nhật (JPY) và VNĐ. Ngoài ra còn có các lý do khác như điều chỉnh giá nhân công, bổ sung một số hạng mục, gói thầu, các chi phí phát sinh…
Đến thời điểm năm 2013, do dự án được duyệt từ 10 năm trước nên hiệu quả đầu tư của dự án đã thay đổi rất nhiều, từ công nghệ sử dụng, hiệu quả thực tiễn, môi trường đầu tư, đối tác...
Đặc biệt, đối với dự án về viễn thông và công nghệ thông tin, vốn là lĩnh vực có sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, nên tính hiệu quả, khả năng hoàn vốn và hiệu quả đầu tư chung đã giảm đi rất nhiều.
Theo báo cáo của Ban QLDA trình tập đoàn VNPT thì kể cả sau khi đã điều chỉnh dự án đầu tư (năm 2013), khả năng hoàn vốn trong 10 năm là không thể. Trong khi đó, các hệ thống cáp quang trên đất liền của VNPT đã phát triển nhiều hơn và đảm bảo được hạ tầng thông tin theo trục Bắc Nam, nên vai trò tăng cường năng lực hạ tầng của dự án cáp quang biển Bắc – Nam không còn nhiều giá trị.
Chính vì những lý do này, sau khi tập đoàn VNPT báo cáo Bộ TT&TT và Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị ngừng Dự án cáp quang biển Bắc – Nam của VNPT.
Sau 10 năm triển khai, dự án đã tiêu tốn hơn 130 tỷ VNĐ cho các chi phí triển khai, thiết kế khảo sát, thuê nhà thầu tư vấn, xây dựng nhà trạm cho các điểm cập bờ… nhưng chưa biết sẽ thanh toán vốn vay bằng cách nào, vì dự án đã ngừng nên không thể sử dụng nguồn vốn ODA để trả.
• Nhóm PV