Để ghi nhận công lao của bà Lưu Lệ Hằng trong việc tham gia khám phá 31 tiểu hành tinh mới, người ta lấy họ Lưu đặt cho một thiên thạch mới mà bản thân bà có công lao tham gia khảo sát và phát hiện: tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.
Thế giới vi mô bao gồm các nguyên tố hay hạt cơ bản siêu nhỏ không thể nhìn thấy bằng kính hiển vi hiện đại nhất. Mấy ngày trước, VietNamNet vừa giới thiệu một nhà khoa học Việt Nam, Gs. Nguyễn Đinh Tứ, người được giải thưởng lớn quốc tế và quốc gia trong quá trình phát hiện hạt siêu nhỏ - phản hạt sigma-âm.
Cuôc gặp gỡ với nhà Vật lý Thiên Văn nổi tiếng gốc Việt Lưu Lệ Hằng. Ảnh: Phạm Hải. |
Ngược lại thế giới vĩ mô là vũ trụ bao la chứa vô số những ngôi sao, những hành tinh, tiểu hành tinh hay còn gọi là thiên thạch, ở gần hoặc rất xa, với kích thước lớn có thể nhìn thấy bằng mắt; có thể đo bằng đơn vị met; kilomet hoặc lớn hơn; phải dùng đến đơn vị tốc độ ánh sáng. Trong lĩnh vực này cũng xuất hiện một người Việt, một nữ khoa học gia thiên văn học sinh ra, lớn lên trên đất Việt và thành tài; đạt được những thành tựu phát minh lớn lao; những phần thưởng hàng đầu trên đất Mỹ.
Người phụ nữ Việt Nam này với tên Việt Nam đầy đủ là cô Lưu Lệ Hằng và tên ở Mỹ là Jane X. Luu.
Người phụ nữ tài năng
Cô Lưu sinh năm 1963, gốc ở miền Bắc Việt Nam, sống và học xong bậc tiểu học ở Tp. Sài Gòn đến năm 1975. Sau sự kiện lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, Lưu cùng gia đình rời khỏi Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư. Ở Mỹ Lưu tốt nghiệp trung học với tấm bằng thủ khoa. Tiếp theo cô đều giành các văn bằng xuất sắc ở những cơ sở đào tạo nổi tiếng hàng đầu như: Thủ khoa Cử nhân Vật lý tại Đại học Stanford năm 1984, Thạc sĩ Cao học tại Viện Berkeley thuộc Đại học California và cuối cùng, bằng Tiến sĩ Vật lý Thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT năm 1990.
Điều ít phổ biến là trong nữ giới không nhiều người đam mê và chọn các lĩnh vực “hơi khô” và “hơi khó” như Vật lý Thiên văn học. Nên ngoài nền tảng thông minh bẩm sinh thể hiện trong thành tích học tập, hình như mỗi người có cơ duyên nào đó. Quả vậy, sau khi nhận tấm bằng cử nhân thủ khoa, Jane X. Luu tình cờ có được việc làm thêm dịp nghỉ hè ở Phòng Thí nghiệm Jet Propulsion của NASA.
Đến đây, cô bỗng bị lôi cuốn bởi các hình ảnh hấp dẫn treo dọc hành lang về các hành tinh do phi thuyền không gian Voyager chụp gửi về. Phải chăng sự kiện này là cơ duyên dẫn Lưu đến với “nghề” nghiên cứu Vật lý Thiên văn suốt đời khi viết đơn xin học Cao học Vật lý Thiên văn ở MIT. Và đó cũng là cơ duyên giúp cô gặp được người thầy (hướng dẫn viên luận văn tiến sĩ) và là đồng nghiệp gắn bó nhiều năm sau này: David C. Jewitt.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Lưu Lệ Hằng làm giáo sư giảng dạy tại Viện Đại học Harvard và tiếp theo ở Viện Đại học Leiden (Hà Lan). Cũng ở Leiden cô đã gặp người chồng, Ronnie Hoogerwerf, và cũng là một nhà thiên văn học.
Nhà phát minh danh tiếng
Lưu Lệ Hằng sớm trở thành nhà nghiên cứu thiên văn học thành công ngay từ thời gian làm nghiên cứu sinh cùng với người thầy David C. Jewitt. Với các phương tiện nghiên cứu tiên tiến nhất như ở Trung tâm nghiên cứu MIT và Đại học Harvard (TP. Boston), hoặc ở các cơ sở thiên văn Kitt Peak (thuộc Arizona) và Mauna Kea (trên đảo Hawaii), sau 5 năm miệt mài lao tâm lao lực; năm 1992 hai thầy trò Jewitt và Luu đã phát hiện ra thiên thạch mới có đường kính 280 km bằng 1/8 Pluto (Diêm vương tinh) và đặt tên là 1992 QB1.
Đặc biệt, nhà phát minh Lưu đã cùng với các đồng nghiệp phát hiện ra 31 thiên thạch hay tiểu hành tinh.
Hình mô tả Hệ Mặt Trời (Mặt Trời là chấm sáng ở chính giữa) và Vành Đai Kuiper ngoài cùng với vô số những hành tinh. |
Với những thành quả nghiên cứu đạt được, nữ khoa học gia họ Lưu đã liên tiếp nhận được những phần thưởng danh giá của khu vực và thế giới. Năm 1991, ngay sau khi nhận bằng Tiến sĩ không lâu, Hiệp hội Thiên Văn Mỹ đã trao Giải thưởng Annie J. Cannon Award Thiên văn học cho tân tiến sĩ gốc Việt Lưu Lệ Hằng.
Và đặc biệt, để ghi nhận công lao của bà trong việc tham gia khám phá 31 thiên thạch hay tiểu hành tinh mới, người ta lấy họ Lưu đặt cho một thiên thạch mới mà bản thân bà có công lao tham gia khảo sát và phát hiện, đó là tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.
Và năm 2012 cũng là năm đặc biệt đối với nhà Vật lý Thiên văn ưu tú này khi cái tên Jane X. Luu (tức Lưu Lệ Hằng) được xướng danh ở cả hai giải thưởng thiên văn học danh giá nhất thế giới trong cùng một năm.
Một là Giải Kavli Thiên văn học năm 2012; được xem Giải “Nobel Thiên văn thế giới” với số tiền thưởng 1 triệu USD được trao vào tháng 3 năm 2012, tại thủ đô Oslo của Na Uy. Chủ nhân giải này là ba nhà thiên văn đã khám phá ra nhiều vật thể lớn trong vành đai Kuiper, đó là David Jewitt, Jane X. Luu (tức Lưu Lệ Hằng), và Michael Brown.
Hai là Giải Shaw Thiên văn học 2012; còn gọi là “Giải Nobel Thiên văn Phương Đông” kèm 1 triệu USD tiền thưởng được trao vào tháng 5 năm 2012, tại Hồng Kông. Chủ nhân giải này là tân Tiến sĩ Jane X. Luu cùng với người thầy, người đồng nghiệp tức Gs. David C. Jewitt, do những đóng góp trong việc định danh “các vật thể ngoài Hải Vương tinh” (Trans-Neptunian Objects), viết tắt là TNOs.
Trong vòng tay chào đón của Đất Mẹ
Từng tìm hiểu và giới thiệu nhà thiên văn học nữ gốc Việt nổi tiếng Lưu Lệ Hằng trong một số bài viết, người viết bài này rất vui biết tin cô trong ba bốn năm gần đây đã có những chuyến trở về Đất Mẹ Việt Nam. Cô đã tham gia một số cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” và báo cáo khoa học với giới học giả và sinh viên quê nhà ở Tp. Quy Nhơn (Bình Định).
Riêng mùa hè năm 2015 vừa qua, nhà khoa học nữ Việt kiều này đã giành thời gian thực hiện một chuyến đi tham quan và dừng lại một số nơi để làm quen và “kể chuyện thiên văn học” với các thầy cô giáo và học sinh sinh viên “đồng hương” của mình.
Trong dịp đó, một buổi báo cáo khoa học thiên văn của Tiến sĩ Thiên văn học Lưu Lệ Hằng đã được tổ chức tại giảng đường Tạ Quang Bửu thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội vào chiều thứ Năm 24/7/2015. Và chính ở đây, người viết bài này có cuộc gặp ngắn ngủi với nhà khoa học nữ Việt kiều đang được hâm mộ. Một cái bắt tay làm quen và vài câu trao đổi ngắn ngủi liên quan các sự kiện đang nóng trong lĩnh vực thiên văn học đã diễn ra.
Nhân một số lần tiếp xúc như vậy, người con Việt Nam xa xứ thành danh và nổi tiếng ở thế giới có dịp thể hiện tình cảm của mình đối với quê hương đất nước gốc gác của mình. Chẳng hạn, cô chia sẻ: “Tôi thấy ở những buổi nói chuyện của tôi ở các trường đại học, sinh viên tới rất đông; chứng tỏ sinh viên Việt Nam rất yêu khoa học. Đó là một điều tốt. Dĩ nhiên, tôi rất mong được quay trở lại Việt Nam nhiều lần nữa. Trong lần trở về này, mọi người đối xử với tôi rất tốt”. Hoặc trả lời khi được hỏi cảm nhận về Việt Nam khi trở về, bà nói: “Việt Nam rất đẹp… nên giữ gìn vẻ đẹp của đất nước”, hay “Đất đai là chúng ta mượn của con cháu, nên chúng ta phải giữ gìn cho con cháu”…
Một nhà khoa học người Việt, Gs Nguyễn Đinh Tứ, 40-50 năm trước nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu hạt cơ bản hay thế giới vi mô và được công nhận là một tác giả phát minh “phản hạt sigma-âm”. Một nhà khoa học mang dòng máu Việt khác, nữ Gs Lưu Lệ Hằng, trong 10 năm trở lại đây cũng chói sáng trong phạm vi khám phá vũ trụ hay thế giới vĩ mô - thiên văn học và cũng được gắn tên tuổi của mình vào một thiên thể mới Asteroid 5430 Luu.
Hai nhà khoa học Việt Nam cùng tôn vinh danh tiếng cho đất nước Việt Nam. Vinh dự đó cũng là hiếm hoi đối với phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển.
Trần Minh
TIN LIÊN QUAN