Trung Quốc đã sử dụng một điều luật quốc tế ra đời từ năm 1999 để thu thập dữ liệu vệ tinh không gian toàn cầu trong nỗ lực tìm kiếm và định vị chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines.


{keywords}
Một máy bay quân sự của Indonesia tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370

Vệ tinh chính là công nghệ mới nhất được huy động vào chiến dịch truy tìm chiếc máy bay biến mất đầy bí ẩn này. Hôm thứ hai vừa qua, một nền tảng crowdsourcing có tên Tomnod đã phát động một chiến dịch huy động cộng đồng mạng giúp sức tìm kiếm vết tích của chiếc máy bay thông qua việc rà soát hàng chục ngàn bức ảnh chụp vệ tinh trong một khu vực rộng 3200km vuông "nghi vấn".

Trung Quốc ngay lập tức "theo gót" Tomnod khi kích hoạt Hiến chương Quốc tế về Không gian và Thảm họa lớn vào hôm thứ Ba. Mục tiêu của Hiến chương này là huy động và thu thập dữ liệu không gian từ 15 tổ chức thành viên trong trường hợp xảy ra "thảm họa tự nhiên hoặc kỹ thuật". Hiến chương này mô tả một thảm họa như vậy là "tình huống gây căng thẳng nghiêm trọng, liên quan đến mạng sống con người hoặc tổn thất quy mô rộng về tài sản, có thể do các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần, vòi rồng, núi lửa phun trào, lũ lụt cháy rừng, hoặc do sự cố kỹ thuật như ô nhiễm khí hydrocarbon, nhiễm độc, phóng xạ... gây ra".

Giờ đây, khi Hiến chương này đã được đưa vào sử dụng, các nhà khoa học không gian trên khắp trái đất sẽ huy động tất cả các vệ tinh trong tay để tổng hợp hình ảnh tại khu vực nghi vấn. Họ hy vọng một trong số những bức ảnh này sẽ hé lộ được các dấu hiệu có ý nghĩa đối với chiến dịch cứu hộ.

Tuy vậy, vệ tinh chỉ là một trong số nhiều công cụ công nghệ tham gia vào chiến dịch đa quốc gia nhằm truy tìm chiếc máy bay MH370 - với sự góp mặt của 42 tàu biển tối tân, 39 máy bay công nghệ cao. Nhiều thiết bị âm thanh đã được đưa xuống biển để tìm tín hiệu do hộp đen phát ra, trong khi máy bay trực thăng MH60 Seahawk của Mỹ sử dụng máy ảnh hổng ngoại FLIR để tìm kiếm.

Được biết, Hiến chương về Không gian và Thảm họa lớn được kích hoạt gần đây nhất là vào ngày 13/2 vừa qua để theo dõi vụ phun trào núi lửa Mount Kelud tại đảo Java (Indonesia). Dù đã được sử dụng 400 lần trong lịch sử nhưng đây là lần đầu tiên nó được huy động vào một chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích.

15 tổ chức không gian tham gia Hiến chương bao gồm Cơ quan không gian liên bang Nga, cơ quan Không gian châu Âu, Viện nghiên cứu Không gian Hàn Quốc và Ủy ban Không gian Quốc gia Trung Quốc. Các thành viên từ Mỹ gồm có Trung tâm thăm dò Địa lý học Mỹ và Ủy ban Đại dương - Khí quyển Quốc gia.

  • T.C