Thịt ôi tẩm hóa chất thành bò khô, hải sản ướp phân đạm là những phát hiện khiến người tiêu dùng rùng mình.


Thịt ôi tẩm hóa chất thành bò khô

Thịt trâu, bò, thú rừng khô là món ăn yêu thích của nhiều người, đặc biệt là dân nhậu. Tuy nhiên, ít ai biết công nghệ sản xuất của nó lại ngập ngụa hóa chất.


Một cán bộ thú y có nhiều năm công tác trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho hay, bò khô được người sản xuất áp dụng công thức: Phụ phẩm bò (hoặc thịt heo bệnh) sau khi được "luyện" các chất tẩy rửa công nghiệp (thuốc tẩy trắng, vôi...), sẽ qua tẩm ướp các loại hóa chất công nghiệp để cho ra sản phẩm bò khô giá siêu rẻ.

Có hai loại nguyên liệu chính để sản xuất các loại bò khô "3 không" - không nhãn mác, không xuất xứ và không thời hạn sử dụng - gồm: lòng bò bẩn và thịt heo bệnh, sau đó ngâm tẩm hóa chất, hương bò độc hại.

Chất phụ gia hương vị bò có nguồn gốc Trung Quốc.

Để thu hút "thượng đế", các cơ sở chế biến còn dùng rất nhiều hóa chất độc hại tẩm ướp. Để tạo màu đỏ nâu sẫm đẹp mắt và mùi bò khô "chính hiệu" cho bò khô làm từ thịt heo, người ta dùng chất tạo màu và mùi công nghiệp. Để tăng độ dai, các cơ sở chế biến còn ngâm thêm hàn the. Để tăng cân nặng, có cơ sở đã dùng bột biến tính và gia vị giá rẻ không nguồn gốc để tẩm ướp. Độc hại nhất, có nơi còn dùng chất bảo quản xuất xứ từ Trung Quốc để giữ cho bò khô cả năm không hỏng.

Với lòng bò, do nguyên liệu ban đầu rất dơ bẩn, các cơ sở sơ chế sẽ sử dụng vôi ngâm với tỷ lệ 100 kg lòng bò + 1 kg vôi + 160 lít nước.

Một số hộ còn lét lút sử dụng chất tẩy trắng cực mạnh không nguồn gốc để đánh bật các vết thâm đen, nhớt và mùi hôi thối trên phụ phẩm lòng bò. Sau công đoạn này, đến lượt các cơ sở chế biến bò khô tiếp tục phối trộn nhiều loại hóa chất tạo độ dai, giòn, thơm, ngậy cho sản phẩm.

Cá biển ướp đạm urê

Thông thường, trên những tàu cá lớn có đá để bảo quản lạnh. Cá được đánh bắt sẽ tiến hành cấp đông ở nhiệt độ - 35 độ C, sau khi sản phẩm đạt chuẩn sẽ được đưa vào bảo quản trong phòng lạnh -18 độ C.

Còn cá biển chỉ được ướp muối khi muốn làm cá khô. Phương pháp ướp muối thường làm cá mặn, làm mất vị cá.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì lợi nhuận, có những ngư dân đã không đảm bảo việc cấp đông cho cá biển mà bảo quản cá bằng urê.


Trước đó, công ty Kinh doanh chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng đã phát hàm lượng urê (NH4) trong cá rất lớn. Công ty này đã mua 19.481kg cá ngừ thường từ các tàu ĐNa 8309 của ông Nguyễn Văn An (834kg), QNg 7609 của ông Phan Thanh Hải (2.575kg), QNg 98895 của ông Ngô Nam Trung (3.122kg)... Nhưng số cá này khi đang ở nhiệt độ đông lạnh quan sát bằng mắt thường rất tươi ngon, không trầy xước, song, khi vận chuyển về đến xưởng ở nhiệt độ bình thường bị mềm nhũn.

Sau khi chế biến (luộc) sản phẩm bị nhão không thể đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Toàn bộ số hàng trên bị hư hỏng phải tiêu huỷ, thiệt hại gần 200 triệu đồng.

Tại Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hải Phòng cũng phối hợp với Sở Thủy sản Hải Phòng mở đợt kiểm tra chất lượng VSATTP thủy hải sản trên một số tàu cá tại vịnh Cát Bà. Kết quả kiểm nghiệm 7/9 mẫu được ướp bằng phân urê gồm 4 mẫu cá, 2 mẫu mực và một mẫu tôm. Kiểm tra tại 15 tàu khác, phát hiện có 2 tàu đang vận chuyển tôm có ướp urê đang trên đường tiêu thụ.

Phân đạm có tính diệt khuẩn, mặt khác khi ướp cá sẽ phân huỷ tạo thành các chất nitrat, nitrit. Hai chất này, ướp với cá chuyển thành oxit nitric làm chậm phát triển của độc tố làm hỏng cá (do Clostridium botulinum tiết ra) giữ cho cá chậm ôi, chậm trở mùi, mất mùi nên kéo dài được thời gian bảo quản cá, làm cho cá giữ được màu sắc, nhất là màu hồng ở mang cá.

Urê có thể sinh ra ammoniac và axit cyanic gây độc cho người sử dụng. Do thế, phân đạm bị cấm dùng bảo quản thực phẩm.

Khi ăn phải các loại thịt, hải sản có chứa dư lượng phân u -rê cao thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong. Còn nếu thường xuyên ăn phải những thức ăn có ướp u-rê, nhưng hàm lượng thấp, sẽ bị ngộ độc mãn tính, với các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ...

Khi mua cá cũng cần quan sát để phân biệt cá ướp đạm u-rê. Với loại cá này, trông thì tươi, màu cá đậm, mang cá cũng hồng tươi hơn bình thường nhưng độ đàn hồi không cao. Xem kỹ, người mua có thể nhận thấy khác thường: cá có mùi khai, khi nấu có mùi khai nặng hơn.

Cải thảo Trung Quốc phun thuốc ướp xác

Tháng 5/2012, Truyền thông Trung Quốc đưa tin hàng tá người buôn rau ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, đang sử dụng chất hóa ướp xác để giúp rau tươi lâu trên đường vận chuyển tới chợ. Tỉnh Sơn Đông là nơi sản xuất rau cải thảo lớn nhất miền Đông Trung Quốc.


Formaldehyde - thường được sử dụng để tẩy uế và ướp xác trong phòng thí nghiệm - có thể gây tử vong và gây ung thư nếu ăn phải.

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều người tiêu dùng Việt Nam rất hoang mang, bởi cải thảo là một trong những loại thực phẩm thường ngày của bữa ăn gia đình, trong khi không ít cải thảo hiện đang được bán tại các chợ trong nước có xuất xứ từ Trung Quốc.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, lấy 74 mẫu rau, trong đó có 22 mẫu nhập từ Trung Quốc để kiểm tra. Kết quả cho thấy không phát hiện hoá chất formaldehyde (vốn dùng ướp xác) để bảo quản.

Tuy nhiên, thông tin này vẫn khiến nhiều người dân lo ngại. Nhiều tờ báo đưa tin, tại các chợ ở TP. HCM, người tiêu dùng “tẩy chay” cải thảo Trung Quốc khiến mặt hàng này rất khó tiêu thụ.

K. Minh (tổng hợp)