Lần đầu tiên, cơ quan chức năng đã triệt phá 2 doanh nghiệp tại Hà Nội sử dụng máy của Trung Quốc chuyên “tung” tin rác “khủng bố” người dùng ĐTDĐ để trục lợi.




1 giờ phát tán 800 tin rác

Theo ông Đỗ Hữu Chí, Trưởng phòng Viễn thông - Công nghệ thông tin (Thanh tra Bộ TT-TT) , đơn vị này đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao tiến hành thanh tra đột xuất  một công ty ở phố Hoàng Cầu (Q.Đống Đa, Hà Nội).

Tránh mất tiền oan
Để tránh mất tiền oan, chuyên gia khuyến cáo, người sử dụng điện thoại di động tốt nhất không nên làm theo hướng dẫn quảng cáo nhận được từ số thuê bao di động lạ. Khi có ý định nhắn tin đến các đầu số có 4 chữ số dạng xxxx, người sử dụng cần cân nhắc kỹ. Chẳng hạn, nếu là số x7xx, giá mỗi tin nhắn sẽ là 15.000 đồng/tin và 500 đồng/tin đối với số x0xx.

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 điện thoại Nokia 3110C kết nối với máy tính và sử dụng phần mềm SMS Carter để phát tán tin nhắn rác tới các thuê bao di động nhằm quảng cáo, dẫn dụ người sử dụng nhắn tới các đầu số 8x41 (x là các số từ 0 - 7).

Tang vật thu được là máy phát tán tin nhắn có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong 1 giờ, có khả năng phát tán với tốc độ 800 tin nhắn tới người sử dụng. Ngoài nội dung bị xử phạt quảng cáo tin nhắn rác, công ty này còn bị xử phạt hành vi gửi tin nhắn có nội dung liên quan tới bói toán, cờ bạc, lô đề...

Cùng đợt thanh tra trong tháng 4, đoàn thanh tra đã phát hiện Công ty CP VNNET sử dụng các thiết bị GSM/GPRS/CDMA Modem được lắp sim và kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác quảng cáo cho đầu số 8x32. Với thiết bị phát tán tin nhắn, trung bình 3 lần/tuần, mỗi lần Công ty VNNET phát tán tin nhắn rác tới khoảng 20.000 thuê bao di động. Đoàn thanh tra Bộ TT-TT đang tiếp tục làm rõ các sai phạm cũng như việc phát tán tin nhắn rác của các đối tượng hiện đang hợp tác với VNNET để cung cấp dịch vụ.

Căn cứ vào Nghị định 90/2008 về chống thư rác, một thành viên đoàn thanh tra cho hay, bên cạnh bị xử phạt hành chính, khả năng các công ty này sẽ bị thu hồi mã số quảng cáo, không gia hạn hoặc không xem xét cấp mới mã số.

“Khủng bố” người sử dụng ĐTDĐ để kiếm lời


Thanh tra Bộ TT-TT cho biết, hiện có khoảng 300 công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động. Trong đó có những công ty không có giấy phép. Đây không chỉ là mảnh đất kinh doanh béo bở của các công ty trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung, mà còn có lợi cho các nhà mạng. Theo một thành viên đoàn thanh tra, thông thường lợi nhuận thu về từ tin nhắn được chia đôi giữa nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ theo tỷ lệ 50 - 50, 40 - 60 hoặc 45 - 55. Với lợi nhuận cao, có thể các nhà mạng biết mà vẫn làm ngơ để các tin nhắn “khủng bố” người sử dụng điện thoại.

Mặc dù đã tịch thu được 4 thiết bị phát tán tin nhắn rác trong đợt thanh tra vừa qua, song theo cơ quan chức năng, việc phát tán tin nhắn rác chưa thể xử lý triệt để. Nguyên nhân do những tin nhắn rác được phát tán chủ yếu từ các sim khuyến mãi nên rất khó cho quá trình điều tra.

Ngoài ra, một chuyên gia trong ngành viễn thông cho rằng, mức xử phạt cao nhất 40 triệu đồng theo Nghị định 90/2008 đối với các hành vi phát tán tin nhắn rác không được phép của chủ thuê bao điện thoại là quá thấp. Vị này kiến nghị, nghị định cần phải bổ sung mức xử phạt và tăng mức xử phạt. Bên cạnh đó, bổ sung chính sách buộc các công ty, nhà mạng phải công khai cước rõ ràng để người sử dụng biết.

Nên xử lý bằng hình sự

Trao đổi với Thanh Niên chiều 26.4, ông Trần Ngọc Tiếp, Phó chánh Thanh tra Bộ TT - TT cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét các dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp. “Trong trường hợp, vi phạm này có các dấu hiệu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngay lập tức chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự”, ông Tiếp nói.

Để đối phó với tin nhắn rác, Thanh tra Bộ TT-TT cũng cho biết đang xây dựng Nghị định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực này theo hướng có nhiều hình thức xử lý, khung phạt cũng được đề xuất rất cao.

Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Quảng Ninh) cho rằng không chỉ xử lý về hành chính mà có thể áp dụng các biện pháp hình sự. “Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định rõ một số loại tội phạm có liên quan đến loại hình tin nhắn. Ví dụ như tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin lên mạng viễn thông, tội sử dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản.

Trong một số trường hợp, chúng tôi thấy rằng các đối tượng đã đưa các thông tin không được pháp luật cho phép lên mạng viễn thông, ví dụ như các tin nhắn rủ rê người khác tham gia chơi cờ bạc, hoặc dụ dỗ người khác nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Ở đây các dấu hiệu vi phạm về hình sự đã rất rõ và tôi cho rằng các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để đánh giá về dấu hiệu, mức độ để khởi tối vụ án, khởi tố bị can”, luật sư Phất nói.

Thái Sơn


Hải Bình (Theo TNO)