Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định Bộ sẽ tập trung xử lý nghiêm các sai phạm về viễn thông, CNTT, báo chí, thông tin điện tử trong năm 2015, trên nguyên tắc không có vùng cấm: "Hễ có sai phạm sẽ xử phạt".

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc

Phát biểu kết luận tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ 2015 của Bộ TT&TT chiều 25/12, Bộ trưởng Son nêu rõ, việc tăng cường công tác thực thi pháp luật sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu, khi Thanh tra Bộ, Sở TT&TT các địa phương, thanh tra chuyên ngành cần phải vào cuộc tích cực hơn nữa để ngăn chặn hiệu quả tin nhắn rác, cũng như lành mạnh hóa, trong sạch hóa môi trường báo chí, thông tin trên mạng.

"Đề nghị các đơn vị quán triệt Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về chống tin nhắn rác để 2015 là năm toàn ngành CNTT - VT tập trung xử lý tin nhắn rác", Bộ trưởng chỉ đạo. "Yêu cầu doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng vào cuộc, phối hợp tổng lực để dọn dẹp vấn nạn này" thông qua việc kiểm tra, xử phạt và ban hành các thông tư, quyết định quản lý chặt thị trường".

Liên quan đến lĩnh vực quản lý Internet và thông tin trên mạng, một lĩnh vực đang rất nóng với hàng loạt quyết định xử phạt trong thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định rằng, quan điểm của cơ quan chức năng là "Quản lý để phát triển tốt hơn". Thời đại hiện nay không thể thiếu Internet để phát triển kinh tế xã hội, nhưng rõ ràng, Internet cũng có những mặt trái của nó. Vì thế, bên cạnh việc khuyến khích lợi ích của Internet thì trách nhiệm của Bộ TT&TT còn phải là quản lý và hạn chế những mặt trái đó thông qua Nghị định 72.

Tránh "mất bò mới lo làm chuồng"

Một trọng tâm hoạt động đáng chú ý nữa của Bộ TT&TT trong năm 2015 chính là an toàn thông tin. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã xuất hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào hệ thống mạng của Việt Nam, không chỉ tấn công các doanh nghiệp mà còn vào nhiều cơ quan chính phủ mà vụ tấn công làm tê liệt VCCorp hồi tháng 10 là một điển hình. "Dù là một doanh nghiệp lớn nhưng hệ thống của VCCorp vẫn chưa được đầu tư thích đáng nên vẫn có sơ hở để kẻ xấu khai thác", do đó, điều quan trọng nhất lúc này của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp là phải hết sức cảnh giác, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, đồng thời phải có những phương án bảo đảm ATTT cho hệ thống, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Đầu tư cho an toàn thông tin không dễ dàng thấy ngay được hiệu quả nên nhiều đơn vị thường do dự, ngại chi tiền. Điều này, theo Bộ trưởng là hết sức nguy hiểm. "Các cuộc tấn công mạng không còn là nguy cơ tiềm ẩn, xa xôi nữa mà là hiện thực rồi", do đó, cả địa phương và Trung ương đều phải liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo an toàn thông tin trên mạng.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu

Tái cơ cấu các doanh nghiệp của Nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp trong ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt năm 2015, sau những kết quả đáng khích lệ đã đạt được với VNPT, VNPost, MobiFone và Tổng công ty VTC trong suốt 12 tháng qua.

Cụ thể, VNPT sau một thời gian chững lại cũng đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và đảm bảo mức tăng trưởng trên 10% so với năm 2013. Trong khi đó, sau khi tách ra khỏi Tập đoàn 2 năm trước, VNPost cũng đã đứng vững được và đạt lợi nhuận 99,8 tỷ trong năm 2014, cho thấy quyết định tách bạch bưu chính với viễn thông của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Dù giá trị tuyệt đối của con số này có thể không quá lớn nếu so với các Tổng công ty khác, nhưng đây vẫn được đánh giá là một thành công hậu tái cơ cấu, nhất là khi VNPost phải tự chủ cho cả các hoạt động bưu chính công ích. Tổng công ty VTC sau nhiều năm thua lỗ cũng đã có lãi trở lại 2 năm liên tiếp.

Về phần MobiFone, sau khi tách ra khỏi VNPT cũng đã nâng cấp thành Tổng công ty viễn thông MobiFone, từng bước hình thành thế chân kiềng cho thị trường theo đúng Quy hoạch viễn thông quốc gia đến năm 2020 của Chính phủ. Trong Quyết định phê duyệt cho MobiFone trở thành Tổng công ty của Thủ tướng Chính phủ đã nêu đầy đủ nội dung hoạt động tương đồng với VNPT và về cơ bản giống với Viettel (chỉ không có lĩnh vực bưu chính). Do đó, MobiFone cần phát triển thành một "nhà mạng đầy đủ, hoàn chỉnh" để cạnh tranh ngang bằng với hai đối thủ còn lại chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực di động.

"Trong năm 2014, chúng ta đã đi được những bước dài trong tái cơ cấu ngành", Bộ trưởng chia sẻ. Tuy nhiên, thách thức và khối lượng công việc trước mắt vẫn còn rất nhiều. Bộ TT&TT và VNPT cần chuẩn bị các bước cần thiết để tiến tới thành lập 3 Tổng công ty trực thuộc VNPT nếu như Đề án thành lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời VNPT cần tiếp tục tổ chức lại để trở thành một tập đoàn hoàn chỉnh. "Đề nghị Tập đoàn tập trung hơn nữa vào R&D để hạn chế tình trạng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước, tung ra được những sản phẩm công nghệ nội có chất lượng, khẳng định được vị thế của mình là một Tập đoàn đi đầu về CNTT - VT của Việt Nam", Bộ trưởng chỉ đạo.

  • Trọng Cầm