Tam giác Bermuda (hay còn được gọi là "Tam giác quỷ") đã trở thành một huyền thoại, khơi dậy cả sự tò mò và sợ hãi khắp thế giới, do vô số những điều dị thường xảy ra ở nơi này. Mới đây, các nhà khoa học tuyên bố đã khám phá ra bí mật của khu vực khét tiếng này.
Tam giác Bermuda là một khu vực tọa lạc ở phía tây bắc Đại Tây Dương, bao
quanh bờ biển phía đông bang Florida của Mỹ và Puerto Rico. Một phần của tam
giác này còn kéo dài tới khu vực lân cận bang South Carolina, Mỹ. Sở dĩ vùng
biển này có tên Bermuda là do nó được đô đốc người Tây Ban Nha Huan Bermuda lần
đầu tiên khám phá ra năm 1503.
Nhìn chung, Tam giác Bermuda là một khu vực đầy nắng, gió và không có các mùa
phân chia rõ rệt. Đây là một trong hai địa điểm trên Trái đất mà la bàn sẽ không
chỉ đúng về hướng bắc. Rất nhiều người còn nói, các quy luật vật lý cũng không
còn đúng ở nơi này.
Tam giác Bermuda được gắn với biệt danh "Tam giác quỷ" trước hết vì các vụ mất tích kỳ bí xảy ra tại đây. Thống kê cho thấy, hơn 100 máy bay và các tàu thuyền đã bị "nuốt chửng" một cách bí ẩn, gần như không để lại dấu vết trong khu vực.
Christopher Columbus, nhà thám hiểm hàng hải nổi tiếng người Italia, cũng từng ghi lại những dòng nhật ký rợn tóc gáy về cuộc hành trình của ông qua Tam giác quỷ vào năm 1492, với sự chệch hướng dị thường của các công cụ điều hướng, những ánh đèn chiếu sáng lạ lùng ở đường chân trời hay "một ngọn lửa khổng lồ" lao từ trên cao xuống biển.
Rất nhiều phim tài liệu nhằm điều tra về "Tam giác quỷ" lừng danh với vô số sự kiện, giả thuyết, sự bí ẩn và huyền thoại đã được thực hiện và công chiếu, nhưng không có bất kỳ lời giải thích nào được đông đảo chấp nhận. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã khám phá ra các hố khổng lồ dưới đáy biển Barents, được cho là chìa khóa giúp giải mã bí ẩn của "Tam giác quỷ" Bermuda.
Theo báo cáo nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Đại học Bắc cực của Na Uy đã phát hiện nhiều hố có chiều rộng lên tới 800 mét và sâu gần 45 mét ở khu vực đáy biển trung tâm, hơi chếch về phía tây của biển Barents. Các hố khổng lồ dưới đáy biển này được tin là hình thành do sự tích tụ của khí methane ở ngoài khơi bờ biển Na Uy - một quốc gia rất giàu khí đốt tự nhiên.
Khí methane rò rỉ từ các mỏ khí tự nhiên nằm sâu dưới bề mặt có thể đã tạo ra các lỗ hổng cuối cùng cũng bốc cháy dưới đáy biển. Các chuyên gia nhận định, những vụ nổ khí khiến hố mở rộng kiểu này nhiều khả năng đã gây rủi ro cho các phương tiên giao thông qua lại vùng biển Barents. Và điều này có thể lý giải cho những vụ mất tích khó hiểu của tàu thuyền và máy bay ở khu vực "Tam giác quỷ" Bermuda.
Năm ngoái, nhà khoa học Nga Igor Yeltsov, Phó viện trưởng Viện Trofimuk, từng
tuyên bố: "Có một hướng giải thích cho rằng tam giác quỷ Bermuda hình thành từ
các phản ứng của các khí hydrate (hay còn gọi là băng cháy). Các phản ứng này
nhanh chóng tiêu hủy băng cháy, giải phóng khí đốt. Phản ứng diễn ra với tốc độ
nhanh như một vụ lở tuyết, như trong một phản ứng hạt nhân vậy và sản sinh ra
một lượng khí đốt khổng lồ. Nó khiến đại dương tăng nhiệt và các con tàu sẽ bị
chìm xuống do nước biển đã bị trộn lẫn với một lượng khí khổng lồ".
Băng cháy về cơ bản là nước đóng băng có chứa nhiều phân tử khí đốt bên trong,
chủ yếu là khí methane. Chúng tồn tại trong các khu vực đóng băng vĩnh cửu như
phía Bắc Siberia và dưới đáy một số đại dương trên thế giới. Ông Yeltsov nói
thêm rằng, các phản ứng của băng cháy có thể giải phóng lượng khí methane khổng
lồ và gây nhiễu loạn không khí, dẫn tới việc các máy bay đi qua vùng nhiễu loạn
sẽ bị rơi.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail, Metro)