"Nếu không muốn mắc kẹt tới 30-40 năm trong bẫy thu nhập trung bình như các nước Brazil, Mêhico, Việt Nam bắt buộc phải dựa vào sự phát triển nhảy vọt của công nghệ thông tin".


Hội nghị Lãnh Đạo Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2011. Ảnh: Cầm Thi
Phát biểu tại Hội nghị Lãnh Đạo Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2011 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình đang rất lớn, dù hiện tại, Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn phát triển thứ hai và thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt trên 1000 USD/năm (các nước Brazil, Mêhico hiện vẫn mắc kẹt ở mức thu nhập 5000-7000 USD/người/năm).

Về mặt kỹ thuật, ông Thiên cho biết đây là "trần thủy tinh về công nghệ": rất nhiều quốc gia sau khi đụng trần thì loay hoay mãi không thể tiến tiếp được. Tuy nhiên, lỗi lại không phải ở công nghệ mà là do thể chế. "Chỉ có một số rất ít quốc gia vượt qua được như Nhật, Mỹ, EU... và đó đều là nhờ cơ chế, chiến lược và chính sách đột phá".

Muốn phá "trần thủy tinh", cần coi CNTT là "hạ tầng của mọi hạ tầng", là đầu tàu thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển, là xương sống hay đường cao tốc của nền kinh tế, ông Thiên so sánh. Còn nói như Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực, thì việc chỉ "đưa VN trở thành nước mạnh về CNTT" là chưa đủ, mà các nhà hoạch định chính sách cần vươn tới một tầm nhận thức cao hơn là "đưa VN thành nước mạnh bằng CNTT".

Bên cạnh bài toán về thể chế thì nút thắt nguồn nhân lực tiếp tục là chủ đề "nóng" được mang ra mổ xẻ tại Hội nghị lần này. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, khúc mắc nằm ở việc nền giáo dục Việt Nam đang đi ngược hoàn toàn với quy luật thị trường, và chừng nào chưa khắc phục được sự ngược chiều trái khoáy này, thì chừng đó, ngành CNTT Việt Nam còn tiếp tục "bò trườn" trong khi thế giới "tăng tốc và bay cao".

Đồng quan điểm với ông Thiên, Tiến sĩ Dan E Khoo, Chủ tịch WITSA khẳng định CNTT chính là cơ hội vàng để các quốc gia đang phát triển như Việt Nam nhảy vọt lên nền kinh tế số, bỏ qua nền kinh tế công nghiệp và nền kinh tế dịch vụ. Tuy vậy, cơ hội khổng lồ bao giờ cũng đi đôi với rất nhiều rủi ro, và điều quan trọng là Việt Nam, bao gồm cả Chính phủ lẫn Doanh nghiệp, phải chuẩn bị sẵn sàng cho cả thời cơ lẫn rủi ro tiềm ẩn.

Hội nghị Lãnh đạo CNTT-TT Việt Nam quy tụ gần 400 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, các doanh nghiệp đầu ngành như Intel, IBM, Cisco, Oracle..., các chuyên gia, đại diện quốc tế..., tập trung thảo luận về vai trò của CNTT-TT đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, chính sách để phát triển ngành CNTT-TT và làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Các tham luận trình bày tại Hội nghị đều tập trung mổ xẻ những nhân tố quan trọng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, khuyến nghị về những thay đổi trong hệ thống giáo dục, cải thiện nhận thức về ngành công nghiệp trí tuệ. Một số chuyên gia kêu gọi Chính phủ tăng cường các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho DN công nghệ Việt như miễn giảm thuế, ưu đãi đất đai, hỗ trợ đào tạo nhân lực...

Trọng Cầm