Trong lúc vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo qua mạng di động truyền thống được tiết chế thì các nhà quảng cáo lại bắt đầu dội bom người dùng qua những ứng dụng OTT như Viber.
|
Tin nhắn rác xuất hiện tràn lan trên Viber dịp cận Tết. Ảnh: T.C |
Phạt DN phát tán tin nhắn rác 3,8 tỷ đồng
Thông tin từ Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, trong năm 2013, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 41 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) có hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, xử phạt và truy thu tổng số tiền lên tới hơn 3,8 tỷ đồng, thu hồi 22 đầu số vi phạm.
Đa số những tin nhắn rác có nội dung lừa đảo, dụ người nhận gọi vào các tổng đài như 1900 xx84 để nghe clip mà theo lời chúng là hoàn toàn miễn phí. Số khác lừa người dùng tải các phần mềm, game có nội dung sex, dâm ô đồi trụy về điện thoại. Khi người dùng sử dụng hoặc kích hoạt, các phần mềm này sẽ tự động nhắn tin đến các đầu số và trừ tiền trong tài khoản.
Một biến tướng nữa, theo ghi nhận của thanh tra, là hiện đang xuất hiện tình trạng cung cấp, quảng cáo dịch vụ qua các trang websex. Trong mô hình này, các công ty CSP (cung cấp nội dung có đầu số) ký kết với công ty CP (cung cấp nội dung nhưng không có đầu số). Công ty CP thiết lập website, viết phần mềm có gắn mã lệnh tự động gửi tin nhắn đến đầu số để trừ tiền trong tài khoản người dùng. Sau đó, CP cho phép hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn cá nhân làm CTV tham gia phân phối, cung cấp dịch vụ trên đầu số. Việc hợp tác kinh doanh như trên dẫn tới các CSP, CP không thể kiểm soát hoặc làm ngơ để các CTV phát tán tin nhắn rác, lừa đảo, cung cấp các phần mềm, trò chơi thông qua các trang websex. Các CTV không ký hợp đồng, không có địa chỉ cụ thể. Công ty CSP sẽ chuyển lợi nhuận cho các CTV thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thanh toán bằng thẻ điện thoại. Do đó, cơ quan chức năng rất khó xác định đối tượng sai phạm chính xác để xử phạt.
Phạt và trảm
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Thanh tra thì số lượng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong năm 2013 đã giảm so với những năm trước đó, nhờ những biện pháp tích cực từ phía cơ quan chức năng.
Một số Sở TT&TT như Hà Nội đã "trảm" 3677 số điện thoại quảng cáo rao vặt, 31 đầu số và 208 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, lừa đảo. Rất nhiều trong đó là các đầu số, số điện thoại đẹp để tăng lòng tin cho người nhận như 7775, 7010, 7060, 7160, 19001992, 555, 19001993, 0968686666; 0969696999; 0987200000; 0989522222; 0986333333…Các nội dung chủ yếu mà những đầu số, số điện thoại này dội bom người dùng là rao bán SIM đẹp, lô đề, bất động sản, chăn ga gối đệm, tải bài hát, game....
Tin nhắn rác, lừa đảo qua mạng di động truyền thống đã giảm so với năm 2012. |
Các mức phạt dành cho những hành vi liên quan đến phát tán tin nhắn rác cũng được tăng nặng để răn đe. Cụ thể, theo quy định của Nghị định 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện vừa được Chính phủ ban hành, nếu các nhà mạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác; Không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác; Không thực hiện các biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác trên mạng di động theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông…sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.
Mức phạt tăng từ 40- 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ bằng thư điện tử hoặc bằng tin nhắn không có đầy đủ các hình thức tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối theo quy định; Gửi hoặc phát tán tin nhắn rác; Cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số; Tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung.
Cảnh giác với OTT
Mặc dù vậy, trong khi tình hình tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo qua mạng di động truyền thống có phần tiết chế thì một hình thái tin nhắn rác khác qua các dịch vụ OTT như Viber lại xuất hiện. Tin nhắn rác qua OTT bắt đầu rộ lên từ tháng 9 năm ngoái và có dấu hiệu tăng mạnh trong những tuần cận Tết.
Đại diện thanh tra Bộ lo ngại rằng, khi cơ quan quản lý tập trung "soi" và "trảm" tin nhắn rác qua mạng di động thì các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm sẽ chủ động "dạt" sang các dịch vụ OTT, nơi tin nhắn vừa được phát tán miễn phí lại chưa chịu bất cứ quy định ràng buộc, quản lý nào từ phía Nhà nước. Hơn nữa, đây là hình thái tin nhắn rác rất mới nên một số cơ quan chuyên trách như VNCERT thậm chí còn chưa ghi nhận được các khiếu nại, phản ánh từ phía người dùng để đề xuất phương án xử lý với Bộ TT&TT.
- Trọng Cầm