Các chuyên gia công nghệ đánh giá quyết định của Bộ TT&TT về việc không đẩy nhanh việc cấp phép 4G tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lý và khôn ngoan.


{keywords}
Đa số người dân Việt Nam vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với 3G. Ảnh: T.C

Theo dự đoán, 2014 sẽ là năm phát triển đột phá của công nghệ 4G LTE trên thế giới, đặc biệt là tại những thị trường láng giềng với Việt Nam như Trung Quốc. Công nghệ này sẽ hiện diện tại hơn 95 quốc gia, với hàng trăm nhà mạng có quy mô khác nhau và ngành di động toàn cầu sẽ chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ lên 4G.

Trước bối cảnh đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên chăng, Việt Nam nên sớm cấp phép 4G để không bị tụt lại quá xa so với các nước?

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã khẳng định, Việt Nam sẽ chỉ bắt đầu xem xét cấp phép 4G cho các doanh nghiệp nhanh nhất là năm 2015. Quan điểm của Bộ, là 3G chỉ vừa mới triển khai tại VN được 4 năm, các nhà mạng thậm chí còn chưa thu hồi hết vốn đầu tư, công suất hệ thống cũng chưa được khai thác hết nên việc tiếp tục đầu tư sang một công nghệ hoàn toàn mới sẽ là lãng phí.

{keywords}
Ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm VN tin rằng năm 2015 mới cấp phép 4G là lộ trình hoàn toàn hợp lý. Ảnh: T.C

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, nhấn mạnh rằng ông "hoàn toàn đồng tình với quan điểm này của Bộ TT&TT", cũng như về lộ trình cấp phép 4G tại Việt Nam. Theo phân tích của ông Nam thì 2015 là thời điểm thích hợp xét trên nhiều phương diện.

"Thứ nhất là thiết bị đầu cuối. Sau năm 2014 bùng nổ thì chắc chắn, số lượng thiết bị đầu cuối tích hợp 4G trên thế giới sẽ tăng vọt, kéo giá thành sản phẩm giảm xuống, tiếp cận được với người dùng phổ thông.

Thứ hai, nhà mạng phải đối mặt với bài toán kinh doanh, bởi một khi đã đầu tư cho 4G thì phải có khách hàng sử dụng. Trong khi đó, số lượng thuê bao 3G tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ có khoảng 20 triệu người, chiếm tỷ lệ 25% trên tổng số thuê bao di động. Con số này thua xa các nước phát triển như Mỹ (75%), hay cả những nước ở gần chúng ta như Trung Quốc (45%)". 3G còn như vậy thì ai dám nói trước sẽ có bao nhiêu người thực sự mặn mà dùng 4G?

Rõ ràng, tiềm năng 3G tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Mọi sự khai thác của các nhà mạng, tính tới thời điểm này, mới chỉ dừng lại ở bề mặt. Số lượng các thuê bao 3G cũng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nơi có mặt bằng thu nhập cao hơn, đủ để người dân có thể cùng lúc đầu tư cả smartphone 3G lẫn gói cước dịch vụ hàng tháng. Trong khi đó, ở vùng sâu vùng xa, các thành phố nhỏ, phần đông người dùng vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận 3G.

Không phải các nhà mạng không nhận ra thực tế này. Một chương trình mang tên 3G Bus Tour đã được khởi động từ tháng 11 năm ngoái, với hành trình đi qua hơn 30 tỉnh thành để phổ cập lợi ích 3G tới người dùng. Các doanh nghiệp như VNPT, MobiFone cũng đã kết hợp với Qualcomm để cung cấp gói 3G miễn phí một năm dành cho sinh viên. Mục đích cao nhất là để ngày càng có nhiều người dùng được hưởng lợi từ 3G hơn nữa.

Ông Nam tin rằng, công việc cần ưu tiên lúc này của các mạng di động là làm sao khuyến khích, thúc đẩy người dùng 3G trong nước hơn là vội vàng đầu tư lên 4G. "Việt Nam rất thuận lợi về băng tần nhờ có quy hoạch băng tần rất hợp lý, mang tầm nhìn dài hạn từ phía Chính phủ. Các nhà mạng của chúng ta không hề thiếu băng tần như một số nước khác mà lúc nào cũng có sẵn băng tần. Đây là điều kiện rất quan trọng trong việc triển khai 4G. Vấn đề là nhu cầu hiện tại của thị trường dành cho 4G ra sao?".

Đành rằng, 4G hiệu quả hơn hẳn 3G về các dịch vụ dữ liệu, nhưng 3G ở VN còn chưa được khai thác hết tiềm năng, hạ tầng, hệ thống. Bản thân các doanh nghiệp di động cũng có sự đầu tư rất tốt cho 3G, do đó, nếu họ tiếp tục lộ trình nâng cấp 3G lên 3.5 G, 3.9G thì công nghệ này vẫn đáp ứng đủ hết nhu cầu về dịch vụ dữ liệu di động cho người dùng Việt Nam", ông Nam phân tích. Hơn nữa, giá thành 3G tại Việt Nam tuy rẻ thuộc hàng nhất thế giới, nhưng chất lượng vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều, đòi hỏi nhà mạng phải liên tục nâng cao chất lượng, hệ thống.

Chính vì vậy, Việt Nam không cần quá "vội vã" với 4G mà nên tính toán thời điểm hợp lý nhất, xây dựng mô hình kinh doanh tối ưu nhất cho 4G rồi hãy triển khai. Qualcomm nhận định "2017-2018 là thời điểm phù hợp để ra các dịch vụ 4G thương mại, tức là sau khi các doanh nghiệp được cấp phép khoảng 2-3 năm. Khi đó, số lượng người dùng 3G tại Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ tăng lên, chiếm tỷ lệ 50%-60% người dùng di động - ngang bằng với các nước "sẵn sàng cao cho 4G" hiện nay.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp di động không có bất cứ sự chuẩn bị nào dành cho 4G. "Năm 2015 đâu còn xa xôi gì nữa. Các nhà mạng lúc này đã cần phải bắt đầu xem xét, chuẩn bị về mặt công nghệ để khi thời điểm thích hợp là có thể triển khai được ngay", ông Nam khuyến nghị.

Liên quan đến vấn đề Việt Nam nên lựa chọn băng tần nào khi tiến lên 4G, đại diện Qualcomm khẳng định không có khái niệm băng tần tốt hay băng tần xấu mà chỉ có băng tần "hài hòa, phổ biến". Nếu chọn được đúng băng tần phổ biến thì người dùng sẽ được lợi do thiết bị đầu cuối rẻ, nhiều lựa chọn, khả năng roaming cao, nhà mạng cũng được lợi do thiết bị rẻ, đầu tư ít. Một bài toán nữa mà các nhà mạng phải đối mặt chính là mô hình kinh doanh: Những ứng dụng, dịch vụ nào mà 4G có thể tạo ra sự khác biệt lớn? Và nếu có thì sẽ thu tiền ra sao?

Trước đó, cuối tháng 12/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son từng khẳng định tiến độ triển khai 4G tại Việt Nam cần tuân theo đúng Nghị định 32, tức là sớm nhất cũng phải đợi đến năm 2015 và cấp phép theo hình thức đầu giá băng tần giống như với trường hợp 3G trước đây. Điều này cũng có nghĩa là Bộ TT&TT sẽ không cấp phép thẳng mà chỉ cấp giấy thử nghiệm công nghệ cho những nhà mạng quan tâm, nói chính xác là "tiền 4G". Việc đẩy sớm 4G không những "không cần thiết mà còn có thể gây lãng phí".

Theo tính toán, để hòa vốn và bắt đầu có lãi từ 3G thì các doanh nghiệp cần tối thiểu 7 năm triển khai, nghĩa là hiện VN mới đi được hơn nửa chặng đường.

Tháng 5/2013, Viettel là nhà mạng trong nước đầu tiên triển khai thử nghiệm công nghệ 4G, đồng thời thông báo sẽ sớm cung cấp các dịch vụ thử nghiệm cho khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM trong tương lai gần. Ngoài Viettel thì Bộ TT&TT cũng đã cấp giấy phép thử nghiệm từ cuối năm 2010 cho 4 DN khác là VNPT, CMC, FPT và VTC.

Trọng Cầm