-Từ ngày 1/7/2015, thực hiện lộ trình của Đề án số hóa truyền hình mặt đất, tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã tiến hành tắt sóng analog đối với 3 kênh truyền hình VTV Đà Nẵng, VTV6 và DRT1. Tuy nhiên, đã có những ý kiến và dư luận tại địa phương thắc mắc xung quanh vấn đề này. VietNamNet đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) về câu chuyện tắt sóng của Đà Nẵng.

{keywords}

PV VietNamNet: Vừa qua có một số ý kiến cho rằng, người dân Đà Nẵng tỏ ra "hụt hẫng và bức xúc" vì không thể xem được truyền hình analog sau ngày 01/7/2015. Có gia đình được cho là đã cất cả ăng-ten vào nhà vì không thu được tín hiệu nữa. Phải chăng Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án số hóa vẫn quyết tắt sóng dù người dân có thể không xem được truyền hình, thưa ông?

Ông Đoàn Quang Hoan:  Trước hết, tôi phải khẳng định rằng chuyện người dân không xem được truyền hình analog sau ngày 1/7 nữa là hoàn toàn không chính xác. Trên thực tế, tại Đà Nẵng và bắc Quảng Nam chỉ mới tiến hành tắt sóng analog đối với ba kênh là VTV Đà Nẵng, VTV6 và DRT1. Còn lại 6 kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTC1, VTC9 và DRT 2 vẫn đang phát sóng analog BÌNH THƯỜNG. Nói cách khác, người dân vẫn có thể thu được đầy đủ các nhóm kênh truyền hình thiết yếu, chính trị - thời sự - xã hội của cả Trung ương (VTV1, VTV2, VTC1) và địa phương (DRT2), cũng như các nhóm kênh giải trí mà họ thường xem (VTV3, VTC9). Do đó, nói người dân cất ăng-ten vào nhà vì không thu được sóng truyền hình analog nữa là không hợp lý, càng không có chuyện các hộ nghèo thì không được xem truyền hình nữa.

- Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi: căn cứ vào đâu mà BCĐ lại chọn 3 kênh trên để tắt sóng, thưa ông?

- Thực ra, theo lộ trình ban đầu thì ngay từ ngày 1/7 vừa rồi, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã phải tắt sóng analog toàn bộ 9 kênh chương trình, thay vì 3 kênh. Tuy nhiên, do những khó khăn trong vấn đề điều tra, khảo sát hiện trạng thu xem truyền hình của người dân trên địa bàn, cũng như văn bản về cơ chế hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo chưa được ban hành nên Ban chỉ đạo đã quyết định điều chỉnh, chỉ tắt sóng 3 kênh VTV Đà Nẵng, VTV6 và DRT1 mà thôi.

Ba kênh này được chọn tắt sóng không chỉ căn cứ theo Đề án số hóa truyền hình mà còn dựa vào quy hoạch, văn bản pháp quy và hiệu lực giấy phép. Cụ thể, VTV Đà Nẵng không  nằm trong định hướng  quy hoạch báo chí, nên Bộ TT&TT đã ngừng gia hạn cả giấy phép tần số cho kênh này  và đã có văn bản yêu cầu VTV ngừng phát kênh này từ tháng 3 năm nay.

Tương tự, kênh VTV6 cũng không nằm trong Quy hoạch phát analog của cả Chính phủ lẫn bản thân VTV. Trước đây, khi mới phát sóng, VTV có đề xuất là phát thử analog tại khu vực còn có tần số và sẽ ngừng khi triển khai số hóa. Hiện tại, kênh này đã được phát sóng số, thậm chí là phát chuẩn HD.

Còn kênh cuối cùng, DRT1, là một kênh hợp tác giữa Đà Nẵng với doanh nghiệp truyền thông, không nằm trong quy hoạch phát truyền hình analog quốc gia. Bộ TT&TT chỉ gia hạn giấy phép với điều kiện khi nào có yêu cầu phát sóng số thì kênh này phải ngừng ngay việc phát analog.

Chúng tôi rất hiểu lo lắng của người dân là khi tắt sóng VTV Đà Nẵng thì không theo dõi được tình hình xã hội - kinh tế của địa phương được nữa. Nhưng chúng ta vẫn còn kênh DRT2 - là kênh truyền hình đặc thù của Đà Nẵng , hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này của người dân Đà Nẵng.

- Theo Đề án số hóa, các địa phương sẽ phải hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn để đảm bảo rằng, họ vẫn xem được truyền hình sau khi tắt sóng analog. Câu hỏi đặt ra, từ thực tế diễn ra ở Đà Nẵng, là dù số hộ gia đình trang bị đầu thu set-top box chưa nhiều, cũng như chưa có hộ nghèo nào được hỗ trợ đầu thu, vì sao địa phương vẫn tắt sóng?

- Theo phân tích của BCĐ, ngoài các lý do nên trên, việc ngừng phát sóng sẽ có tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển thị trường đầu thu set-top box (STB) trong nước, khuyến khích các nhà nhập khẩu, sản xuất đầu thu nội mạnh dạn đầu tư. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của ta như VNPT Technology, VTV Broadcom, Viettel, Hanel,… đều đã sẵn sàng về mặt công nghệ, nhưng lại dè dặt, không dám đẩy mạnh sản xuất, tung sản phẩm ra thị trường vì chưa nhìn thấy sức mua cũng như nhu cầu đủ lớn từ người dân. Mặt trái, của việc này là nhiều hộ gia đình đang phải mua, sử dụng đầu thu trôi nổi, không rõ xuất xứ trên thị trường, với chất lượng không đảm bảo. Về lâu dài, chắc chắn người dùng sẽ bị thiệt hại.

Còn về vấn đề hỗ trợ đầu thu, chủ trương đã thống nhất và chúng tôi cũng đang tích cực triển khai, nhưng chính vì có những khó khăn về văn bản hướng dẫn và nguồn vốn nên BCĐ mới quyết định lùi thời điểm tắt sóng hoàn toàn các kênh truyền hình analog tới 30/9/2015.

Cũng xin giải thích thêm  về việc vì sao Đà Nẵng lại tiến hành tắt sóng sớm hơn các địa phương khác. Nếu tắt sóng analog sẽ chỉ ảnh hưởng đến Đà Nẵng và 4 quận thuộc Bắc Quảng Nam, trong khi nếu tắt sóng tại 5 Thành phố trực thuộc Trung ương khác, sẽ kéo theo 4-5 tỉnh xung quanh bị ảnh hưởng. Kinh nghiệm các nước triển khai số hóa trước chúng ta cho thấy họ đều triển khai trên một địa bàn nhỏ trước khi triển khai trên địa bàn rộng và quy mô dân số lớn hơn.

- Vậy đến thời điểm nào thì việc hỗ trợ đầu thu mới tiến hành được và Bộ sẽ tiến hành tắt sóng toàn bộ các kênh analog còn lại, thưa ông?

- Dự kiến ngay trong tuần tới, Thông tư hướng dẫn về việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ được ban hành. Ngay khi Thông tư có hiệu lực, chúng tôi sẽ triển khai ngay các thủ tục cần thiết để tiến hành hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo trong thời gian ngắn nhất.

Theo kế hoạch mới, dự kiến đến ngày 30/9 sẽ tiến hành tắt toàn bộ 6 kênh analog còn lại, với điều kiện việc hỗ trợ đầu thu đã triển khai xong và tỷ lệ hộ thu xem truyền hình thiết yếu đạt trên 95% bằng các phương thức truyền dẫn phát sóng khác.

BCĐ sẽ quyết định ngày giờ tắt sóng cụ thể sau khi kết thúc điều tra hiện trạng thu xem và hỗ trợ đầu thu trên địa bàn.

- Xin cám ơn ông!

Trọng Cầm