Toàn cảnh cha đẻ Apple - Steve Jobs qua đời
Làng công nghệ thế giới sững sờ đón nhận tin Steve Jobs, cha đẻ của Apple, người đứng sau những thiết bị làm thay đổi toàn bộ diện mạo làng công nghệ như iPhone, iPad, iMac và iTunes, vừa qua đời ở tuổi 56.
|
Thế giới này không thể có một Socrates thứ hai, một Wayne Gretzky, Winston Churchill hay Gandhi thứ 2, cũng như không thể có một Steve Jobs thứ hai. Tuy chúng ta không bao giờ có thể trở thành Steve Jobs dù có nỗ lực thế nào, chúng ta vẫn có thể áp dụng những bài học làm lãnh đạo từ ông.
Đơn giản hóa
Jobs từng yêu cầu iPod không được có bất cứ một nút bấm nào, kể cả nút bật/tắt. Việc này có vẻ bất khả thi với các kỹ sư trong dự án, nhưng Jobs quyết không nhân nhượng. Các kĩ sư bị đẩy tới giới hạn của họ, và kết quả là phím xoay cảm ứng trên iPod ra đời. Jobs từng nói: “Tập trung và đơn giản – đó là một trong những câu thần chú của tôi.” Sự đơn giản còn khó đạt được hơn cả sự phức tạp.
Tiền bị đánh giá quá cao
“Làm người giàu nhất không phải điều tôi quan tâm… Mỗi tối lên giường ngủ mà có thể nói rằng ta đã làm được điều tuyệt vời trong hôm nay… đó mới là điều tôi muốn.” – Steve Jobs.
Cải cách chẳng liên quan gì đến số tiền bạn bỏ ra cho R&D (nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm). Khi Apple cho ra đời máy tính Mac, IBM chi tiền cho hoạt động R&D nhiều gấp ít nhất 100 lần họ, theo tạp chí Fortune. Vấn đề không nằm ở số tiền, mà là ở những con người bạn có, định hướng của bạn, và hiểu biết của bạn tới đâu.
Không quan trọng bạn nói gì, mà là nói thế nào
Không phải sản phẩm nào dưới thời Steve Jobs cũng tân tiến nhất trên thị trường, song người tiêu dùng vẫn cho là như vậy. Một phần là do ông luôn đặc biệt yêu cầu giữ bí mật về các sản phẩm của mình. Chính sự bí ẩn này đã làm khách hàng càng thêm thèm muốn sản phẩm một khi nó ra mắt.
Đây là điểm tối quan trọng – nhận thức trở thành sự thật. Steve Jobs thành công một phần do ông biết rằng “Khách hàng của bạn luôn mơ về một cuộc sống hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn. Đừng quan tâm đến sản phẩm. Thay vào đó, hãy làm cuộc sống của họ thêm phong phú.”
Nhận biết ý tưởng tốt
Jobs và Apple không tạo ra chuột máy tính, file nhạc hay màn hình cảm ứng, nhưng họ nhận ra được giá trị của chúng và tích hợp chúng vào sản phẩm của mình.
Đi ngược lại đám đông
Những hành động của Jobs đã giải nghĩa câu nói: “Nếu đám đông lúc nào cũng đúng, thì tất cả chúng ta đều giàu.” Jobs thường không khảo sát ý kiến đám đông mà tự mang đến cho họ những gì ông nghĩ là họ cần. Thường thì cách này vẫn hiệu quả, và nếu không, nó trở thành cơ hội để ông ngã về phía trước – đến dự án tiếp theo, và mang theo mình những bài học từ thất bại đó.
“Bởi vì những người đủ điên rồ để nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới mới chính là những người làm việc đó.” – trích lời Steve Jobs.
“Ăn bữa trưa của chính mình”
Có một câu nói ở Thung lũng Silicon, đó là bạn cần phải “ăn bữa trưa của chính mình” trước khi có ai khác làm việc đó. Jobs quả thực có đủ niềm tin để làm điều này khi cho ra mắt sản phẩm iPhone, dù biết rõ rằng iPhone sẽ (và đúng là đã) bòn rút doanh số của iPod. Từ bỏ những gì quen thuộc và nắm lấy thời cơ chưa chắc chắn là thử thách thực sự đối với lãnh đạo.
Nỗ lực vì sự hoàn hảo
Đêm trước khi khai trương cửa hàng Apple store đầu tiên, Jobs cảm thấy không thích gạch lát sàn, thế là ông cho cho tháo dỡ và thay thế tất cả. Ngay trước khi ra mắt iPod, Jobs đã thay thế tất cả các giắc cắm tai nghe để mỗi khi cắm tiếng “cách” nghe hay hơn.
Làm việc theo nhóm nhỏ
Jobs không muốn nhóm làm iPhone của mình bị rốt trí với các quan điểm định kiến quanh thị trường điện thoại di động nên đã đưa họ đến làm việc tại một tòa nhà riêng biệt. Dù việc này khiến nhiều nhân viên tự ái vì không được chọn, sự thành công của nó là điều không thể bàn cãi.
Nhóm Macintosh ban đầu có 100 thành viên. Bất cứ khi nào số thành viên lên đến 101, nhóm phải cải tổ lại và loại bỏ bớt 1 ai đó. Jobs tin rằng ông chỉ có thể nhớ nổi 100 cái tên.
Nghe theo trái tim mình
Như Jobs từng nói: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, liệu tôi có muốn làm việc mà tôi định làm không? Và bất cứ khi nào câu trả lời của tôi là “Không” trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi cần phải thay đổi điều gì đó.”
(Theo TTVN/ClickZ)