Trong cuộc trao đổi cận Tết với phóng viên VietNamNet, ông Lê Nam Trà, Tổng Giám đốc kiêm phụ trách chức vụ Chủ tịch MobiFone khẳng định, Tổng công ty đang có được một cơ chế mới và vị thế rất tốt cho năm 2015.

Vốn điều lệ MobiFone tăng lên 15.000 tỷ đồng

Ông đánh giá như thế nào về thị trường viễn thông trong nước trong năm 2015? Liệu bức tranh chung của thị trường có những điểm nào khác biệt so với năm 2014 hay không?

Ông Lê Nam Trà: Theo tôi, xu hướng của các nhà mạng là đang dịch chuyển sang cung cấp đa dịch vụ. Một thực tế rõ ràng là số lượng thuê bao smartphone đang tăng trưởng rất nhanh, số lượng kết nối cũng được dự đoán sẽ tăng rất mạnh. Lưu lượng data cũng vậy. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các nhà mạng bắt buộc phải thay đổi cách thức, phương pháp kinh doanh của mình, sẽ phải thay đổi KPIs, thay đổi trải nghiệm để làm hài lòng khách hàng, thay đổi vùng phủ... Đồng thời, nhà mạng cũng phải phát triển các mô hình kinh doanh mới, làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu kết nối bùng nổ, lại vừa tạo được sự tăng trưởng về doanh thu thông qua data. Những dịch vụ  M2M hay M-Commerce, rồi truyền hình, OTT... chính là một xu hướng mà các nhà mạng sẽ triển khai mạnh trong thời gian tới.

{keywords}
Ông Lê Nam Trà, TGĐ kiêm phụ trách chức vụ Chủ tịch Tổng công ty MobiFone trả lời phỏng vấn của VietNamNet. Ảnh: T.C

Riêng đối với M2M, trong năm 2014 chúng tôi đã tổ chức 1 cuộc hội thảo (VAS Day 2014 - PV), mời rất nhiều chuyên gia, các hãng  nội dung cùng với MobiFone thảo luận, phát triển lĩnh vực này. Ở các nước thì ứng dụng di động rất phổ biến, được sử dụng rất nhiều nhưng ở Việt Nam thì khái niệm này vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên tới đây, MobiFone sẽ đề ra các phương án để cùng chia sẻ doanh thu với các nhà cung cấp ứng dụng, thậm chí chúng tôi có thể chia sẻ tới 90% doanh thu như đã hứa tại VAS Day. Hiện tại, các quy định, quy chế hợp tác, liên kết đối với các nhà cung cấp đã được xây dựng xong. Tôi hy vọng chỉ trong thời gian ngắn tới, sẽ có nhiều đơn vị bắt tay cùng MobiFone trong lĩnh vực này.

Từ năm 2013 trở về trước, các nhà mạng dường như rất e ngại OTT. Nhưng tại thời điểm này, có vẻ như OTT không còn bị phản ứng dữ dội nữa. Phải chăng là vì OTT đã không còn ảnh hưởng nhiều đến nhà mạng như trước?

Ông Lê Nam Trà: Thực ra các nhà mạng có thể có nhiều cách ứng phó khác nhau trước xu thế OTT. Một số nhà mạng chọn giải pháp ngăn chặn, đối đầu nhưng cũng có những nhà mạng quyết định sống cùng OTT. Về phần mình, MobiFone đang nghiên cứu và có thể trong thời gian tới, sẽ có những ứng dụng OTT của riêng mình. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao vừa giữ được khách hàng hiện tại, vừa tạo ra được một lượng khách hàng mới, tìm kiếm doanh thu mới thông qua chất lượng dịch vụ. Dù chưa thể chia sẻ cụ thể về dịch vụ mà chúng tôi sắp triển khai, nhưng MobiFone đang thử nghiệm dịch vụ này rồi và có lẽ chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa sẽ ra mắt chính thức (cười).

Nói đến MobiFone của năm 2014, không thể không nhắc đến những thay đổi, những sự chuyển mình trong lộ trình tái cơ cấu. MobiFone của năm 2015 sẽ như thế nào? Đâu sẽ là sự thay đổi chủ chốt của MobiFone năm nay?

Ông Lê Nam Trà: Đúng là năm qua, chúng tôi đã có sự thay đổi rất lớn. Nhờ sự tạo điều kiện của Bộ TT&TT, chúng tôi đã có được một cơ chế mới và một vị thế rất tốt: chuyển từ Công ty thông tin di động VMS thành Tổng công ty viễn thông MobiFone. Đồng thời, việc chuyển đổi này cũng cho chúng tôi thêm các chức năng, lĩnh vực kinh doanh mới mà trước đây chưa có như truyền hình. Nhờ vậy, MobiFone đã có được đầy đủ chức năng kinh doanh như các nhà mạng lớn khác. Có thể nói, đây là một điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động và vị thế của MobiFone trong thời gian tới.

Điểm đáng nói thứ hai là chúng tôi đã được Bộ hướng dẫn, tạo điều kiện và bổ nhiệm thêm 4 phó Tổng giám đốc mới. Đây là một sự bổ sung hết sức quan trọng vì hiện nay, các Phó Tổng giám đốc của MobiFone đều là thế hệ 7x, so với một số nhà mạng khác thì lực lượng ban Tổng của MobiFone rất trẻ, rất hứa hẹn. Hơn nữa, chúng tôi còn được Bộ phê duyệt và tạo cơ chế mới cho vấn đề đầu tư. Những năm trước, chính vì bị hạn chế về đầu tư nên nếu so với các nhà mạng khác, MobiFone kém hơn về vùng phủ và số lượng trạm. Nhưng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng trạm, vùng phủ và đem lại sự hài lòng cho khách hàng.

Tuy nhiên, điểm chính yếu nhất là MobiFone đã xây dựng được chiến lược MobiFone( Sắp tới chúng tôi sẽ công bố chính thức chiến lược này). Chúng tôi sẽ quan tâm đến vấn đề liên kết, tức là xã hội hóa và phát huy được nguồn lực từ xã hội để cùng kinh doanh và phát triển với MobiFone. Lấy thí dụ, MobiFone sẽ triển khai hệ thống kênh phân phối, đẩy mạnh kênh này, sẽ liên kết với các tổng đại lý và các nhà cung cấp, phân phối cả trong lẫn ngoài nước để tăng doanh thu, đồng thời chú trọng chia sẻ doanh thu với nhà cung cấp.

Đối với khách hàng, chúng tôi sẽ xác định lại phân khúc khách hàng và cá biệt hóa từng phân khúc để chăm sóc khách hàng tốt hơn, cố gắng tạo sự hài lòng tốt nhất với từng đối tượng, từng doanh nghiệp, từng cá thể thông qua công tác chăm sóc khách hàng. Chúng tôi cũng đang đầu tư hệ thống cloud (điện toán đám mây - PV), big data (dữ liệu lớn - PV) để phân tích được hành vi của khách hàng, tìm hiểu nhu cầu của họ là gì để chăm sóc tốt hơn.

Tất cả đều nhằm tạo ra một một sức bật mới, một giá trị mới cho MobiFone.

Theo kế hoạch, tăng trưởng doanh thu năm nay dự kiến là 10%. Mục tiêu đến 2020 là MobiFone sẽ đạt doanh thu trên 100.000 tỷ. Lợi nhuận tăng trưởng qua các năm là 4%. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư để tăng doanh thu cho MobiFone.

Viettel hiện đang đầu tư rất mạnh ra nước ngoài. Liệu MobiFone có nghĩ đến hướng đi này tại thời điểm hiện tại hay chưa, thưa ông?

Ông Lê Nam Trà: Trong chiến lược của MobiFone có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Hiện bộ phận nghiên cứu của MobiFone đang tìm hiểu, nghiên cứu các thị trường nước ngoài tiềm năng và có thể ngay đầu năm 2016, chúng tôi sẽ thực hiện việc này.

Vậy còn lộ trình cổ phần hóa MobiFone thì sao? Việc tái cơ cấu có ảnh hưởng đến lộ trình này hay không?

Ông Lê Nam Trà: Theo kế hoạch cổ phần hóa, Bộ TT&TT đã thành lập hẳn một nhóm giúp việc và Ban chỉ đạo Cổ phần hóa MobiFone riêng. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT, chúng tôi đã tiến hành rà soát tất cả số liệu để chốt số liệu đến 31/3/2015. Chúng tôi cũng đang làm các thủ tục cần thiết để thuê tư vấn Cổ phần hóa, hy vọng trong thời gian ngắn nhất sẽ được cấp trên xét duyệt. MobiFone cam kết sẽ tích cực tham gia, triển khai lộ trình cổ phần hóa để đạt được mục tiêu theo đúng thời hạn mà Chính phủ và Bộ đã giao.

Đúng là khối lượng công việc hiện nay rất nhiều và nặng nhưng cá nhân tôi nghĩ là không có trở ngại gì lớn trong việc cổ phần hóa, bởi MobiFone đã là 1 công ty hạch toán độc lập từ nhiều năm nay, các số liệu, các vấn đề về kiểm toán, tài sản, tài chính... đều đã được chuẩn bị sẵn sàng từ trước và hiện nay đã trở thành quy chế, thành nền nếp nên một khi bắt tay vào triển khai thực tế sẽ rất nhanh.

Xin cám ơn ông!

Trọng Cầm (thực hiện)