Dưới đây là những đoạn trích đáng chú ý nhất từ cuốn sách, liên quan đến những thời điểm u ám nhất của Apple và Jobs, đến quan hệ cơm không lành canh không ngọt với thung lũng Silicon, các đối tác và đối thủ của Apple...
Khi Jobs từ chức CEO
Jobs được đẩy trên xe lăn đến dự cuộc họp với Ban Giám đốc vào ngày 24/8 vừa qua, ngày mà ông chính thức nhường lại ngôi vị điều hành Apple cho cánh tay phải Tim Cook.
Do sức khỏe sút giảm từng ngày, Jobs đã cân nhắc về ý định này trong nhiều tuần, thảo luận với vợ ông, với thành viên Hội đồng quản trị Bill Campbell, với Giám đốc thiết kế Jonathan Ive và luật sư George Riley. Sau khi Jobs đưa ra quyết định cuối cùng, Hội đồng quản trị yêu cầu gia đình phải đưa ông đến phòng họp một cách bí mật nhất có thể. "Một trong những việc tôi luôn muốn làm cho Apple là làm gương cho việc chuyển giao quyền lực đúng đắn", Jobs chia sẻ với Issacson - tác giả cuốn tiểu sử. Tối hôm đó, Jobs tiết lộ thêm rằng ông vẫn hy vọng có thể giúp sức cho Apple nếu sức khỏe cho phép.
Coi Google là kẻ thù
Jobs đã thực sự nổi điên khi Google nhảy vào thị trường smartphone và không ngần ngại trút mọi sự giận dữ lên đầu Eric Schmidt, người từng có chân trong Ban quản trị Apple nhưng nay đã chuyển sang làm Giám đốc điều hành Google.
Jobs cảm thấy như bị phản bội, bởi cả hai người sáng lập ra Google là Larry Page và Sergey Brin đều coi Jobs như người thầy, người dẫn dắt họ. Năm 2008, Jobs từng cãi vã to tiếng với cặp đôi này và Giám đốc phụ trách Android là Andy Rubin, ngay tại đại bản doanh của Google.
Jobs từng cho phép Google chèn 1 hoặc 2 biểu tượng trên màn hình chủ của iPhone, nhưng đến tháng 1/2010, HTC đã tung ra một mẫu smartphone với màn hình cảm ứng đa điểm và nhiều tính năng giống với iPhone. Đây là giọt nước làm tràn ly và Steve Jobs quyết định kiện. Jobs cáo buộc Google là kẻ ăn cắp một cách có hệ thống, ăn cắp toàn diện và ông "sẽ dành đến hơi thở cuối cùng nếu cần, sẽ chi đến đồng xu cuối cùng trong số tiền 40 tỷ USD của Apple ở ngân hàng để chấn chỉnh sai lầm này". "Tôi sẵn sàng phát động chiến tranh (với họ) về vụ này", Jobs tuyên bố với Issacson chỉ một tuần sau khi đâm đơn kiện.
"Họ sợ gần chết, vì họ biết mình có tội. Ngoài tìm kiếm ra thì các sản phẩm khác của Google như Android, Google Docs đều là "thứ rác rưởi".
Schmidt đã hẹn Jobs ra uống cà phê vài ngày sau, song Jobs vẫn quá giận để có thể dàn xếp hay làm hòa. "Tay anh đã nhúng chàm. Tôi không có hứng thú với việc dàn xếp. Tôi cũng chẳng thiết gì tiền của anh. Kể cả khi anh có hứa đưa tôi 5 tỷ USD, tôi cũng chẳng cần. Tôi đã có quá đủ tiền rồi. Tôi chỉ muốn các anh ngừng ngay việc sử dụng ý tưởng của chúng tôi trong Android đi", Jobs đã nói thẳng vào mặt Schmidt như vậy.
Về cách tiếp cận khép kín của Apple
Việc Jobs phẫn nộ với Google một phần là vì những xung đột căn bản giữa cách tiếp cận "nguồn mở" của Android với niềm tin của chính Jobs về một hệ sinh thái khép kín, chịu sự kiểm soát ngặt nghèo. "Chúng tôi làm việc đó vì chúng tôi là những kẻ lập dị đã được kiểm soát", ông giải thích.
Đối với những nghi ngại nơi người dùng, ông nói "Họ bận rộn làm công việc của họ, và họ muốn chúng tôi hãy làm những gì mà chúng tôi là giỏi nhất. Cuộc sống của họ đã quá vất vả rồi, họ còn muôn vàn thứ phải lo hơn là làm sao để tích hợp máy tính với các thiết bị".
"Hãy cứ nhìn vào kết quả mà xem: Android là một đống hỗn độn. Chúng tôi làm việc đó (kiểm soát) không phải vì tiền. Chúng tôi làm vì muốn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời chứ không phải hổ lốn, tùy tiện như Android".
Sự miệt thị dành cho Adobe có nguồn gốc "tư thù"
Jobs nổi tiếng là miệt thị và bài xích phần mềm multimedia Adobe Flash. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thái độ này bắt nguồn ngay từ thập niên 80. Apple đã đầu tư nhiều tiền cho Adobe vào năm 1985 và hai bên cùng hợp tác trong việc phổ biến các nội dung desktop. Tuy nhiên, đến năm 1999, Jobs - khi ấy đã được mời trở lại lãnh đạo Apple - yêu càu Adobe phát triển một phiên bản phần mềm chỉnh sửa video tương thích với dòng máy tính iMac mới. Adobe đã từ chối để dồn sức cho Microsoft Windows. Không lâu sau đó, người sáng lập nên Adobe là John Warnock đã nghỉ hưu.
"Tôi đã giúp ghi tên Adobe trên bản đồ", Jobs nói với Issacson. "Tuy nhiên linh hồn của Adobe đã biến mất cùng với sự rời đi của Warnock. Ông ấy là nhà phát minh, là người mà tôi quý trọng. Kể từ đó đến nay, Adobe chìm trong các vụ kiện và cho ra những sản phẩm tồi".
Về sự kiểm soát của Apple đối với các ứng dụng
Issacson đã thuật lại một đoạn đối thoại giữa Jobs với Ryan Tate, một biên tập viên của trang blog công nghệ Valleywag xung quanh chuyện Apple kiểm soát quá chặt các ứng dụng download cho iPhone.
Tate đã hỏi Jobs: "Nếu Bob Dylan mới chỉ 20 tuổi, ông ấy sẽ cảm thấy thế nào về hãng của ông... Liệu ông ấy có nghĩ iPad là minh họa mờ nhạt nhất của cái gọi là "cách mạng"? Khi cách mạng là để hướng đến tự do?".
Jobs đáp: "Đúng thế, tự do và thoát khỏi những chương trình đánh cắp dữ liệu cá nhân của các bạn. Tự do và thoát khỏi những chương trình ngốn cạn pin của bạn. Tự do và thoát khỏi khiêu dâm. Thời đại đã thay đổi và nhiều tín đồ của PC truyền thống cảm thấy thế giới của họ đang dần biến mất. Đúng thế, nó đang biến mất".
Khi Tate nói rằng vợ chồng ông chẳng thấy có vấn đề gì với khiêu dâm, Jobs đã nổi cáu: "Anh sẽ quan tâm đến khiêu dâm khi anh có con... Hơn nữa, anh đã làm được gì vĩ đại nào? Anh có tạo ra thứ gì không, hay chỉ biết chỉ trích công việc của người khác mà chẳng biết gì về động lực của họ?".
Toàn cảnh cha đẻ Apple - Steve Jobs qua đời
Làng công nghệ thế giới sững sờ đón nhận tin Steve Jobs, cha đẻ của Apple, người đứng sau những thiết bị làm thay đổi toàn bộ diện mạo làng công nghệ như iPhone, iPad, iMac và iTunes, vừa qua đời ở tuổi 56.
|
Trọng Cầm (Theo Reuters)