Trong một kỷ nguyên mà hacker có thể cuỗm file tuyệt mật của chính phủ và tập đoàn đa quốc gia dễ như trở bàn tay, một câu hỏi không thể không đặt ra trước thềm Bầu cử Mỹ là: Liệu những lá phiếu điện tử có bị đe dọa hay không?

Câu trả lời mà các chuyên gia bảo mật đưa ra nghe cũng “chính trị gia” không kém gì so với 2 ứng cử viên: Lo ngại là đúng và nhà chức trách cần siết chặt bảo mật hơn, nhưng nhìn chung, tình hình vẫn an toàn hơn so với cách đây 4 năm.

Ngay từ khi xuất hiện hình thức bầu cử, người ta đã bắt đầu lo ngại về gian lận xung quanh lá phiếu. Nói cách khác, đó là một mối lo “xưa như Trái đất”. Nhưng tại thời điểm năm 2012, sự lo lắng chủ yếu tập trung vào dữ liệu trên các máy bỏ phiếu điện tử mà hàng triệu người Mỹ sẽ sử dụng vào ngày 6/11 tới đây.

Quyết định chiến thắng

Có tới 45 triệu cử tri Mỹ, tức là 25% số cử tri sẽ bỏ phiếu trên những máy bỏ phiếu điện tử chứ không bỏ phiếu giấy, hãng Verified Voting cho hay.

Sáu bang Delaware, Georgie, Lousiana, Maryland, New Jersey và Nam Carolinia sẽ chỉ sử dụng duy nhất máy bỏ phiếu điện tử, còn 5 bang khác sẽ coi phiếu giấy là “thiểu số”. Trong số 5 bang sau có những trận địa mà hai ứng cử viên đang tranh đấu quyết liệt như Pennsylvania và Virginia.

Các bang lớn, trọng điểm nơi ông Obama và ông Romney đang cân tài cân sức là Ohio, Florida và Colorado cũng đều sẽ sử dụng máy bỏ phiếu điện tử.

Vấn đề là do không có phiếu giấy để kiểm tra, người ta sẽ gần như không thể xác định được có gian lận hay chỉnh sửa kết quả hay không ở một cuộc bỏ phiếu kín.

Nếu như trong cuộc bầu cử, chiến thắng của một phe là mười mươi thì vấn đề này chẳng đáng phải đưa ra. Ai cũng biết rõ kết quả bỏ phiếu ra sao, Giáo sư Avi Rubin thuộc khoa Công nghệ Máy tính Đại học John Hopkins phân tích. Nhưng với những cuộc chạy đua sít sao như Bush-Gore năm 2000, khi khoảng cách giữa hai ứng viên chỉ như sợi tóc, rất nhiều người ủng hộ phe Dân chủ đã cảm thấy như họ bị đánh cắp mất chiến thắng. Đấy là những thời điểm mà niềm tin bị lung lay nhất.

Và năm 2012 này rõ ràng là một cuộc đấu khốc liệt. Các cuộc thăm dò trước giờ bầu cử đều cho thấy đương kim Tổng thống Obama và ứng viên Mitt Romney của đảng Cộng Hòa so kè nhau từng điểm một.

Chưa nhìn hết vấn đề

Càng mỉa mai hơn khi máy bỏ phiếu điện tử - đối tượng lo ngại số một của cuộc bầu cử năm nay – lần đầu được sử dụng để “giải quyết tranh cãi” quanh vụ 2000 phiếu bầu ở Florida năm 2000. Với những ai còn nhớ, vụ việc sau đó đã bị kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ và phán quyết cuối cùng của Tòa là ngừng việc đếm phiếu bằng tay để tuyên bố chiến thắng tại Bang, đồng nghĩa với cương vị Tổng thống cho George W. Bush.

Sau scandal đó, tiền của nước Mỹ và của các bang đã được chi không tiếc tay để cập nhật hệ thống bỏ phiếu. Một số nhà phân tích cho rằng, các quan chức bầu cử đã hành động quá nhanh đến mức không kịp nhìn ra những vấn đề tiềm tàng từ các cỗ máy.

Nếu như ở sự cố Florida, người ta có thể đếm lại các lá phiếu giấy thì với phiếu bầu điện tử, khi phe còn lại hoài nghi, họ chẳng thể làm gì hơn ngoài việc ấn lại nút “Enter” và ra lệnh cho hệ thống máy tính đếm lại từ đầu.

Nỗi lo ngại số một là các hệ thống này bị lỗi cơ học hoặc lỗi do con người đặt lệnh. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử năm 2006, cũng lại tại Florida, các máy bỏ phiếu ở một hạt đã ghi nhận 0 phiếu bầu dù các cử tri đi bỏ phiếu rất đầy đủ.

Hoặc năm 2004, bang Bắc Carolina đã chứng kiến một cỗ máy bị quá tải nên xóa mất 4500 lá phiếu. 

Nguy cơ hack là có thực!

Đấy là chưa kể khả năng bọn tội phạm mạng can thiệp, tấn công và sửa đổi kết quả là hoàn toàn có thực.

“Chỉ cần một công cụ lập trình cao cấp là có thể làm được việc đó”, chuyên gia bảo mật Rubin chia sẻ trên CNN. Ông này thậm chí đã được xem mã code của một công cụ kiểu này và giật mình khi thấy nó không khác gì nhiều mã code đang trôi nổi trên mạng Internet. Thậm chí đường đi nước bước để mã hóa một lá phiếu cũng được nêu rõ trên Internet. Nếu thích, hacker cấp cao hoàn toàn có thể tìm ra cách để can thiệp.

Một tuyên bố thót tim mà Rubin đưa ra là một chiếc máy bỏ phiếu quy chuẩn, dùng màn hình cảm ứng có thể bị thay đổi dữ liệu chỉ với một phần cứng đặc chủng giá 20 USD và một chiếc kẹp ghim. Hãy đặt nó trong bối cảnh rất nhiều cỗ máy bỏ phiếu hiện đang được đặt tại trường học, nhà thờ và các điểm bỏ phiếu công cộng trước ngày Bầu cử tới vài tuần. Bạn nghĩ sao?

Ngay từ năm 2003, một nhóm chuyên gia được bang Maryland thuê kiểm tra máy bỏ phiếu do hãng Diebold sản xuất đã báo cáo rằng, những cỗ máy này thiết kế rất kém và có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển rất cao. Tệ nhất là tất cả các máy bỏ phiếu của Diebold đều dùng chung một chìa khóa mã hóa “bí mật”.

Chưa đáng lo ngại?

Mặc dù vậy, cũng có nhiều nhà quan sát khẳng định chưa có gì đáng lo ngại quá. Giáo sư R.Michael Alvarez thuộc Viện công nghệ Chính trị California cho biết các quan chức bầu cử trên khắp thế giới đều đã nhận thức được những nguy cơ bảo mật từ bỏ phiếu điện tử.

Hầu hết lỗi đều đã được công bố, nghiên cứu và khắc phục. Tất nhiên sẽ có những sự cố mới xuất hiện nhưng suốt 4 năm qua, nước Mỹ đã thử nghiệm rất nhiều hệ thống và triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh cho máy bỏ phiếu điện tử.

Theo Giáo sư Alvarez, để phòng xa, nước Mỹ đã ngừng mua những chiếc máy bỏ phiếu không kết nối với máy in để in ra một bản sao bằng giấy dự phòng. Dù vậy, chẳng ai có thể khẳng định tuyệt đối về sự an toàn của những lá phiếu điện tử, và mọi người sẽ chỉ có thể thở phào sau khi kết quả bầu cử được công bố xong xuôi.

Trọng Cầm

Châu Á ưng Obama, 'sẵn sàng' cho Romney
Châu Á hy vọng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đắc cử nhiệm kỳ tới, và kỳ vọng vào quan hệ tốt hơn với Mỹ trong chính quyền hứa hẹn sẽ "chuyển hướng" theo hướng châu Á giữa lúc lo ngại an ninh tăng cao.
 
Người dùng smartphone bầu cho Obama hay Romney?
Chỉ còn hai tuần nữa là chính thức bầu cử Tổng thống Mỹ, và hai ứng cử viên cũng vừa trải qua phòng khẩu chiến cuối cùng.