Việc chia rẽ trong nội bộ liên minh Android sẽ khiến cho Windows Phone 7 của Microsoft trở nên hấp dẫn hơn đối với các hãng sản xuất phần cứng.


Các nhà phân tích cho biết, Microsoft có thể không trả đũa việc Google mua lại Motorola Mobility với 12,5 tỷ USD bằng việc thâu tóm một công ty sản xuất điện thoại khác, bởi công ty này đã có lịch sử lâu đời về phát triển, cấp phép phần mềm cũng như tạo ra một "hệ sinh thái" đối tác phần cứng cho riêng mình.

Microsoft cho rằng họ không cần phải thay đổi chiến lược về các đối tác phần cứng cũng như phần mềm cho Windows Phone bởi chiến lược này đã thành công khi khởi đầu với PC.

Microsoft sẽ không mua một nhà sản xuất nào khác để đối phó với Google-Motorola. Ảnh: Seerpress.

Roger Kay, một nhà phân tích cho hay, "Microsoft chỉ giỏi trong lĩnh vực phần mềm. Việc mua lại một công ty phần cứng khác có thể đem lại cho một công ty sự kết hợp tuyệt vời giữa cả hai lĩnh vực. Apple đã thành công trong việc này. Tuy nhiên, đối với Microsoft, việc này có thể khiến họ xao nhãng trong lĩnh vực kinh doanh chính của mình".

Microsoft có quá khứ không mấy tốt đẹp trong các thương vụ về phần cứng di động. Năm 2008, hãng này đã mua lại công ty Danger để tạo ra hai mẫu điện thoại Kin nhấn mạnh vào tính năng mạng xã hội. Tuy nhiên, vòng đời của những model này chỉ kéo dài trong 6 tuần. Danger từng là nhà sản xuất dòng điện thoại Sidekick cho nhà mạng T-Mobile.

"Gã khổng lồ phần mềm" cũng không gặp nhiều thành công trong nỗ lực phát triển hệ thống phần cứng cho riêng mình. Điển hình là thất bại của máy nghe nhạc Zune trước sự thống trị của iPod. Ông Kay cho biết, việc trở thành nhà sản xuất phần cứng nằm ngoài khả năng của Microsoft và đây cũng là một vụ làm ăn mạo hiểm.

Hai mẫu điện thoại Kin chỉ có vòng đời ngắn ngủi là 6 tuần.

Google không có mấy kinh nghiệm trong việc điều hành một đơn vị sản xuất phần cứng. Công ty này đã mua lại mảng di động của Motorola nhằm giải quyết vấn đề trên.

Các nhà phân tích đều nhận định rằng việc Google thâu tóm Motorola Mobility hầu hết là bởi nhu cầu sở hữu 17.000 bằng sáng chế của hãng này. Điều này sẽ giúp cho Google được bảo vệ trước sự tấn công về pháp lý của Microsoft cùng những đối thủ khác vốn đang nắm trong tay các bằng sáng chế của Novell và Nortel.

Tuy nhiên, thương vụ Google - Motorola cũng có nguy cơ khiến cho "hệ sinh thái" Android của "gã khổng lồ tìm kiếm" tan rã. Thêm vào đó, các nhà sản xuất điện thoại Android có thể tỏ ra bất mãn với Motorola và những ưu đãi mà hãng này nhận được từ chủ mới. CEO của Google, Larry Page, đã phải "xoa dịu" đối tác bằng cách hứa rằng sẽ để Motorola hoạt động như một công ty riêng biệt và giữ cho Android luôn là nền tảng "mở".

Rob Enderle, một nhà phân tích khác cho rằng, các nhà sản xuất chắc chắn sẽ hoài nghi về độ "mở" của Android. Nếu không đủ "mở", khách hàng sẽ nhầm lẫn và không hài lòng với sản phẩm Android mình đang sở hữu. Đây là thời cơ cho Microsoft. "Tôi hi vọng Microsoft sẽ tăng cường gấp đôi việc cấp phép Windows Phone 7 cho các nhà sản xuất hiện tại và tận dụng những nghi ngờ về thương vụ Google - Motorola để lôi kéo các hãng khác về phía nền tảng của mình", ông Enderle chia sẻ.

Microsoft có thể thu hút các nhà sản xuất về phía nền tảng của mình. Ảnh: Quốc Huy.

Việc "đấu đá" trong nội bộ liên minh Android sẽ khiến cho Windows Phone 7 của Microsoft trở nên hấp dẫn hơn đối với các hãng sản xuất phần cứng.

Al Hilwa, nhà phân tích của IDC cho biết, việc hợp tác giữa Microsoft và Nokia sẽ giúp cho tất cả các thiết bị chạy Windows Phone 7 của nhà sản xuất Phần Lan được cấp phép. Điều này sẽ giúp cho Microsoft có thể "thâu tóm" Nokia mà không cần tốn một xu. Đây có lẽ là chiến lược Microsoft muốn hướng tới sau thương vụ Google - Motorola.

(Theo Sohoa)