- Là Phó Thủ tướng được phân công giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra những nhiệm vụ mà ông cho rằng, tân Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh trong nhiệm kỳ mới cần ưu tiên giải quyết.

Tại lễ bàn giao công tác cho Bộ trưởng Bộ KH&CN diễn ra sáng nay, 14/4, đánh giá cao những thành tích mà Bộ KH&CN cũng như nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là "một nhiệm kỳ có nhiều bước tiến".

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ bàn giao công tác cho tân Bộ trưởng KH&CN. Ảnh: Lê Văn.

"Đồng chí Nguyễn Quân đã rất xông xáo và đặc biệt đã mở ra một số vấn đề cốt lõi của cơ chế, chính sách khoa học", Phó Thủ tướng nói. "Có thể nói, đồng chí Nguyễn Quân đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chúc mừng tân Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã tiếp nhận công việc từ nhiệm kỳ có bước đột phá từ người tiền nhiệm nhiệm kỳ vừa qua. "Tuy nhiên, đây cũng là trách nhiệm nặng nề của đồng chí tân Bộ trưởng", Phó Thủ tướng nói.

Nói về những vấn đề của ngành KHCN mà tân Bộ trưởng cần ưu tiên giải quyết trong nhiệm kỳ mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ra 5 vấn đề:

KHCN phải thực sự trở thành quốc sách hàng đầu

Theo Phó Thủ tướng, lâu nay ai cũng nói KHCN là quốc sách nhưng trong tất cả các cơ chế, chính sách cuối cùng lại cho thấy KHCN chưa thực sự là quốc sách.

"Giờ đây nói phải đi đôi với việc làm. Trách nhiệm của các đồng chí và tôi là phải làm sao để cả hệ thống các bộ ngành trung ương lẫn địa phương phải thực sự coi ngành KHCN là quốc sách", Phó Thủ tướng nói.

Để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng không thể chứng minh lý thuyết rằng ở nước ngoài KHCN là quan trọng mà phải chứng minh được bằng hiệu quả thực sự của những nguồn lực hiện nay.

"Nếu người ta thấy được hiệu quả thực sự thì KHCN mới có thể trở thành quốc sách được", Phó Thủ tướng khẳng định.

Doanh nghiệp phải là trung tâm của sự đổi mới

Theo Phó Thủ tướng, cần phải xây dựng một hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cùng với nhà nước và các viện, trường hình thành 3 đỉnh của một tam giác.

"Hiện nay, trong hệ thống sáng tạo của chúng ta thì các viện (nghiên cứu) là trung tâm còn Nhà nước ở trên rót ngân sách xuống. Trong khi đó, doanh nghiệp và các trường đại học thì chỉ đứng bên cạnh quan sát", Phó Thủ tướng nói.

Công khai, minh bạch toàn bộ nghiên cứu khoa học

{keywords}
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN. Ảnh: Lê Văn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ KH&CN cần phải là bộ có phương thức quản lý khoa học, áp dụng công nghệ đi đầu trong chính phủ trong việc quản lý KHCN. Điều này cần phải được thực hiện từ những việc bé nhất như họp giao ban, hội nghị…

Một vấn đề liên quan tới quản lý mà theo Phó Thủ tướng là rất quan trọng và đang khiến nhiều người nhìn thấy ngành KHCN hoạt động chưa hiệu quả là vấn đề công khai, minh bạch các nghiên cứu.

"Vì sao KH&CN chưa được coi là quốc sách? Vì hiệu quả sử dụng nguồn lực của ngành chưa thực sự đến được với xã hội như xã hội mong muốn", Phó Thủ tướng nói. "Một trong những công cụ để làm được hiệu quả như vậy là phải công khai toàn bộ, từ đăng ký đề tài nghiên cứu cho tới các y kiến phản biện phải công khai".

Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề công khai phải được coi là "chỉ thị" và "nhất định trong nhiệm kỳ này phải làm. Không làm được thì thuê ngoài".

KHCN địa phương phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Phó Thủ tướng cho biết, năm nào lãnh đạo Bộ KHCN cũng phải đau đầu vì ngân sách cấp cho ngành không đủ 2% (GDP), nhưng một trong những lý do không được cấp 2% là vì nhiều địa phương không tiêu hết tiền ngân sách do không xác định được nhiệm vụ dùng vốn KHCN công thêm các thủ tục thanh quyết toán phức tạp.

Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh từng công tác tại địa phương, nắm được hơi thở cuộc sống có thể làm tốt công việc này để KHCN ở các địa phương đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn tại địa phương đó.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, KHCN nói chung phải bám sát thực tiễn chứ không cần thuộc về đa số. Chính vì vậy, Bộ KHCN cần phải đưa ra khung chính sách để cả cả xã hội cùng cổ vũ cái mới khi có cơ sở khoa học rõ ràng.

Quản lý, định hướng khoa học xã hội

Vấn đề cuối cùng Phó Thủ tướng nói đến là việc khoa học xã hội lâu nay chưa được Bộ KHCN chú trọng và định hướng. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đây là vấn đề khó không phải một nhiệm kỳ là có thể làm được song ông mong muốn Bộ KH&CN lưu ý thực hiện.

Lê Văn (ghi)