Bộ TT&TT, Bộ Quốc Phòng và VNPost vừa phối hợp phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm sinh Lê Trọng Tấn (1914 - 1986) sáng nay, 1/10/2014 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.


{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng ký phát hành Bộ tem. Ảnh: T.C

Bộ tem gồm một mẫu do họa sỹ Võ Lương Nhi (thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt nam - VNPost) thiết kế theo phong cách đồ họa, thể hiện chân dung Đại tướng Lê Trọng Tấn trong quân phục của QĐND Việt Nam, trên nền lá cờ Quyết chiến, quyết thắng đang tung bay. Bộ tem có khuôn khô 43 x 32mm, giá mặt 3000 đồng, được cung ứng trên mạng lưới với sản phẩm 1 triệu tem cước phí.

Chia sẻ tại Lễ phát hành, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước của Đại tướng luôn sáng ngời để các thế hệ sau học tập. Nhiều đường phố và trường học trên cả nước cũng đã mang tên ông. Chính vì vậy, để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những công lao to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, Bộ TT&TT đã quyết định phát hành và tổ chức buổi lễ phát hành đặc biệt dành cho Bộ tem.

Thông qua hình ảnh của mẫu tem, người xem có thể phần nào thấy được cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng , với phẩm chất chính trị và tinh thần đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1/10/1914 tại làng Yên Nghĩa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông từng là Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.

Ông là vị tướng có công lớn trong 2 chiến dịch lịch sử của dân tộc là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập các đại đoàn chủ lực, ông trở thành Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312 - Đại đoàn chiến thắng (nay là sư đoàn) ở tuổi 36. Trong trận Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy đã đánh trận mở màn vào cao điểm Him Lam (13/3/1954) và kết thúc chiến dịch vào ngày 7/5/1954, bắt sống tướng Đờ Caxtơ-ri và ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Chính lữ đoàn xe tăng 203 của ông đã tiến vào dinh Độc lập đầu tiên năm 1975.

Năm 1984, ông được phong quân hàm Đại tướng. Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Ông mất ngày 5/12/1986 tại Hà Nội.

Trọng Cầm