Apple, Google và Microsoft đã cùng với Yahoo, Facebook và AOL kêu gọi Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ cải cách hoạt động giám sát của chính phủ Mỹ.

Các công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ đang mở rộng cuộc chiến của họ với Cơ quan An ninh Mỹ (NSA). Sau khi kiên trì đòi NSA phải minh bạch hóa các chương trình giám sát người dùng, tới nay, họ đã gửi thư kiến nghị lên lãnh đạo của Ủy ban Tư pháp Thượng viện đề nghị cải cách triệt để chương trình giám sát của NSA.

{keywords}
Các chương trình giám sát của Chính phủ Mỹ đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía người dân.

Bức thư được gửi đi hôm thứ 5 vừa qua của Google, Apple, Microsoft, Yahoo, Facebook và AOL đã kiến nghị ủy ban này thêm các cơ chế giám sát cũng như trách nhiệm của các chương trình gián điệp.

“Minh bạch là bước đầu tiên quan trọng để có một cuộc thảo luận công khai, nhưng rõ ràng là vẫn còn nhiều việc phải làm”, bức thư của các hãng công nghệ viết.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền làm việc với cơ quan lập pháp để xác định những cải cách quan trọng để tạo ra sự minh bạch cần thiết và giúp gây dựng lại lòng tin cho người dùng Internet trên toàn thế giới”.

NSA là cơ quan giám sát và nghe lén lớn nhất ở Mỹ và cũng là nơi làm việc của Edward Snowden trước khi anh này cung cấp các tài liệu về chương trình nghe lén tuyệt mật của cơ quan này hồi tháng 6 vừa qua.

Tài liệu của Snowden cung cấp cho thấy, Chính phủ Mỹ đã nghe lén các cuộc gọi trên di động cũng như thu thập các “siêu dữ liệu” từ các công ty Internet lớn. Sau Snowden, hàng ngàn tài liệu về chương trình nghe lén của Chính phủ Mỹ cũng được tiết lộ. NSA và Tổng thống Obama khẳng định rằng, chương trình giám sát này nhằm mục đích bảo vệ người dân Mỹ và chống lại những kẻ khủng bố từ nước ngoài.

Bức thư đã được gửi lên Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua hai Thượng nghị sĩ Patrick J.Leahy và Nghị sĩ F. James Sensenbrenner Jr, những người gần đây nổi lên với dự luật có tên Đạo luật tự do Hoa Kỳ. Đạo luật này có mục đích “kết thúc chương trình nghe lén, thu thập thông tin gián điệp và theo dõi trực tuyến” của các cơ quan chính phủ.

Nghị sĩ Sensenbrenner được coi là kiến trúc sư cho Đạo luật Yêu nước (Patriot Act), đạo luật mà NSA vẫn dựa vào như một sự biện hộ về mặt pháp lý cho hành động giám sát của mình. Tuy nhiên, Sensenbrenner cũng khẳng định rằng, các chương trình gián điệp hàng loạt của chính phủ không phải là mục đích của đạo luật này.

“Chúng ta cần phải tạo ra sự cân bằng giữa an ninh và tự do dân sự”, Sensenbrenner nói. “Và lý do mà các cơ quan tình báo gặp phải rắc rối là vì dường như họ không hiểu vì sao các quyền tự do cơ bản của công dân phải được bảo vệ”.

Trong bức thư của mình, 6 hãng công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay cũng thể hiện quan điểm này của Sensenbrenner.

“Với tư cách là các công ty có hàng trăm triệu người dùng dịch vụ trên toàn thế giới, chúng tôi hoan nghênh các cuộc tranh luận về việc làm cách nào vừa bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư. Chúng tôi ủng hộ Đạo luật Tự do Mỹ như một phần quan trọng của cuộc thảo luận này”.

Kể từ sau khi Snowden tiết lộ về chương trình giám sát của NSA, các công ty công nghệ luôn thúc giục chính phủ Mỹ minh bạch hóa các chương trình giám sát. Họ cũng từng kiến nghị chính phủ cho phép họ công khai các yêu cầu cung cấp thông tin mà chính phủ Mỹ đã gửi cho họ.

Google, Apple cũng như các công ty công nghệ khác đang cố gắng trấn an người dùng của mình rằng, NSA không có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng của họ. Tuy nhiên, hiện tại, các công ty công nghệ chỉ được công bố các thông tin về các yêu cầu cung cấp thông tin chung. Họ không được phép công bố con số cụ thể có bao nhiêu yêu cầu mà họ nhận được, đặc biệt là từ NSA.

Trong bức thư của mình, các hãng công nghệ cũng một lần nữa kiến nghị chính phủ cho phép họ công bố thêm thông tin về các yêu cầu cung cấp thông tin người dùng từ chính quyền Mỹ.

“Chúng tôi cũng kiến nghị chính phủ tiếp tục minh bạch hóa chương trình giám sát và đồng ý cho chúng tôi công bố thêm các thông tin về số lượng và loại yêu cầu  (cung cấp thông tin người dùng) mà chúng tôi nhận được”, bức thư viết.

Lê Văn (Theo The Washington Post)