Đùng một cái, anh Dũng, 37 tuổi (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) lạnh lùng đưa vợ tờ… đơn ly hôn. Chị Thi, 34 tuổi – vợ anh, khóc nức nở, cho rằng mình bị oan vì chị và người đàn ông kia vẫn chưa làm chuyện gì quá đáng. Nhưng anh Dũng vẫn quả quyết: “Dù cô chưa ăn nằm với người ta thì vẫn là… ngoại tình, tôi không thể chấp nhận được!”.


Với nhiều người, tội ngoại tình chỉ được thiết lập khi có “bằng chứng” quan hệ xác thịt với người không phải là vợ/ chồng của mình. Vì thế, nếu chỉ mơ tưởng đến một bóng hình nào đó, chưa có “chuyện ấy” xảy ra, họ vẫn cứ… ung dung, cho là mình vô tội, không hề phản bội bạn đời. Tuy nhiên, dù chưa chung đụng thể xác, bản thân sự mơ tưởng đó đã vượt qua khỏi những ranh giới quy ước ban đầu của đời sống hôn nhân. Và mọi sự vượt qua giới hạn của đời sống vợ chồng đều tiềm ẩn mối nguy hiểm mà đôi khi người trong cuộc đã không ý thức được, thậm chí họ còn lờ đi, cho rằng đó chỉ là… xã giao bình thường đến khi có chuyện mới “ngã ngửa”.


Đồng sàng dị mộng

Trở lại chuyện của gia đình anh Dũng, chị Thi, anh Dũng vốn là một doanh nhân thành đạt, chí khí đàn ông ngất trời nên ngay sau khi biết tin vợ “qua lại” với một người đàn ông khác, anh đã đùng đùng đòi ly hôn ngay.

Chị Thi, kể từ ngày sinh con đầu lòng, đã nghỉ việc hẳn để ở nhà chăm con. Những tưởng như vậy gia đình sẽ ấm êm, hạnh phúc. Nào ngờ… Trong khi chị Thi một mình chu toàn việc nhà, lo cho con cái, anh Dũng vẫn thường xuyên đi công tác xa. Thiếu vắng tình cảm vợ chồng cộng với những mệt mỏi về thể xác khiến chị luôn mơ hồ nghĩ về một bờ vai êm ái để nương tựa, một lời ngọt ngào chị vốn mong muốn chồng mình nói ra nhưng chờ mãi không thấy đâu. Một lần, chị tình cờ quen người đàn ông kia ở… siêu thị. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, hai người vừa gặp nhau đã bị… “hút”. Những buổi “hẹn hò” cà phê, đi dạo, đi ăn chung giữa họ nhiều dần lên. Chuyện sẽ chẳng có gì ầm ĩ bởi giữa hai người cũng chỉ dừng lại ở những cuộc gặp gỡ, trò chuyện. Nhưng hôm nọ, không biết chị Thi nằm mơ thấy gì, chị gọi rõ ràng tên người ấy. Khi chồng gặng hỏi, chị Thi “nhẹ bóng vía” quá nên không biết cách lèo lái để rồi đã “khai báo” với chồng những cảm xúc thật về người đàn ông chị quen.

Dù cố giải thích rằng chị và người đàn ông kia chưa bao giờ vượt quá giới hạn vì ai cũng có cuộc sống riêng của mình nhưng anh Dũng vẫn kiên quyết với quan điểm không thể chấp nhận chuyện vợ mình lại đi “mơ tưởng” một người đàn ông khác, dù dưới bất kỳ hình thức nào và mức độ ra sao. Anh một mực đòi ly hôn cho bằng được, bất chấp những lời xin lỗi, giãi bày của vợ và sự can ngăn, hòa giải của hai bên gia đình.

Vì sao… tình tơ tưởng?

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy (Phòng Tham vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM) cho biết, có hai dạng ngoại tình tư tưởng. Một là hai người trong cuộc vẫn gặp gỡ, hẹn hò, đi chơi, có những cử chỉ âu yếm nhưng không vượt quá giới hạn. Hai là… ngoại tình chỉ diễn ra trong đầu, yêu trong tư tưởng, hai người thường xuyên nghĩ, suy tư về nhau nhưng không gặp gỡ. Câu chuyện của chị Thi thuộc dạng thứ nhất và đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà người ta sống cùng nhà, rất gần nhau nhưng có lúc trong lòng đang nghĩ về người thứ ba khác.

Có thể thấy cuộc sống vợ chồng so với thời gian yêu nhau dù muốn hay không cũng đã mất đi phần nào lãng mạn, ngọt ngào. Những cử chỉ, hành vi, lời nói của người bạn đời dần thiếu đi sự mới mẻ, tệ hơn còn khiến người còn lại thất vọng. Đời sống hôn nhân vì thế cũng khiến nhiều người có cảm giác nhàm chán và họ cần một “gia vị” mới. “Thương trộm nhớ thầm”, “đồng sàng dị mộng” hay “ngoại tình tư tưởng” là những cách nói, cho thấy người ta có thể đã không còn bằng lòng, thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Người ta mơ tưởng đến một điều gì xa hơn, một ai đó khác và… mới hơn.

Đồng ý rằng ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ. Với một số người, nó như một thứ “gia vị” nêm nếm cho hạnh phúc gia đình trọn vẹn hơn, khi họ nhận thấy hạnh phúc gia đình thực tại mới là mục tiêu họ theo đuổi suốt đời. Nhưng với những người thiếu nghĩ suy, cân nhắc, cộng với sự tác động của hoàn cảnh như chồng/ vợ đi công tác xa, đang buồn phiền… thì việc thường xuyên nghĩ về “người tình trong mộng tưởng” sẽ trở thành nỗi ám ảnh, nhớ nhung, chi phối tư tưởng, tình cảm của người trong cuộc. Sớm hay muộn, những cử chỉ, lời nói, tình cảm của họ đối với gia đình cũng sẽ ít nhiều thay đổi. Có thể ban đầu người còn lại không nhận ra nhưng dần dần họ sẽ “bắt sóng” sự thờ ơ, lạnh nhạt của người kia rất nhanh… và hậu quả thì khôn lường.


Hãy để lý trí “vùng lên”

Ở một chừng mực nào đấy, có thể thấy ngoại tình tư tưởng là một nỗ lực của người trong cuộc. Họ dằn vặt, đấu tranh, không dám biến ý tưởng thành hành động vì luôn nghĩ về mái ấm gia đình, tình cảm với người bạn đời, chứ nếu không họ đã “đạp lên tất cả mà đi”. Nhưng dù thế nào, ngoại tình tư tưởng cũng đều có ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình mà người trong cuộc cần “tỉnh mộng” sớm.

Chị Thúy cho rằng, với ngoại tình tư tưởng, khi mọi thứ chỉ diễn ra trong đầu bạn, không có ai tháo gỡ được trừ bản thân bạn. Người trong cuộc cần tự ý thức mình muốn gì: Chóng vánh được ở bên cạnh người kia hay muốn có một gia đình hạnh phúc lâu bền với chồng (vợ) con? Nghĩ đến hậu quả, con cái, gia đình hai bên, chồng/ vợ bạn sẽ phản ứng thế nào khi biết mình ngoại tình như thế? Cân nhắc giữa cái được, mất sẽ cho bạn cảm giác sợ, không dễ dãi với chính mình và cũng không dám vượt qua những ranh giới. “Nguy hiểm nhất là khi người trong cuộc đã nghĩ đến hậu quả nhưng lại không có cảm giác sợ, không bị mặc cảm tội lỗi vì đã lừa dối bạn đời của mình. Đó chắc chắn sẽ là bước đi đầu tiên kéo họ đến với những cú trượt ngã dài hơn”, chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.

Nên tự thú hay im lặng?

Nhiều người khi lỡ ngoại tình tư tưởng, sau những cảm giác thoáng qua, họ bỗng cảm thấy xấu hổ, dằn vặt, có lỗi với bạn đời nên muốn tự thú để lòng thanh thản. Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, việc này là… “5 ăn 5 thua”. Khi tự thú, bạn sẽ làm người còn lại cảm thấy tổn thương. Họ có thể sẽ tưởng tượng mọi chuyện “nặng” hơn gấp nhiều lần so với những gì bạn đã kể - dù rằng đó đã là sự thật 100%. Nỗi ám ảnh về những điều vợ/ chồng tự thú có thể trở thành mũi kim thuốc độc giết chết hạnh phúc gia đình.

Đặc biệt với phụ nữ, cần cân nhắc kỹ bởi lẽ đàn ông thường rất sĩ diện, sự tự ái của họ cũng rất cao nên khó lòng chấp nhận và bỏ qua chuyện này.

Sự trung thực chỉ thật sự khôn ngoan khi có lợi cho cả 2 bên. Giữ kín trong trường hợp này không phải là lừa dối mà để bảo vệ gia đình. Tất nhiên, khi đó người trong cuộc phải biết nhìn nhận lại đâu là hạnh phúc thực sự mà mình sẽ tiếp tục theo đuổi, để tự biết giữ giới hạn trong mối quan hệ tình cảm với “người mới”, không để mình tiếp tục phản bội người bạn đời dù là trong… tư tưởng!

Dấu hiệu cảnh báo

Chị Thúy cho rằng, nếu có những biểu hiện dưới đây, người trong cuộc cần phải cảnh tỉnh chính mình ngay:

- Thường xuyên giấu chồng/ vợ lén lút gặp gỡ người khác với mật độ ngày càng tăng.

- Hay so sánh (trong đầu) người bạn đời với người tình trong mộng.

- Có cảm giác nhớ nhung, suy nghĩ, mong chờ được gặp gỡ với người kia.

- Luôn tìm cơ hội được gần gũi người đó.

- Ở bên chồng/ vợ nhưng lại… tơ tưởng đến người trong mộng.

- Có ham muốn “chuyện ấy” với người kia dù… thật sự chưa dám!

- Rất mong chồng/ vợ đi vắng để có thể yên tâm qua lại với đối phương.

(Theo Thế giới gia đình)