Mục tiêu tham vọng này được ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng giám đốc FPT chia sẻ tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư CNTT - TT Nhật Bản (Tokyo), một sự kiện nằm trong khuôn khổ chuyến thăm song phương Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son từ ngày 6-9/7/2015.


{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (trái) tặng quà lưu niệm cho đại diện FPT Japan. 

FPT là một trong số những Tập đoàn CNTT - VT - TT lớn của Việt Nam tham gia đoàn công tác lần này, cùng với VNPT, MobiFone, VNPost, VTC và Hanel.

Theo ông Triều, hiện có hơn 23,3% doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam để cung cấp dịch vụ CNTT, đưa Việt Nam trở thành quốc gia chiếm thị phần lớn thứ 2 trong lĩnh vực này ở thị trường Nhật. Trong đó, FPT hiện là công ty CNTT Việt Nam có doanh thu lớn nhất.

"Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của thị trường trên 30% mỗi năm, FPT đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai Chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư cầu nối Việt - Nhật”, ông Triều cho biết. Đồng thời, Tập đoàn đặt mục tiêu thị trường Nhật Bản sẽ đem về doanh thu 600 triệu USD vào năm 2020.

Đánh giá về hoạt động của FPT Japan, trong cuộc gặp mặt cán bộ nhân viên công ty hôm 8/7, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định FPT là một công ty năng động, nhạy bén và rất mạnh dạn mở rộng ra thị trường toàn cầu, không riêng tại Nhật mà còn cả tại Singapore, Myanmar. "FPT đã biến nhiều cái không thể thành có thể, các kỹ sư FPT đã cho khách hàng nước ngoài thấy, con người Việt Nam không chỉ chăm chỉ khéo tay để gia công chân tay mà còn có chất xám, có trí tuệ để gia công phần mềm bằng kỹ thuật công nghệ cao", Bộ trưởng nhấn mạnh. Đặc biệt, những dự án đào tạo nhân lực cho Việt Nam như chương trình "10000 kỹ sư" có ý nghĩa rất lớn.

"Nếu Việt Nam có nhiều công ty như FPT sẽ nâng cao được vị thế của đất nước trong con mắt của khách hàng nước ngoài: Không chỉ quật cường trong chiến tranh, mà còn rất giỏi kinh doanh, làm giàu", Bộ trưởng kết luận.

Về phần mình, Phó Giám đốc FPT Japan Tsutomu Hatakeyama đã bày tỏ với Bộ trưởng sự tin tưởng vào cơ hội và triển vọng tại thị trường Nhật Bản, bởi các doanh nghiệp Nhật đang có nhu cầu tìm kiếm một đối tác cung cấp dịch vụ khác thay thế dần nguồn lực Trung Quốc, vốn không còn sự hấp dẫn về giá thành. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay chính là thiếu nhân lực.

"FPT đã và đang thực hiện chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư Việt - Nhật nhưng số lượng kỹ sư trong nước không đủ đáp ứng cho đầu vào của chương trình. Những nhân sự biết tiếng Nhật lại càng ít hơn", ông Hatakeyama chỉ ra. Do đó, FPT Japan đề xuất Bộ TT&TT tổ chức các hoạt động hướng nghiệp để khuyến khích sinh viên chọn ngành CNTT, xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực gắn với xúc tiến nghiên cứu công nghệ mới như Big Data, Cloud Computing....

T.C