- Hiện tại, Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới tổ chức chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện tại 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng Hà Nội và TP.HCM, VNPost thừa nhận rằng tốc độ triển khai vẫn còn chậm.


{keywords}

Cụ thể, tại thời điểm này, đối với địa bàn Hà Nội, VNPost và Bảo hiểm Xã hội mới đang thí điểm chi trả tại huyện Ba Vì và huyện Phú Xuyên, còn với địa bàn TP.HCM, hai đơn vị vẫn đang phải phối hợp với UBND Thành phố để xây dựng phương án triển khai.

Trên thực tế, công tác quản lý người hưởng, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua hệ thống Bưu điện đã được thực hiện thí điểm lần đầu tiên từ ngày 1/9/2011 tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đắk Nông và Phú Yên. Kết quả thí điểm khá khả quan nên VNPost và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết định mở rộng phạm vi thí điểm thêm 8 địa phương nữa là Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Long An, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam và Tuyên Quang từ ngày 1/4/2012.

Từ ngày 1/7/2013, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, hai bên đã thực hiện mở rộng việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua bưu điện trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, VNPost cho biết đơn vị này đã tổ chức được 13.000 chi trả tại hơn 10.000 xã, phường của 62/63 tỉnh, thành, quản lý trên 2 triệu người hưởng và thực hiện chi trả hơn 5.500 tỷ đồng/tháng.

Đa số người dân đều nhận xét cơ chế chi trả này là thuận tiện, nhanh chóng, tuy nhiên, việc dự án chậm triển khai ở 2 thành phố lớn cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà VNPost và Bảo hiểm xã hội cần phải tháo gỡ trong thời gian tới, không chỉ ở địa bàn Hà Nội và TP.HCM mà còn ở các tỉnh, thành khác.

Đáng nói nhất chính là việc nhận thức và thói quen của người dân về việc cung cấp giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền khi lĩnh thay còn hạn chế, nên khi triển khai chi trả qua hệ thống Bưu điện, nhiều người dùng đã phàn nàn, thậm chí là thiếu hợp tác. Mặt khác, hầu hết chính quyền các địa phương đều thu phí đối với xác nhận giấy ủy quyền lĩnh thay có thời hạn 6 tháng, vì vậy mà người hưởng càng thiếu hợp tác hơn.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang Bưu điện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, một số cá nhân là đại diện chi trả cũ đã bị ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế nên phát sinh một số phản ứng bất lợi đối với VNPost lẫn Bảo hiểm xã hội, khiến cho khâu triển khai bị chậm tiến độ. Chính quyền các cấp cũng chưa thực sự quan tâm, ủng hộ nhiều đối với việc triển khai các dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính.

Thu bảo hiểm y tế, xã hội tự nguyện qua bưu điện

Công tác thí điểm thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện qua hệ thống bưu điện được thực hiện từ năm 2014 tại 15 tỉnh, thành phố và bước đầu đã thu được kết quả nhất định. Trên địa bàn hơn 2200 xã, phường, VNPost đã thu được 55 tỷ đồng từ gần 95.000 người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện và 6.2 tỷ đồng từ gần 5500 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trên cơ sở này, ngày 25/9 vừa qua, VNPost và Bảo hiểm xã hội đã chính thức ký kết Hợp đồng thu bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế của đối tượng tự đóng qua hệ thống bưu điện. Theo Hợp đồng này, VNPost sẽ trở thành Tổng đại lý cho Bảo hiểm xã hội bắt đầu từ ngày 1/10/2014 và sẽ triển khai cung ứng dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của đối tượng tự đóng tại các bưu cục, điểm phục vụ, điểm thu của VNPost trên toàn quốc.

Một số chuyên gia phân tích rằng, việc triển khai thu hai loại bảo hiểm nói trên qua hệ thống bưu điện sẽ khiến các bên cùng có lợi. Đối với Bảo hiểm xã hội, ngành này sẽ có được một hệ thống đại lý thu thống nhất, nhiều kinh nghiệm, sở hữu mạng lưới phủ rộng khắp đến tất cả các xã. Mạng lưới này sẽ đảm bảo an toàn tiền mặt, với thời gian luân chuyển nhanh và đảm bảo trên phạm vi toàn quốc. Hơn nữa, VNPost là một doanh nghiệp ứng dụng CNTT mạnh nên nghiệp vụ quản lý thu sẽ hiệu quả hơn, số liệu thu được đảm bảo, cập nhật hàng ngày, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, quản lý.

Trong khi đó, VNPost cũng có cơ hội tận dụng năng lực mạng lưới, tổ chức sẵn có của mình để đa dạng hóa dịch vụ, tăng thêm nguồn thu ổn định, trực tiếp tham gia vào việc tổ chức thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước, cung cấp thêm dịch vụ công mới đến người dân....

Bản thân người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cũng được lợi nhiều mặt như có nọi giao dịch ổn định, thuận lợi là các bưu cục, điểm bưu điện. Quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo từ khâu thu, nộp tiền, cấp biên lai, điều chỉnh những thay đổi... cho đến nhận sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế đều được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện. Người tham gia cũng có thể dễ dàng kết hợp sử dụng các dịch vụ như tiết kiệm, bảo hiểm, ngân hàng, chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện, các dịch vụ viễn thông... do Bưu điện cung cấp.

Mặc dù vậy, các bên thực hiện vẫn cần phải lường trước một số khó khăn có thể nảy sinh trong quá trình triển khai, như những người có điều kiện thu nhập ổn định thì thường đã tham gia bảo hiểm xã hội, y tế bắt buộc tại doanh nghiệp, cơ quan của mình. Người có thu nhập cao thì nhu cầu sử dụng bảo hiểm y tế cũng ít vì họ sẵn sàng trả tiền cho các bệnh viện tư với dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, thực tế tâm lý của người dân hiện nay là có bệnh thì mới đi mua bảo hiểm y tế nên vận động được họ mua bảo hiểm thường xuyên là chuyện không hề dễ dàng.

Hơn nữa, hầu hết người dân chưa quen vớ iviệc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện qua hệ thống Bưu điện. Riêng việc triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện còn vướng khó khăn đặc thù là thời gian tham gia dài (20 năm) và quyền lợi được hưởng khó tính được cụ thể (chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất) nên cũng khó vận động, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm.

T.C