Ngoài việc chữ ký số do các doanh nghiệp đang cung cấp chưa được tích hợp cho nhiều dịch vụ, địa phương còn gặp lúng túng do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thức trình bày chữ ký số trong văn bản điện tử.
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TT&TT sáng 31/12, ông Nguyễn Quang Thanh, PGĐ Sở TT&TT Đà Nẵng đã phản ánh về tình trạng chữ ký số hiện nay chưa tiện lợi, chưa thực sự hỗ trợ người dùng.
Ông Nguyễn Quang Thanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T.C |
"Hiện tại, một chữ ký số không thể áp dụng cho nhiều dịch vụ khác nhau. Chữ ký trong lĩnh vực thuế không thể đem qua dùng cho bảo hiểm được", ông Thanh chỉ ra sự bất cập. Nói cách khác, nếu muốn áp dụng chữ ký số cho nhiều dịch vụ khác nhau thì cơ quan, tổ chức chẳng có cách nào khác là phải đầu tư nhiều chữ ký số cùng lúc. Việc này khiến cho chi phí tăng lên, tài nguyên không được sử dụng hiệu quả, trong khi mục tiêu khi thúc đẩy ứng dụng CNTT là để tiết kiệm chi phí.
Đó là chưa kể khi áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử thì phải đặt chữ ký vào chỗ nào cũng chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Nội vụ, ông Thanh nói thêm, khiến cho việc triển khai thực tế gặp khó khăn, lúng túng. Các cán bộ vẫn chưa có thói quen sử dụng chữ ký số thay cho chữ ký thông thường...
Liên quan đến vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết, trong năm 2016, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chữ ký số, xác thực điện tử và nâng cao chất lượng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Xây dựng cơ chế xác thực điện tử hỗ trợ công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tổ chức đánh giá về hiện trạng triển khai các ứng dụng chữ ký số tại các địa phương.
T.C