Chỉ ít giờ ngay sau khi có thông tin về cựu lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi bị tử trận, hacker đã nhanh chóng lợi dụng sự kiện này để phát tán mã độc trên Internet.


Thông tin về cái chết của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi bị chết được lan truyền trên Internet một cách nhanh chóng, kèm theo đó là những hình ảnh về xác chết của ông, ở trạng thái bị trọng thương.

Bức ảnh đầu tiên về xác chết của Gadhafi được hãng tin AFP đăng tải ngay sau khi chỉ huy quân đội của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) tuyên bố đã bắt được Gadhafi sau khi phá vỡ thành trì cuối cùng của quân chính phủ tại Sirte. Ngay sau thông tin này, phát ngôn viên của NTC tuyên bố Gadhafi đã chết do những vết thương quá nặng, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa xác minh thông tin này.

Hình ảnh đầu tiên được AFP đăng tải, khẳng định đây chính là thi thể của Gadhafi.

Thông tin về cái chết của nhà cựu lãnh đạo Libya đã nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên Twitter, với những nội dung được cập nhật liên tuc, và được quan tâm nhất trong đó là chia sẻ những hình ảnh hiếm hoi về thi thể của Gadhafi.

Lợi dụng sự nóng lòng và tò mò của không ít người sử dụng Internet, hacker đã ngay lập tức chia sẻ những trang web chứa mã độc hại dưới vỏ bọc chia sẻ hình ảnh và video về thi thể Gadhafi, và lập tức không ít người đã “mắc bẫy”.

Sở dĩ, hacker thường lợi dụng thời điểm khi một sự kiện được quan tâm vừa diễn ra để phát tán mã độc là vì vào thời điểm này, các bộ máy tìm kiếm trên Internet chưa thể ghi nhận được những đường link nào có chứa mã độc hại để có thể nhận diện và loại bỏ, do sự kiện vừa diễn ra trong thời gian ngắn khiến các khiến các bộ máy tìm kiếm chưa có đủ thời gian để thực hiện chức năng lọc, cũng như ghi nhận lại những phản ánh của người dùng.


Một đoạn thông điệp trên Twitter dẫn link đến hình ảnh thi thể của Gaddafi

Một lý khác khiến các trang web có chứa mã độc dễ dàng phát tán trong thời điểm này đó chính là sự tò mò và hiếu kỳ của người dùng, muốn nhanh chóng tìm được những nguồn tin và hình ảnh “độc” mà không quan tâm đến đó là nguồn tin có đáng tin cậy hay không. Những đoạn tweet với nội dung chia sẻ hình ảnh hoặc video về sự kiện, nhưng thực chất lại dẫn người dùng đến các trang web có chứa mã độc đã chuẩn bị sẵn.

Trước đây, những sự kiện “hot” và bất ngờ vẫn luôn được các hacker lợi dụng để phát tán mã độc, như cái chết của Osama Bin Laden, của “vua nhạc Pop” Michael Jackson cách đây 2 năm, hay gần đây nhất là cái chết của Steve Jobs.

Do vậy, người dùng hãy cảnh giác trước khi quyết định nhấn vào các đường link chia sẻ mà không biết chắc rằng đường link đó sẽ dẫn tới đây và hãy thật tỉnh táo để tự bảo vệ mình trước các mánh khóe của tin tặc.

(Theo Dantri)