Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông vừa ký quyết định bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giữ chức thành viên Hội đồng Thành viên (HĐTV) của Tập đoàn. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, 3/11/2014.


{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao quyết định bổ nhiệm cho ông Nguyễn Mạnh Thắng. Ảnh: Vũ Nhung

Ông Nguyễn Mạnh Thắng có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và đã từng công tác gần 10 năm trong môi trường quân đội . Từ đầu năm 1994, ông chuyển công tác về VNPT và đã trải qua nhiều cương vị khác nhau tại Công ty di động VMS cũng như các Ban của Tập đoàn.

Phát biểu tại lễ công bố quyết định chiều nay, 5/11, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐTV, đánh giá tân thành viên của HĐTV là một người "rất hiểu đầu việc, phương pháp công tác của lãnh đạo Tập đoàn cũng như không xa lạ gì với chiến lược hoạt động của VNPT". Tuy nhiên, vai trò mới sẽ đòi hỏi ở ông Nguyễn Mạnh Thắng một "trách nhiệm mới và một sự kết hợp mới cùng các lãnh đạo khác để cùng hoàn thành nhiệm vụ".

Cũng theo ông Trận, việc Bộ TT&TT bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Thắng sẽ kịp thời bổ sung lực lượng cho HĐTV VNPT, vốn có tuổi đời bình quân "tương đối cao", nhiều đồng chí đã đến tuổi nghỉ hưu. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đồng tình rằng, kiện toàn bộ máy, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cho VNPT là nhiệm vụ thực sự cần thiết tại thời điểm này. "VNPT vừa phải thực hiện tái cơ cấu, vừa phải đảm bảo ổn định sản xuất. Trong thời gian tới, mong rằng VNPT sẽ phấn đấu hơn nữa để đạt và vượt kế hoạch 2014, cũng như quán triệt triển khai mô hình Tập đoàn theo hướng đảm bảo gọn nhẹ nhất, hiệu quả nhất, đạt kết quả kinh doanh tốt nhất".

Tái cơ cấu để mạnh mẽ hơn

Có thể nói, tái cơ cấu VNPT là một chủ đề rất nóng, thu hút sự quan tâm lớn từ Chính phủ cũng như từ dư luận xã hội, không chỉ vì VNPT là một tập đoàn lớn, chủ lực, trụ cột của thị trường viễn thông mà còn vì tầm ảnh hưởng rộng lớn của tập đoàn này đến nền kinh tế và người dùng Việt Nam.

Để có thể đưa ra được phương án tối ưu nhất, đảm bảo được cùng lúc nhiều mục tiêu: giữ được truyền thống của 1 Tập đoàn trụ cột nhưng phải đảm bảo cho Tập đoàn đó mạnh lên, đồng thời phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành của luật như Luật viễn thông, Luật cạnh tranh...., Bộ TT&TT cùng Tập đoàn đã tiến hành lấy ý kiến dân chủ, công khai, minh bạch đối với phương án tái cơ cấu VNPT trình lên Thủ tướng.

Sau khi tách VMS và Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông ra khỏi VNPT, tái cơ cấu phần còn lại của Tập đoàn, đặc biệt là sắp xếp, tổ chức các đơn vị như VNPT - Media, VNPT - Net, VNPT - VinaPhone sao cho hợp lý, hiệu quả, đạt sự chuyên nghiệp, chuyên biệt cao là một nhiệm vụ rất nặng nề.

"Phải làm sao hình thành được một mạng viễn thông hoàn chỉnh, đủ sức cạnh tranh công bằng với các Tập đoàn viễn thông khác, trên cơ sở đó hình thành nên một thị trường viễn thông lành mạnh, bình đẳng theo đúng Quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ trong năm 2014, thậm chí là trong cả năm 2015", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều phân tích để lý giải vì sao Bộ lại quyết định trình mô hình thành lập 3 Tổng công ty mới trực thuộc VNPT thay vì mô hình tổ chức 3 công ty, cũng như hình thành và đổi tên Công ty di động VMS thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone như trong Quyết định 888.

Phương án này đã được đề cập ở đề án ban đầu được trình lên Thủ tướng từ cuối năm 2013. Và ý tưởng tách VMS ra để hình thành Tổng công ty Viễn thông VMS hàm ý rằng MobiFone sẽ trở thành một mạng viễn thông hoàn chỉnh, kinh doanh cả dịch vụ viễn thông, CNTT và các dịch vụ giá trị gia tăng khác chứ không phải chỉ có di động như tên gọi "Công ty di động VMS".

Phương án này được đánh giá là "phù hợp với thực tiễn phát triển của cả VMS lẫn Tập đoàn, đồng thời phù hợp với quy hoạch thị trường viễn thông đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, đến khi có Nghị định 69 thì Bộ và lãnh đạo Tập đoàn nhận thấy điều kiện hiện tại của cả VMS lẫn VNPT đều hoàn toàn phù hợp để hình thành nên các Tổng công ty, như liên tục 3 năm có lãi, hoạt động rộng khắp cả nước, nhân lực trình độ cao, quản trị kinh doanh tiên tiến...

"Tất cả các tiêu chuẩn định tính này đều phù hợp, còn về tiêu chuẩn định lượng thì khoản 4 điều 9 đã nêu rất rõ: nếu thành lập Tập đoàn thì vốn không được dưới 10.000 tỷ còn nếu thành lập Tổng công ty thì không được dưới 1800 tỷ.

Xét tất cả các yếu tố này thì Bộ nhận thấy phương án mà Bộ và Tập đoàn đã trình Thủ tướng trước đây hoàn toàn phù hợp với các quy định, với thực tiễn, với quy hoạch viễn thông...", Bộ trưởng nêu rõ. Hiện tại, phương án mới đang được trình lên Thủ tướng và đang trong quy trình lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan để Thủ tướng đưa ra quyết định cuối.

"Mong muốn của Bộ là sau Tái cơ cấu, VNPT vẫn phát huy được truyền thống nhưng trở nên mạnh mẽ hơn nữa, còn VMS sẽ trở thành một mạng viễn thông hoàn chỉnh, cạnh tranh được tương đồng với VNPT và các nhà mạng khác nữa để hình thành nên thị trường viễn thông lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp VN làm chủ trên sân nhà. Trên thực tế, ít có ngành nào mà Doanh nghiệp chúng ta dám nói là thắng được trên sân nhà như viễn thông", Bộ trưởng kết luận.

Trọng Cầm