Việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử là một trong số những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025.

Ngày 5/7/2018 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và UBND TP. Hà Nội, Hội truyền thông số Việt Nam phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội và công ty IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả.

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là sự kiện thường niên, là diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành, chính phủ và các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ và thảo luận về chính sách đầu tư, giải pháp phát triển CNTT toàn diện, thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý Quốc gia.

{keywords}
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam 2018. Ảnh: Trọng Đạt

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều đã được nâng cao. Hiện tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa phương, con số này là 45.374 dịch vụ.

Chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ người dùng Internet chiếm 54,2% dân số Việt Nam, mật độ thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân, thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân, thuê bao băng rộng di động là 48,4/100 dân.

Theo sách trắng Bộ TT&TT, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương hoạt động rất hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn. Tiêu biểu trong số này là Bộ Công An (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công Thương (772.000 hồ sơ), Bộ GD&ĐT (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.000 hồ sơ), TP. Hà Nội (225.173 hồ sơ), tỉnh Lâm Đồng (110.000 hồ sơ)...

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chính phủ đã tổ chức một đoàn cấp Bộ trưởng đi tìm hiểu và học hỏi tại một số nước có trình độ phát triển Chính phủ điện tử như Hàn Quốc và Estonia và một vài nước khác.

Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025. Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn bị việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp là Chủ tịch Uỷ ban này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ là Phó Chủ tịch, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ là Tổng thư ký của Uỷ ban, các Bộ trưởng sẽ tham gia trong Uỷ ban về Chính phủ điện tử.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chia sẻ về định hướng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành, các địa phương cần đổi mới cách nghĩ cách làm, đây là cách quyết liệt để cải cách hành chính, gắn cải cách hành chính với ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền các cấp, coi CNTT là công cụ, là phương thức để đổi mới, phát triển.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Bộ TT&TT cùng với các bộ ngành địa phương đã đạt được những kết quả nhất định trong việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên so với các yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều điều chưa được như mong muốn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, cần phải có những cách làm, những giải pháp mới và nhân rộng những mô hình, bài học thành công trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng hy vọng Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2018 sẽ là nơi để các nhà quản lý, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, trao đổi hiện trạng phát triển Chính phủ điện tử tại nước ta.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, điều này giúp chúng ta có những bước đi phù hợp để hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử đi vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trọng Đạt

Cục Viễn thông sẽ giám sát việc chuyển đổi mã mạng di động ngày 15/9

Cục Viễn thông sẽ giám sát việc chuyển đổi mã mạng di động ngày 15/9

Bên cạnh việc triển khai Kế hoạch chuyển đổi mã mạng, Cục Viễn thông sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực thi các quy định về giá cước và khuyến mại trong 6 tháng cuối năm 2018.

Khai mạc hội nghị quốc tế về đô thị thông minh và Chính phủ điện tử

Khai mạc hội nghị quốc tế về đô thị thông minh và Chính phủ điện tử

Sáng nay (4/7), tại Thanh Hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức Hội nghị quốc tế về đô thị thông minh và chính phủ điện tử 2018.

“A lô, Lèn Hà”: Khúc tráng ca của những người lính thông tin

“A lô, Lèn Hà”: Khúc tráng ca của những người lính thông tin

20 giờ tối 2/7, chương trình nghệ thuật đặc biệt “A lô, Lèn Hà” đã diễn ra tại di tích lịch sử Quốc gia Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.