- Từ ngày 15/02/2014, Bưu điện Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh cước các dịch vụ bưu chính phổ cập bao gồm dịch vụ thư cơ bản trong nước và dịch vụ thư cơ bản quốc tế. Theo đó, mức giá gửi một bức thư trong nước từ 20 gram trở xuống sẽ tăng từ mức 2.000 đồng lên 3.000đồng.


{keywords}

Trước đó, Thông tư số 20/2013/TT-BTTT được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính phổ cập chính thức có hiệu lực từ 18/1/2014. Tuy nhiên, Tổng công ty Bưu điện VN đã quyết định lùi thời hạn áp dụng việc tăng cước sang 15/2/2014 nhằm giảm áp lực cho các doanh nghiệp có nhu cầu gửi thư từ bưu phẩm vào thời điểm sát Tết Giáp Ngọ.

Mức cước cho thư từ trên 20 gram đến 100 gram là 4.500 đồng; từ trên 100 gram đến 250 gram là 6.000 đồng và mỗi 250 gram tiếp theo đến 2.000 gram sẽ cộng thêm 2.000đồng. Dịch vụ bưu thiếp có giá cước chung là 2.000 đồng. Mức cước nêu trên được áp dụng cho phương tiện vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ, nếu vận chuyển bằng đường hàng không sẽ cộng thêm chi phí giá phụ cước máy bay cho từng nấc khối lượng lần lượt là: 500 đồng, 1.500 đồng, 2.000 đồng đối với dịch vụ thư và 500 đồng đối với dịch vụ bưu thiếp.  

Đảm bảo lợi ích quốc gia

Bắt đầu từ năm 2017, việc thanh toán cước đầu cuối giữa Việt Nam với các nước sẽ được thực hiện theo quy định mới. Theo đó, những nước có mức giá cước dịch vụ thư cơ bản nội địa thấp sẽ không có lợi trong thanh toán cước đầu cuối quốc tế.

Theo kết quả thống kê cước dịch vụ thư thường của các nước tham gia UPU, Việt Nam nằm trong danh sách 15 quốc gia có mức cước thư thường trong nước thấp nhất, tính theo đơn vị SDR của UPU (1 SDR tương đương 1,55 USD), cước thư của Việt Nam là 0,052 SDR trong khi cước trung bình của toàn UPU là 0,560 SDR. Do vậy, việc điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước sẽ đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong thanh toán quốc tế.

Việc điều chỉnh giá cước thư cơ bản trong nước sẽ làm tăng nguồn thu cho Bưu điện Việt Nam để tái đầu tư  nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng dịch vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy người sử dụng dịch vụ nói chung sẽ được hưởng dịch vụ có chất lượng đạt chuẩn do Nhà nước quy định.

Đây là lần tăng cước dịch vụ thư cơ bản đầu tiên kể từ năm 2009. Lúc đó (ngày 1/5/2009), giá cước dịch vụ thư cơ bản trong nước đến 20 gram đã được điều chỉnh tăng từ 800 đồng lên 2000 đồng/thư. Với mức tăng giá mới lên 3000 đồng/thư, sau 5 năm giá cước dịch vụ thư cơ bản chỉ tăng có 0,5 lần, trong khi mức lương cơ bản đã tăng lên cao hơn khá nhiều. Mức giá này mới chỉ bù đắp được khoảng 80% giá thành dịch vụ. Với mức giá cước này và sản lượng sau điều chỉnh cước sẽ có sự sụt giảm nhất định (dự kiến mức giảm trong năm 2014 khoảng 10%-12%), dự kiến doanh thu dịch vụ tăng thêm từ việc tăng cước vào khoảng 70-75 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc tăng giá cước Bưu chính, ông Hoàng Xuân Hạnh, Phó trưởng ban phụ trách Bưu chính của Tổng Công ty BĐVN cho biết: “Mức cước tăng lên 3000 đồng/thư cũng chưa đảm bảo bù đắp được giá thành dịch vụ trong khi sản lượng dịch vụ thư cơ bản ngày càng giảm và Bưu điện Việt Nam vẫn phải duy trì mạng lưới các điểm phục vụ rộng khắp trên toàn quốc. Mức giá mới chỉ bù đắp được 80% giá thành nhưng Bưu điện Việt Nam vẫn đề xuất tạm thời giữ mức giá này để đảm bảo không có sự biến động quá về giá cả”.

Theo dự kiến, sau năm 2016, Bưu điện Việt Nam sẽ rà soát tính toán để đề xuất Bộ TT-TT tăng cước lên đúng bằng giá thành dịch vụ, mà đáng ra đã được triển khai từ năm 2013 theo như lộ trình của Quyết định số 37/2009/QĐ-TTg ngày 6/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

H.P.