Vào tháng 5/2011, nhóm tác nghiệp của IARC gồm 31 nhà khoa học của 14 nước xếp điện thoại di động (ĐTDĐ) vào nhóm có thể gây ung thư. BS Jonathan Sawet, trưởng nhóm phát biểu: “Tuy còn phải tích luỹ thêm, nhưng chứng cứ đủ để kết luận và xếp hạng 2B”.

TIN LIÊN QUAN

Kết luận của IARC còn nóng hổi thực ra không dựa vào nghiên cứu thật mới. Các kết luận của họ dựa trên vài công trình nghiên cứu trước đây. Nghiên cứu Interphone mới công bố năm ngoái 2010 cho rằng không thấy mối quan hệ rõ giữa việc dùng ĐTDĐ và ung thư não. Nay họ phân tích Interphone kỹ hơn, lưu ý vào 10% các người dùng nhiều nhất, tổng số 1.640 giờ hoặc hơn, có tăng nguy cơ 40% so với những người không xài ĐTDĐ. Phân tích thêm một công trình của Thuỵ Điển cho thấy người dùng hơn một năm có nguy cơ ung thư não gia tăng 30%. Nguy cơ tăng tới tỷ lệ 3.2 với tổng thời gian hơn 2.000 giờ.


Các sóng RF (radio frequency) phát ra từ ăngten, một bộ phận của điện thoại cầm tay… Các sóng mạnh nhất tại các ăngten và giảm năng lượng dần khi rời xa điện thoại. Điện thoại thường được áp sát vào đầu. Ăngten càng gần đầu thì người nhận sóng càng nhiều.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng. Có dùng dụng cụ tránh cầm tay hay không. Khoảng cách và đường đi đến tháp thu phát gần nhất: càng xa tháp càng cần nhiều năng lượng để bắt tín hiệu tốt. Các điện thoại đời cũ cần nhiều năng lượng hơn điện thoại kỹ thuật số đời mới.

Các ĐTDĐ liên lạc với các tháp thu phát thông qua các sóng RF, một dạng năng lượng điện tử ở khoảng giữa các sóng radio FM và các sóng vi ba. Các bức xạ ion hoá các tia X, tia gamma và tia cực tím (UV) gây ung thư bằng cách trực tiếp làm hư hại phân tử DNA trong nhân tế bào. Sóng RF là một loại bức xạ không ion hoá, cũng như sóng FM sóng vi ba, ánh sáng. Năng lượng phát ra từ điện thoại di động, không làm hư hại các mô của cơ thể.

ĐTDĐ có gây ung thư không?

ĐTDĐ bắt đầu được dùng ở Nhật vào năm 1979, ở các nước Bắc Âu và Mỹ vào những năm 1990, rồi ngày càng tăng vọt. Hiện có khoảng 5 tỉ người dùng ĐTDĐ trên hành tinh. Trong cuộc gọi, máy thường áp sát đầu, liệu có gây ra bướu ở ngay chỗ tiếp cận không: bướu ác (ung thư) của não gọi là gliôm (gliomas), bướu lành não như bướu màng não, bướu của dây thần kinh thính giác, bướu các tuyến mang tai.


Cho đến khi IARC công bố, không thấy có liên quan gì giữa việc dùng điện thoại di động với nguy cơ ung thư. Có khoảng 30 công trình nghiên cứu, phần lớn nhằm vào các bướu não.

Công trình nghiên cứu gần đây nhất tên là Interphone có sự hợp tác của 13 nước, công bố năm 2010, thực hiện trên nhóm 5.000 người dùng điện thoại, mang các bướu não (gliôm và bướu màng não) và một nhóm tương tự không bị bướu. Chẳng thấy mối liên hệ giữa nguy cơ bướu não với tần số cuộc gọi, thời gian nói chuyện hoặc dùng điện thoại từ mười năm trở lên.
 
Thời gian nghiên cứu còn ngắn không cho phép rút ra kết luận chắc chắn nào.

Một nghiên cứu tầm cỡ ở Đan Mạch, theo dõi hơn 420.000 người xài ĐTDĐ từ 1982 đến 2002 cho kết quả đáng mừng. Dùng ĐTDĐ, ngay cả trên mười năm, vẫn không liên hệ với nguy cơ gia tăng các bướu não, bướu tuyến nước miếng.

Các nghiên cứu này đều có những hạn chế đáng kể khiến khó dứt điểm cuộc tranh cãi. Các nghiên cứu này chưa theo dõi đủ lâu. Hình thành sau khi một người tiếp cận một tác nhân gây ung thư, một khối bướu cần vài chục năm mới trổ ra. Ở nhiều nước, ĐTDĐ mới được dùng đại trà chưa tới 20 năm. Bây giờ người ta dùng điện thoại nhiều hơn mười năm trước kia, kiểu máy thay đổi liên tục, rất khác với trước. Khó lấy kết quả trước dùng cho nay. Trước chỉ chú ý vào người lớn. Nay trẻ em cũng xài ĐTDĐ. E rằng trẻ con sẽ nhận lãnh tác hại nhiều hơn vì hệ thần kinh còn phát triển và thời gian nhiễm dài lâu hơn người lớn.

Phải cần có thêm các nghiên cứu với các phương pháp thật vững chắc, nhất là với trẻ con và thời gian sử dụng lâu dài hơn.

Cần có thêm nghiên cứu

EPA, cơ quan Bảo vệ môi trường và NTP, chương trình Quốc gia độc tố học của Mỹ không xếp ĐTDĐ vào nhóm có thể gây ung thư. Các cơ quan FDA, CDC… của Mỹ thấy cần thêm những nghiên cứu trước khi dứt điểm các bất đồng hiện nay. Theo viện Ung thư quốc gia Mỹ, mặc dầu nghiên cứu không xác định được mối liên quan dùng ĐTDĐ và ung thư, các nhà khoa học cần có thêm khảo sát trước khi có kết luận dứt điểm.


Vào đầu tháng 7.2011, hai tháng sau công bố gây xôn xao của IARC thì có tiếng nói ngược lại: “Mặc dầu còn vài điều mập mờ. Nhìn chung, ngày càng tập hợp được chứng cớ chống lại giả thuyết cho là ĐTDĐ có thể gây các bướu não ở người lớn”. Đó là tuyên bố của Anthony Swerdlow, chủ tịch uỷ ban Quốc tế nghiên cứu bức xạ không ion hoá gồm nhiều chuyên gia từ Mỹ, Thuỵ Điển, Anh. Theo ông, nhận định này không mâu thuẫn với công bố của WHO: “Chúng tôi cố gắng trình bày mối liên hệ mà chúng tôi biết được, còn IARC đang cố gắng xếp mối nguy cơ trong hệ thống xếp hạng của họ”.

Vậy là có thể an tâm với các tin tốt: ĐTDĐ là một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày của hàng triệu, hàng tỉ người từ 10 – 20 năm qua, chưa thấy có nguy cơ đáng kể. Vẫn còn phải lo các nguy cơ có thể chờ thời gian dài nữa mới trổ ra.

Nhóm 2B nghĩa là có thể gây ung thư. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer – IARC) thuộc tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã làm việc nghiêm túc để xác định các tác nhân gây ung thư (carcinogen). Bảng xếp hạng của IARC được coi là chuẩn mực: nhóm 1, carcinogen cho người; nhóm 2A, khả năng là carcinogen cho người; nhóm 2B, có thể là carcinogen cho người; nhóm 3, không được xếp như carcinogen cho người; nhóm 4, có thể không là carcinogen cho người.

Hãy yêu mến và tận hưởng. ĐTDĐ là một trong những máy móc tuyệt diệu mà con người có được, một trong những vật thiết thân nhất trong kinh doanh, cho gia đình và cho cá nhân. ĐTDĐ làm đời sống dễ dàng hơn, tiện lợi hơn, cho phần lớn loài người.

Hãy yêu mến người bạn thiết sát sườn này cho đúng cách và an toàn.
Chúng ta không biết rõ dùng ĐTDĐ có gây ung thư không. Tốt nhất là giữ an toàn từ bây giờ hơn là ân hận sau này. Cha mẹ dạy con chỉ dùng điện thoại khi thật cần, vì não chúng còn non, đang lớn. Người lớn cũng nên nhắn tin hơn là gọi. Dùng ĐTDĐ khi thật cần, nói thật ngắn. Nên dùng thiết bị tránh cầm tay. Giữ máy xa cơ thể. Nên nhớ nguy cơ đe doạ mạng sống lớn hơn hết lại là vừa nhắn tin vừa lái xe.

(Theo BS Nguyễn Chấn Hùng - SGTT)

.