{keywords}

Năm 2017 đánh dấu những chuyển biến lớn trong việc tăng cường công tác quản lý thông tin của Bộ TT&TT trên nhiều lĩnh vực, từ báo chí, phát thanh truyền hình cho tới mạng Internet, mạng viễn thông. Việc ứng dụng CNTT để xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính cũng được Bộ TT&TT đẩy mạnh hiệu quả.

Về quản lý thông tin trên Internet, ngay từ đầu năm, Bộ TT&TT đã ban hành thông tư về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng.

Các sai phạm về nội dung quảng cáo nội dung dành cho trẻ em trên YouTube sau đó đã được Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) xử lý, yêu cầu YouTube, Google gỡ bỏ các clip có nội dung độc hại. Kết quả, YouTube đã hợp tác chặn, gỡ các clip xấu độc theo yêu cầu Bộ TT&TT. Sau YouTube, đại diện Facebook cũng đã làm việc với Bộ TT&TT và cam kết sẽ phối hợp ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, việc xử lý các thông tin giả mạo trên Google, Facebook hoàn toàn không vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận. Hoạt động này thực tế nhằm đấu tranh để gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, góp phần lành mạnh hóa sự phát triển của môi trường mạng, bao gồm cả mạng XH ở Việt Nam.

Trên môi trường mạng viễn thông, ngay từ cuối năm 2016, việc thu hồi sim kích hoạt sẵn của các mạng di động đã được Bộ TT&TT chỉ đạo sát sao, thu hồi hơn 18 triệu sim kích hoạt sẵn tính đến thời điểm 23/1/2017. Trong tháng 3/2017, 5 nhà mạng là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel, Vietnamobile đã ký thêm cam kết cắt hợp đồng đối với đại lý vi phạm đăng ký thuê bao. Tháng 5/2017, 5 nhà mạng tiếp tục cùng ký cam kết phối hợp tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác.

Trước tình trạng SIM rác, tin nhắn rác bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Viễn thông đẩy mạnh công tác thu hồi SIM kích hoạt sẵn. Bộ trưởng cũng chỉ đạo cần khẩn trương đề xuất các phương án ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tin nhắn quảng cáo không mong muốn. Đến đầu tháng 12/2017, cả 4 nhà mạng lớn đều đã có hệ thống chặn lọc tin nhắn rác thông minh, dự kiến sẽ triển khai trong dịp cuối năm nay để chặn đứng tin nhắn rác. Theo thông tin từ Thanh tra Bộ TT&TT, đã có 24,3 triệu SIM kích hoạt sẵn bị thu hồi trong năm 2017,

Trong tháng 9/2017, 3 nhà mạng lớn Vinaphone, Mobifone và Viettel cũng đã bắt đầu triển khai thử nghiệm kỹ thuật chuyển mạng giữ nguyên số. Cục Viễn thông (Bộ TTT&TT) đang lên kế hoạch chi tiết cho việc thử tải thật dịch vụ chuyển mạng giữ số tại Việt Nam, chuẩn bị cho việc cung cấp chính thức dịch vụ này vào đầu năm 2018.

Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các mạng viễn thông thực hiện tốt các nhiệm vụ công ích như đảm bảo thông tin liên lạc ứng phó và khắc phục hậu quả các cơn bão lớn như bão số 6 (bão Hato), bão số 10 (bão Doksuri), bão số 12, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ hội nghị cấp cao APEC.

Về lĩnh vực quản lý thông tin báo chí, năm 2017 cũng đánh dấu sự quyết liệt xử lý sai phạm của Bộ TT&TT . Từ đầu năm đến hết tháng 10, Bộ đã xử phạt 69 trường hợp, thu hồi thẻ của 10 nhà báo. Những sai phạm các Tạp chí điện tử hay hoạt động thường trú báo chí trên địa bàn các tỉnh, khu vực cũng đã được rà soát và xử lý quyết liệt. Tại Hội nghị giao ban QLNN tháng 10/2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong thời gian tới là đẩy mạnh các công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.

Công tác ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục hành chính cũng đã được Bộ TT&TT đẩy mạnh. Qua công tác phối hợp triển khai, hướng dẫn xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính của Bộ TT&TT, hiện các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4; các tỉnh/thành phố cung cấp gần 14.000 DVC trực tuyến mức độ 3, 4.

Bộ TT&TT cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung như ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social), đô thị thông minh (Smart city),…Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng tăng cường hợp tác về ứng dụng CNTT, các giải pháp thông minh và an toàn thông tin với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Slovakia, Ấn Độ, Pháp, Hungary, Hàn Quốc...