Nguy cơ mất An toàn thông tin (ATTT) ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn được sử dụng để làm công cụ chống phá quốc gia như tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, làm tê liệt hoạt động của Chính phủ, phá hoại nền kinh tế...

Nhận định này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đưa ra tại Tọa đàm "Định hướng triển khai Luật ATTT và công tác đảm bảo ATTT trong xây dựng Chính phủ điện tử" diễn ra sáng nay, 23/12.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Tọa đàm "Định hướng triển khai Luật ATTT và công tác đảm bảo ATTT trong xây dựng Chính phủ điện tử".

Theo ông, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử thì vấn đề ATTT luôn cần phải được quan tâm, chú trọng. Mất ATTT là nguy cơ thường trực của mọi quốc gia và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, nếu như chúng ta không cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, đối phó linh hoạt", Thứ trưởng cảnh báo.

Trước đó, ông Hưng nhấn mạnh ứng dụng CNTT trong Chính phủ điện tử là mục tiêu, nhiệm vụ của mọi quốc gia nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội tốt hơn.

Ngày 14/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Đây là một nghị quyết quan trọng, thể hiện "quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT", Thứ trưởng cho biết. Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ TT&TT đã ban hành Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam, định hướng cho việc xây dựng CPĐT tại các Bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến vấn đề ATTT, ban hành nhiều chính sách, đề án liên quan... mà tiêu biểu nhất là Luật An toàn thông tin mạng, vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19/11 vừa qua. "Giờ đây chúng ta đã có một văn bản pháp lý mạnh mẽ, định hướng sự phát triển của ngành, kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu bảo vệ CPĐT, bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu Quốc gia, phù hợp và phát triển được môi trường Internet tại Việt Nam, bắt kịp xu hướng ATTT trên thế giới", ông cho biết.

Tại cuộc tọa đàm, các diễn giả đã đánh giá lại những nỗ lực, thành tựu cũng như tồn tại trong lĩnh vực ATTT suốt 10 năm qua, đồng thời thảo luận về những giải pháp triển khai Luật ATTT mạng trong việc ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của An toàn thông tin, Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT cho biết, VPCP được giao khá nhiều nhiệm vụ trong việc triển khai CPĐT. "Quan điểm của chúng tôi là làm gì cũng phải an toàn". Chẳng hạn như hệ thống kết nối, liên thông văn bản toàn quốc chưa rất nhiều thông tin, tất cả đều là thông tin của các cơ quan nhà nước. "Nếu không đảm bảo an toàn, để xảy ra mất thông tin, dữ liệu thì sẽ vô cùng nguy hiểm".

Tuy vậy, ông Hà nhấn mạnh muốn đảm bảo được ATTT thì phải có "lực lượng", người làm. "Lực lượng dân sự cần phải nhập cuộc, dù tất nhiên là các cơ quan chức năng vẫn làm nhiệm vụ của mình", vị đại diện VPCP nêu rõ quan điểm về việc ATTT cần huy động nguồn lực của toàn xã hội và là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, thay vì chỉ phó mặc cho Chính phủ.

"Chúng ta cũng cần có cơ chế thu hút nhân lực, nhân tài trong lĩnh vực ATTT", ông Hà khuyến nghị.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thanh Hải khẳng định xây dựng 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật ATTT mạng sẽ là nhiệm vụ đầu bảng của cơ quan này trong năm 2016, nhằm đảm bảo ATTT cho các hoạt động ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT tại Việt Nam.

T.C

XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ LIÊN QUAN