- Lượng nước này sẽ về tới ĐBSCL sau khoảng 2-3 tuần nữa, ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 17/3.

Trả lời câu hỏi liên quan thông tin Trung Quốc hứa sẽ xả nước từ đập Cảnh Hồng để cứu hạn cho hạ lưu theo yêu cầu của Việt Nam, ông Trần Đức Cường cho hay, Ủy ban sông Mekong Việt Nam chính là cơ quan đã tham mưu việc vấn đề này.

Theo tính toán thì các hồ chứa đâp thủy điện Trung Quốc hiện nay có khoảng 23 tỉ m3. Trong khi đó, các hồ chứa các quốc gia khác cũng có khoảng 20 tỉ m3. "Việc sử dụng lượng nước trong các hồ đó để cứu hạn là khả thi. Vì thế chúng tôi khuyến cáo tiếp tục làm việc thông qua các kênh ngoại giao, trong đó có đề xuất yêu cầu Trung Quốc xả nước cứu hạn", ông Cường cho hay.

{keywords}
Hàng trăm ngàn ha lúa của người dân ĐBSCL đã chết vì hạn hán và xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, ông Cường khẳng định, cơ quan này không tham mưu con số cụ thể yêu cầu nước bạn xả bao nhiêu và bao lâu. "Về lưu lượng dòng chảy và số ngày xả thì chúng ta không thể yêu cầu Trung Quốc được vì Trung Quốc không phải là thành viên của Ủy hội sông Mekong Quốc tế", ông Cường nói. "Lưu lượng xả (bao nhiêu) chỉ là ước tính của nước bạn".

Trước đó, trong Công hàm số số 128/NG-ĐBA mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi tới Đại sứ quán nước Công hòa nhân dân Trung Hoa, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước từ hồ chứa đập Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) từ 7/3-19/5, chia làm 3 đợt, mỗi đợt xả 7 ngày với lưu lượng xả 2.300m3/s. Từ tháng 6-tháng 8, xả liên tục với lưu lượng từ 1780-2940m3/s.

Vào ngày 15/3, Trung Quốc cũng phát đi thông báo tuyên bố sẽ xả nước hồ chứa đập Cảnh Hồng từ 15/3-10/4 với lưu lượng xả trung bình khoảng 2.000m3/s theo yêu cầu từ phía Việt Nam để cứu hạn cho khu vực hạ lưu sông Mekong. Tuy nhiên, Trung Quốc không nói rõ, lưu lượng này là xả liên tục trong 25 ngày trên hay xả gián đoạn.

Trước câu hỏi nếu như Trung Quốc xả nước từ đập Cảnh Hồng với lưu lượng xả 2.000m3/s như tuyên bố thì bao nhiêu phần trăm nước sẽ về được tới ĐBSCL khi trong tình hình hiện nay các quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang trong tình trạng khô hạn, ông Cường cho hay, theo tính toán sơ bộ của Ủy ban Sông Mekong thì lượng nước về tới ĐBSCL đạt khoảng 27-54%.

"Lượng nước này có thể giải quyết được phần nào vấn đề khô hạn ở hạ lưu. Còn khả năng đẩy lùi xâm nhập mặn phải phụ thuộc vào diễn biến triều. Nếu đỉnh triều tiếp tục lên cao thì việc giải quyết mặn rất khó", ông Cường cho biết thêm.

Ông Cường cũng cho biết, để nước về được tới ĐBSCL cần có sự điều phối của Ủy hội sông Mekong quốc tế để giám sát sử dụng nguồn nước xả xuống.

"Theo hiệp định đã ký giữa các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong quốc tế (Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia) thì các quốc gia đều có quyền sử dụng nguồn nước này. Do đó cần có sự giám sát và điều phối chung của Ủy hội sông Mekong", ông Cường cho hay.

"Theo tính toán thì để nguồn nước xả từ Trung Quốc về tới Việt Nam sẽ mất thời gian không dưới 2 tuần, thậm chí là 3 tuần. Do vậy, cần có giải pháp gì đó để giải quyết khô hạn trong thời gian chờ nước", ông Cường cho hay.

Ông Cường cũng khẳng định, hệ thống 48 trạm quan trắc của Ủy hội sông Mekong quốc tế xây dựng dọc lưu vực sông trong đó có 2 trạm đặt trên lãnh thổ Trung Quốc, sát với đập Cảnh Hồng có thể cung cấp số liệu để giám sát lưu lượng xả từ phía Trung Quốc cũng như đo lượng nước về tới ĐBSCL.

Nhà khoa học nghi ngờ

Trao đổi với VietNamNet, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, rất khó có thể nói được lượng nước mà Trung Quốc xả từ đập Cảnh Hồng về tới Việt Nam còn tới 27-54%.

{keywords}
TS Tuấn lo lắng về việc sau 10/4, lúa người dân mới gieo cấy do có tin nước về sẽ tiếp tục chết vì không còn nước khi Trung Quốc không tiếp tục xả nước cứu hạn.

"Tôi không biết tính toán của Ủy ban sông Mekong dựa trên số liệu và phương pháp nào nhưng khả năng nước về tới ĐBSCL sẽ không đáng kể", TS Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, hiện nay, tình hình khô hạn đang diễn ra trên toàn bộ các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia. Do đó, khi nước chảy qua lãnh thổ các quốc gia này, không thể nào ngăn cản nông dân của họ lấy nước vào đồng ruộng để cứu hạn.

"Kể cả khi nước còn thừa thì các vùng trũng, dòng nhánh, khu đất ngập nước dọc lưu vực sông Mekong sẽ tiếp tục gom nước. Do đó, nước về tới ĐBSCL là không đáng kể", TS Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, trong tuyên bố của Trung Quốc chỉ nói là xả nước từ 15/3-10/4 với lưu lượng xả trung bình khoảng 2.000m3/s nhưng không nói rõ là xả liên tục hay xả gián đoạn. Nếu như xả gián đoạn thì lượng nước xả xuống hạ lưu là không đáng kể.

TS Tuấn cũng cho răng nếu như Trung Quốc xả với lưu lượng đã tuyên bố thì chỉ trong vòng 30 giờ, đập Cảnh Hồng với dung tính khoảng 249 triệu m3 sẽ cạn hoàn toàn nước.

"Nguồn nước dự trữ ở các đập thủy điện phía trên đập Cảnh Hồng có thể lớn nhưng tuyên bố của Trung Quốc cũng không nói rõ các hồ chứa này có được huy động để xả nước cứu hạn cho khu vực hạ lưu hay không", TS Tuấn nói thêm.

Một vấn đề khác mà TS Tuấn lo lắng chính là sau 10/4 thì Trung Quốc có tiếp tục xả nước cứu hạn cho hạ lưu nữa hay không? Bởi lẽ, theo TS Tuấn, hiện nay, khi nghe có tin nước sẽ về, nhiều hộ nông dân trồng lúa ven biển đã bắt đầu xuống giống, gieo mạ để chờ nước từ thượng nguồn về sẽ cấy.

"Nếu như nông dân xuống mạ gieo cấy mà sau 10/4 cho tới khi mùa mưa bắt đầu khoảng cuối tháng 5 (mà theo dự báo năm nay có thể muộn hơn) không có nước thì cực kỳ rất nguy hại", ông Tuấn lo lắng.

Lê Văn

XEM THÊM CÁC TIN CÔNG NGHỆ KHÁC