Bộ Ngoại giao và hàng loạt sứ quán của Nhật đã bị tấn công mạng liên tục từ tháng 6 trở lại đây, trong khi mạng lưới máy tính của Hạ viện Nhật cũng bị tấn công từ tháng 7.

TIN LIÊN QUAN

Mitsubishi Heavy Industries, nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản, cũng bị tấn công mạng hồi tháng 7.

Trước đó, báo chí đã đưa tin rầm rộ về việc nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản là Mitsubishi Heavy Industries bị tấn công.

Hôm qua, Chủ tịch văn phòng Chính phủ Osamu Fujirama đã thừa nhận việc Chính phủ đang phải hứng chịu một “làn sóng tấn công” và cho biết, Nhật sẽ triển khai một chương trình chia sẻ thông tin về các vụ tấn công giữa mọi cơ quan trong Chính phủ, đồng thời thảo luận về cơ chế phòng vệ cho cả hai khu vực công – tư, bao gồm cả bộ Thương mại. Tuy nhiên, chia sẻ với Reuters, một quan chức của Bộ Thương mại cho rằng Hội đồng khung này không có thẩm quyền “ra lệnh” chính thức.

“Phản ứng của Chính phủ trước các vụ tấn công vừa qua là khá chậm. Cần có sự quản lý và điều phối tốt hơn. Họ cũng cần nâng cấp về mặt công nghệ”, ông Makoto Miyoshi, Chủ tịch hãng bảo mật I.S.Rating bình luận.

Một trong những vấn đề lớn hiện nay là việc Nhật có quá nhiều cơ quan liên đới đến bảo mật mạng, như Bộ Thương mại, cảnh sát và quân đội, và Trung tâm Bảo mật Thông tin Quốc gia (NISC), trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Vai trò của các cơ quan này khá chồng chéo, không có sự phân công, chỉ định rõ ràng nên khi xảy ra sự cố, các bên đều tỏ ra lúng túng. “Cần có sự cải tổ về khâu bảo mật mạng. Lấy thí dụ, chỉ duy nhất một cơ quan (như NISC) được đưa ra các quyết định tối cao. Bằng không Nhật Bản sẽ vẫn tay không đối phó với hacker như hiện nay”.

Những vụ tấn công nhằm vào các tổ chức chính phủ không chỉ đe dọa rò rỉ thông tin quan trọng, mà nó còn ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của Nhật. Mối quan hệ giữa Nhật với Mỹ cũng có thể bị rạn vỡ nếu phía Nhật không bảo vệ được các thông tin quân sự tối mật”, ông Miyoshi phân tích.

Về hướng giải quyết cho tình trạng này, các chuyên gia cho rằng Chính phủ nên huy động công nghệ và chuyên môn từ khu vực tư nhân. “Cho tới thời điểm này, Chính phủ chưa có nhiều sáng kiến hiệu quả. Rõ ràng, Chính phủ không thể chiến đấu một cách đơn độc. Họ nên sử dụng thong tin do khu vực tư nhân cung cấp để ngăn chặn các vụ tấn công hữu hiệu hơn”, Giám đốc công nghệ Itsuro Nishimoto của hãng bảo mật LAC cho biết.

“Nếu như Nhật Bản muốn ngăn chặn các vụ tấn công trực tuyến một cách nghiêm túc, Chính phủ cần phải tấn công thẳng vào gốc của các vụ tấn công. Chính phủ cần phải tiết lộ với thế giới về nguồn gốc, xuất xứ của những vụ tấn công ấy”.

Theo ông Asahi, máy tính của một Nghị sĩ Nhật đã bị virus tấn công và virus này có liên hệ với máy chủ ở Trung Quốc, mặc dù rất khó xác định kẻ nào đã cấy virus vào máy tính. Tuy nhiên, các quan chức Nhật từ chối dự đoán nguồn gốc cũng như mục tiêu chính xác của vụ tấn công.

Trọng Cầm (Theo Reuters)