Theo khảo sát mới đây của VINASA và CLB Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC), các doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác với đối tác Nhật đều tăng trưởng tốt, mức tăng trưởng trung bình là 77%. Thậm chí có những doanh nghiệp tăng trưởng 300-400% như RikkeiSoft, Unitech, Tinh Vân….

Thông tin này vừa được công bố tại Ngày CNTT Nhật Bản 2015 (Japan ICT Day) lần thứ 9, diễn ra sáng nay, 14/10, tại TP.HCM.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Q.H

Sự kiện năm nay có chủ đề “Hợp tác trong phát triển ứng dụng IoT cho hạ tầng xã hội và gia công phần mềm & dịch vụ”. IoT (Internet of things hay Internet of Everything) hiện đang là xu hướng CNTT toàn cầu, được dự đoán là sẽ tạo ra sự bùng nổ kinh tế mới. Ước tính đến năm 2019, thị trường IoT toàn cầu sẽ gấp đôi quy mô thị trường smartphone, PC, tablet, xe hơi kết nối và thị trường các thiết bị đeo bên người cộng lại. IoT sẽ mang lại 1,7 nghìn tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu sau 4 năm nữa. Doanh số thiết bị sẽ đạt 6,7 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong 5 năm đạt 61%. Doanh thu từ phần cứng sẽ chỉ đạt 50 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu từ các lĩnh vực liên quan đến IoT, bởi các nhà sản xuất phần mềm và các công ty hạ tầng mới là những hãng thắng lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hợp tác phát triển IoT trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế đang là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp VN - Nhật Bản. Các nội dung hợp tác tiềm năng là Gia công phần mềm và dịch vụ, BPO, Phát triển ứng dụng mobile và điện toán đám mây.

Nỗi lo thiếu nhân lực

Số liệu từ VINASA cho biết, số lượng người làm việc cho các dự án của Nhật trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng 46.5% so với năm 2014. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam là rào cản ngôn ngữ tiếng Nhật (82%) thiếu các kỹ sư cầu nối - BSE (40%),  và thiếu hiểu biết về văn hoá, nhân sự nhảy việc, thiếu nguồn nhân lực CNTT biết tiếng Nhật (23%).

Đại diện của JISA (Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ CNTT Nhật Bản) chia sẻ, Việt Nam hiện đang là đối tác hợp tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật cũng ngày càng quan tâm đến thị trường đông dân của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn. Mặc dù vậy, thiếu hụt nguồn nhân lực đang là mối quan ngại lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đến tháng 6/2015, các doanh nghiệp Nhật tham gia khảo sát đang thiếu đến 50% số lượng kỹ sư CNTT. Sự thiếu hụt sẽ đặc biệt lớn trong thời gian tới khi Nhật đăng cai thế vận hội Olympic 2020 và nhiều dự án CNTT sẽ được triển khai trong tương lai. "Với nhu cầu rất lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt năng lực, sẵn sàng cho sự hợp tác với các đối tác Nhật Bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ mới như SMAC (Social, Mobile, Analytics và Cloud), IoT...", vị này khuyến nghị.

Hợp tác thực chất

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam hiện đang thu hút một lượng lớn lao động có trình độ, với tổng số nhân lực hiện đạt hơn 400 ngàn. Trong đó, công nghiệp phần mềm (CNPM) được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng, được đặc biệt ưu đãi đầu tư. Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực CNPM có khoảng 4.000, còn trong thực tế hoạt động, có khoảng 200 công ty phần mềm quy mô từ 150-200 lao động, 10 doanh nghiệp quy mô xấp xỉ hoặc hơn 1000 người. 

"Tiêu biểu trong số đó phải kể đến các công ty FPT Software, FPT Information Systems, CMC, TMA, CSC, Tinh Vân, Microtec,… Nhiều doanh nghiệp đạt chứng chỉ về quy trình quản lý chất lượng sản xuất phần mềm quốc tế CMMi, một số đạt chứng chỉ cao nhất mức CMMI-5".

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế xếp hạng thứ 10 trong số các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. "Đánh giá CNTT là lĩnh vực tiềm năng cần thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chính sách ưu đãi thuế cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, hiện nay, về hạ tầng, Việt Nam đã ban hành quy hoạch và hình thành các Khu CNTT tập trung với chính sách ưu đãi cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ địa phương hình thành chuỗi khu CNTT tập trung hoạt động hiệu quả. Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ phần mềm, nội dung số được hưởng ưu đãi thuế hấp dẫn nhất".

Đối với mối quan hệ hợp tác Việt - Nhật trong lĩnh vực CNTT, Thứ trưởng khẳng định, Bộ TT&TT luôn xác định hợp tác với các đối tác Nhật Bản là yếu tố quan trọng cho sự phát triển ngành CNTT Việt Nam. Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực CNTT-TT. Bộ cũng đang đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử, thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước thực sự đi vào thực chất, thể hiện ở những "kết quả vượt bậc, doanh thu tăng mạnh" trong thời gian qua, Thứ trưởng cho rằng thị trường Nhật Bản cần được doanh nghiệp VN quan tâm, tìm kiếm cơ hội hợp tác hơn nữa. Chủ đề IoT của năm nay cũng rất kịp thời, bởi đây đang là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trên thế giới, tại Nhật Bản cũng như ở Việt Nam, lại phù hợp với các nội dung của Chương trình Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020 - tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt.

"Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển CNTT trong thời gian tới". Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp, các nhà quản lý cũng cần phải thẳng thắn nghiên cứu, phân tích, nhìn nhận đúng về các cơ hội, khó khăn, thách thức cũng như giải pháp khả thi để đạt được tầm cao mới trong sự hợp tác giữa cộng đồng CNTT hai nước, nhất là đặt trong bối cảnh mới, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được thông qua, mà cả VN lẫn Nhật Bản đều là thành viên, Thứ trưởng kết luận.

T.C

Tin liên quan