Dù cập bến Yahoo với tư cách một cựu binh đầy uy tín của thung lũng Silicon, người từng rất được khen ngợi nhờ đã "đảo ngược tình thế" cho hãng phần mềm Autodesk nhưng Carol Bartz vẫn bị sa thải một cách phũ phàng qua điện thoại bởi Chủ tịch Yahoo. Vì đâu nên nỗi?



Sau hơn 2 năm rưỡi chèo lái Yahoo, bà Bartz đã thể hiện rõ sự bất lực của mình trước những sứ mệnh được giao phó. Không thể cải thiện kết quả tài chính của hãng, một thương vụ bán lại toàn bộ dịch vụ quảng cáo cho Microsoft không thấy hiệu quả ở đâu, sự đầu tư không đúng chỗ vào Alibaba.com... đó chính là những điểm yếu chết người của bà.

Bà Carol Bartz có thể rất giỏi, quyết đoán và lạnh lùng, nhưng bà lại không có kinh nghiệm gì về quảng cáo Internet, trong khi đó lại là phương thức kiếm tiền chủ chốt của Yahoo. Sự thiếu khuyết hiển nhiên trong CV này của bà Bartz đã khiến dư luận thắc mắc ngay tại thời điểm tháng 1/2009, và càng ngày, sự hoài nghi càng leo thang khi doanh thu Yahoo tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh thị trường vẫn tăng trưởng.

Ban đầu, bà Bartz đổ lỗi cho thời điểm, rằng bà nhậm chức đúng những tháng đen tối nhất của thời kỳ Đại suy thoái. Về sau, khi luận điểm này tỏ ra thiếu thuyết phục, bà lại bào chữa rằng mình phải kế thừa một "đống lộn xộn" do hai người tiền nhiệm để lại và cần có thời gian để "dọn sách đống lộn xộn đó", đưa Yahoo trở lại đúng đường.

Có thời điểm bà thậm chí còn so sánh tình cảnh của mình với những gì Steve Jobs phải đối mặt khi quay trở lại chèo lái Apple vào năm 1997. Chỉ có điều, khác với thầy phù thủy, bà Carol đã không thể vạch ra được một chiến lược khả dĩ nào để ghi điểm trước các nhà đầu tư.

"Bà ấy chỉ chăm chăm bịt lỗ hổng của con tàu đắm mà không nghĩ cách quay đầu nó", chuyên gia Ray Valdes của Gartner ví von. Màn thể hiện gây thất vọng của bà Bartz được phản ánh rõ trong giá cổ phiếu của Yahoo. Giá cổ phiếu hiện tại chỉ là 12,91 USD, cao hơn đúng 81 cent, tức 7% so với thời điểm bà mới nhậm chức. Cũng trong khoảng thời gian ấy, giá cổ phiếu Google đã tăng hơn 200 USD, tức 66%.

Bartz cũng chưa bao giờ đạt được các mục tiêu về tài chính mà Hội đồng Quản trị đã đặt ra khi mời bà về, đồng nghĩa với việc khoản 5 triệu cổ phiếu hứa thưởng khi ký hợp đồng cũng sẽ không bao giờ được trao.

Không có gì lạ khi giới đầu tư tỏ ra hoan hỉ khi chứng kiến bà Bartz ra đi. Giá cổ phiếu Yahoo đã tăng đúng 81 cent trong phiên giao dịch mở rộng chiều qua. Và cũng khác với sự ra đi của Steve Jobs, việc bà Bartz bị sa thải chẳng gây sốc cho bất cứ ai, dù đúng là nó diễn ra khá đột ngột. Áp lực phải thay thế bà bắt đầu tăng từ đầu năm, sau khi Bartz thừa nhận vụ hợp tác tìm kiếm với Microsoft không mang lại nhiều doanh thu như mong đợi. Đến tháng 5, Yahoo lại gây bất bình cho các cổ đông khi tiết lộ Alibaba đã tách riêng dịch vụ thanh toán trực tuyến, một nước cờ đe dọa đến hiệu quả đầu tư của Yahoo vào hãng này.

Dù đến tháng 7, Alipay (dịch vụ thanh toán trực tuyến nói trên) đã nhất trí một thỏa thuận dàn xếp phức tạp trị giá hơn 1 tỷ USD với Yahoo nhưng vẫn còn rất nhiều điểm bất ổn trong thương vụ này khiến cổ đông lo lắng.

Tuy nhiên, những rắc rối và xáo trộn của Yahoo có lẽ sẽ chưa dừng lại ở đây. Chủ tịch Roy Bostock của Yahoo là người luôn đứng sau Bartz mỗi khi bà này bị công kích bởi giới đầu tư hay giới phân tích. Vì thế, chuyên gia Colin Gillis của BGC cho rằng, Hội đồng quản trị Yahoo cần phải "tự soi lại gương". "Thay Tổng Giám đốc mà không thay Chủ tịch thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Chính người tuyển bà Carol về cũng cần phải chia sẻ trách nhiệm".

Tệ hơn, Yahoo một lần nữa lại đứng trước nguy cơ bị thâu tóm khi hãng đang yếu ớt hơn bao giờ hết. Thay đến 3 CEO chỉ trong vòng 4 năm, giá cổ phiếu lẹt đẹt, nội bộ xáo trộn chính là cơ hội tuyệt vời để các tổ chức tài chính hoặc một Microsoft thứ hai ra giá mua lại.

Trọng Cầm (Theo AP)