Từ chủ trương cho phép EVN Telecom cổ phần hoá và chỉ được phép bán cho đối tác 49% số cổ phần khiến cho FPT phải ra rìa (vì không đáp ứng kỳ vọng được mua 60% số cổ phần), trong một thời gian rất ngắn, EVN Telecom lại được lệnh dừng cổ phần hoá và chuyển sang thoái vốn. Khúc quanh tại EVN Telecom, vô hình trung đang biến DN này trở thành sàn đấu giữa các DN viễn thông khác.




Sàn đấu… ba bên


Cần nhớ lại, ngay đầu kỳ họp Quốc hội, khi các con số lỗ lã của EVN và “đứa con” EVN Telecom được tung ra, dường như ai nhìn vào mạng viễn thông này cũng ngán ngẩm với số nợ và lỗ hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi Chính phủ chỉ đạo Viettel tiếp nhận lại toàn bộ EVN Telecom (mà Viettel cũng xem như một... nhiệm vụ phải làm theo chỉ đạo), thì từ phận con nợ, EVN Telecom lại trở thành chiếc bánh được nhiều bên nhòm ngó.

Trước hết là Hanoi Telecom - DN cùng liên danh 3G với EVN Telecom - muốn mua lại phần 3G. Thế nhưng Viettel nói không và cho rằng Hanoi Telecom chơi khôn, chỉ muốn lấy phần béo bở nhất. Trên thực tế, tài nguyên 3G của EVN Telecom chưa được khai thác nhiều và nhiều người sử dụng cho rằng mạng 3G có tốc độ tốt nhất hiện nay không phải các đại gia MobiFone, VinaPhone hay Viettel, mà chính là EVN Telecom. Sự dùng dằng khi EVN Telecom trở thành sàn đấu giữa các DN viễn thông khiến cho SIM/Kit của mạng này được đầu cơ mạnh mẽ. Một cán bộ của EVN Telecom cho biết: “Chẳng hiểu họ mua làm gì, nhưng một lúc gom đến vài trăm ngàn bộ kit của chúng tôi”. Giá SIM/Kit của EVN Telecom được chiết khấu khá cao, tới 20% (trong khi các nhà mạng khác thậm chí chỉ vài phần trăm).

Đấu căng tới mức khi bị Viettel nói không, Hanoi Telecom đã viện dẫn tới Luật Cạnh tranh để hòng ngăn việc chuyển giao mảng tài nguyên 3G của EVN Telecom về cho Viettel. Hanoi Telecom cho rằng nếu diễn ra như thế Viettel sẽ nắm giữ trên 50% tổng quỹ tần số 3G, vi phạm Điều 13, mục 2 của Luật Cạnh tranh.

Nhưng kẻ ra rìa khi EVN Telecom bị dừng cổ phần hóa theo lệnh còn có VTC. Trước đó VTC đã đàm phán mua lại 30% số cổ phần tại EVN Telecom, nhưng rồi hợp đồng tưởng thành mà lại vỡ. Phía VTC cho rằng họ vẫn chưa từ bỏ việc muốn mua lại một phần EVN Telecom. Nhưng tình hình lúc này đã trở nên phức tạp và rắc rối hơn trước rất nhiều, vì EVN Telecom đã trở thành sàn đấu của nhiều bên.

Ngổn ngang…

Trong tình hình cùng lúc đang có nhiều DN viễn thông đề nghị được mua lại một phần EVN Telecom và đặc biệt là sự “cáo buộc” của Hanoi Telecom cho rằng nếu chuyển giao toàn bộ EVN Telecom cho Viettel sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh, đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc kỹ hơn trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Chưa có một thương vụ nào trên thị trường viễn thông như trường hợp EVN Telecom, lại quét qua nhiều DN viễn thông khác đến thế: Từ FPT tới VTC, rồi đến Viettel và Hanoi Telecom, thế nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.

Vị cán bộ nói trên của EVN Telecom tin rằng, dù đang xảy ra tình trạng dùng dằng, nhưng khả năng EVN Telecom được chuyển giao lại cho Viettel là 99,99%. Khả năng này thành hiện thực tất nhiên sẽ mang đến nỗi buồn cho Hanoi Telecom và VTC, nhưng cũng mang đến nỗi lo cho các nhà mạng di động khi Viettel được tập trung nhiều tài nguyên từ 2G đến 3G, cùng các cơ sở hạ tầng khác. Tất nhiên cũng cần thấy rằng, thêm EVN Telecom sáp nhập vào thì Viettel cũng thêm một gánh nặng tạo áp lực lên hiệu quả kinh doanh. Trên sàn đấu (EVN Telecom) ba bên đang diễn ra giữa Hanoi Telecom và VTC với Viettel, ai cũng muốn giành món lợi nhất và để gánh nặng cho bên kia, mà quên đi một điều cốt lõi trong hợp tác là các bên cùng có lợi và hài hòa lợi ích.

(Theo Thẩm Hồng Thụy -  Báo Lao động)

TIN LIÊN QUAN

Sẽ phạm luật nếu Viettel thâu tóm EVN Telecom?
Ngày 9/11, Hanoi Telecom đã có văn bản kiến nghị về việc vi phạm Luật Cạnh tranh nếu chuyển giao EVN Telecom cho Viettel.
 
EVN Telecom: “Gái già” nhưng đắt giá
EVN Telecom đang trở thành một chủ đề nóng trong làng viễn thông di động khi đơn vị này đang giữ chìa khoá của canh bạc cạnh tranh trên thị trường.
 
Phó Thủ tướng: Phải công khai kết quả kiểm toán EVN
Thủ tướng đã quyết định trong tháng 11 chưa điều chỉnh giá điện. Trước mắt, Bộ Công thương phải công khai hóa kết quả kiểm toán và giá thành của EVN - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với báo giới.
 
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu toà bác đơn kiện EVN?
“Tôi bảo bác đơn kiện, vì không có lý! Dân đi kiện EVN tích nước là sai, kiện tào lao. Làm thủy điện mà không tích nước thì làm gì ?” - ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói với báo chí.