- Lạm phát cao liên tục, lương không theo kịp giá khiến chất lượng bữa ăn của một gia đình vốn đã giảm mạnh, nay lại thêm ảnh hưởng của đợt rét đậm khiến giá rau đội lên cao ngất ngưởng, nhiều gia đình lâm vào cảnh lục đục vì ăn rau cũng phải... thòm thèm.


Chi gần 50 nghìn tiền rau/bữa mà vẫn... thòm thèm

Vợ chồng anh Hiển, chị Bích thuê nhà ở Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Là vợ chồng trẻ, cưới nhau chưa được bao lâu, nhưng gần 1 tuần nay 2 vợ chồng chị liên tục hục hoặc rồi chiến tranh lạnh với nhau vì những chuyện rất hài hước.

Anh Hiển chê chị càng ngày càng tiết kiệm quá mức, vì chồng thì đi làm vất vả mà về nhà vợ cho ăn uống không ra sao, thịt cá không có nhiều đã đành, đằng này đến cả rau mà 2 vợ chồng cũng phải ăn thòm thèm. 

Ảnh minh họa.

Chị Bích thì tự ái vì chồng không tâm lý nên mới không hiểu được nỗi khổ của người phải cầm tiền để lo mọi thứ trong gia đình.

Chị Bích bảo: “Nghĩ đến chuyện, vợ chồng giận dỗi rồi chiến tranh lạnh với nhau vì bữa ăn mà em ấm ức lắm. Ai chẳng muốn lo cho chồng bữa ăn đầy đủ, nhưng mà... tiền đâu? 2 vợ chồng mới cưới, chưa có con, nhưng riêng tiền thuê nhà đã hết 2,5 triệu/tháng. Đấy là chưa kể điện nước, tiền phí vệ sinh, mạng internet, cáp tivi... Trong khi lương kỹ sư xây dựng của chồng mỗi tháng cũng chỉ được 6 triệu. Đã vậy, tháng nào cũng có nguy cơ bị trừ lương: đi muộn: trừ lương, gia đình có việc xin nghỉ: trừ lương, thi công chậm tiến độ: trừ lương, xảy ra sai sót dù nhỏ nhất: trừ lương...

Em, 2 tháng nay không có việc làm. Trước em làm việc ở một công ty thẩm định giá xây dựng, nhưng vì kinh tế khó khăn, ngành xây dựng chết cứng nên công ty cũng không có việc làm, thế là một loạt nhân viên bị cho nghỉ việc, trong đó có em.

Đồng lương eo hẹp, nhưng mọi chi phí lại đắt đỏ. 2 tháng nay, em tự tay cầm tiền đi chợ mà về nhà đếm lại tiền mà cứ ngẩn ngơ như người bị móc trộm ví.

Sau đó, em rút ra kinh nghiệm, sáng ra, chỉ cầm 100 nghìn đi chợ, mua 4 quả trứng, 3 gói mỳ, 1 mớ rau nhỏ về làm bữa sáng cho 2 vợ chồng đã mất 30 nghìn. Còn 70 nghìn, mua 3 lạng thịt hết 30 nghìn, 2 mớ rau cải cúc hết 12 nghìn, 2 củ xu hào, 1 củ cà rốt hết 22 nghìn, 1 quả cà chua, hành củ, hành lá nữa là vừa đủ 100 nghìn”.

“Bữa tối, em không dám mua su hào, cà rốt nữa, chỉ mua 1 cây bắp cải mà cũng hết 25 nghìn, cà chua, hành, gừng nữa là hơn 30 chục nghìn, 2 mớ cải cúc nấu canh nữa là 12 nghìn, tổng cộng đã gần 50 nghìn. Thế mà ăn vẫn thấy thiếu” - chị Bích thở dài.

Chiến tranh lạnh vì rau

Không phải bỏ tiền ra thuê nhà như vợ chồng chị Bích, nhưng vợ chồng chị Liên ở khu tập thể Giảng Võ - Hà Nội cũng chiến tranh lạnh với nhau từ mấy hôm nay. Mà chung quy lại cũng chỉ vì chuyện bữa ăn.

Chả là, cuối tuần trước, anh Vĩnh - chồng chị mời bạn bè đồng nghiệp về nhà tụ tập, ăn lẩu. Chị không có ý ngăn cản, mà ngược lại còn rất hào hứng đi chợ chuẩn bị đồ nhậu cho chồng. 

Ảnh minh họa.

Ra chợ, chị mới tá hỏa vì giá thực phẩm quá đắt đỏ (bình thường mẹ chồng đi chợ nên chị cũng không để ý nhiều). Chị cầm hơn 700 nghìn đi chợ mà mua 2 con gà vừa vừa đã mất 500 nghìn. Còn hơn 200, mua thêm ít gia vị cho lẩu, hành nấm, số còn lại, chị mang hết ra hàng rau.

Không ngờ, ra đến hàng rau, chị còn hốt hoảng hơn vì giá rau quá đắt, hơn 100 nghìn mà chị chỉ mua được 5 mớ ngải cứu, 2 mớ rau muống, 5 mớ rau cải cúc nho nhỏ đã sạch banh ví.

Đến bữa ăn, mới ngồi được một lúc thì rau đã hết. Anh Vĩnh thấy vậy thì ngượng với bạn bè, nên lúc mọi người ra về, lại sẵn có hơi men anh Vĩnh đã không tiếc lời chê bai vợ vì quá tiết kiệm làm anh xấu mặt với bạn bè mà không hiểu rằng, nguyên nhân chính là do giá rau đã tăng quá cao sau đợt rét đậm vừa qua.

Minh Minh