Kinh tế khủng hoảng, thu nhập giảm sút, việc lo một cái Tết chu toàn đang là nỗi lo của đa số người dân. VietNamNet xin mở diễn đàn “Ăn Tết tiết kiệm” với mong muốn nhận được nhiều chia sẻ của độc giả về vấn đề này.

Về quê xin thực phẩm, đi chợ đầu mối mua đồ giá rẻ, tự làm bánh mứt là những kế hoạch sắm Tết tiết kiệm của chị em công sở.

Xin từ cành đào đến mâm ngũ quả

Kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp nên các gia đình phải lên phương án sắm Tết tiết kiệm chứ không dám vung tiền như trước. Thậm chí nhiều chị em còn cố gắng tiết kiệm đến mức tận dụng các mối quan hệ để “xin” đồ Tết.

Chị Thúy Nga (làm việc ở phố Duy Tân, Cầu Giấy) cho biết chị đã lên kế hoạch chi tiêu cho Tết này sao cho tiết kiệm nhất. Quê chị ở Lào Cai, bố mẹ đẻ ở quê có vườn trồng rau, có ao nuôi cá nên thực phẩm Tết chị nhờ mẹ gửi từ quê ra cho. Cành đào, mâm ngũ quả chị cũng xin họ hàng luôn.

Nhà chú thím ở quê có vườn cây ăn quả nên chị Nga xin được mâm ngũ quả Tết (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Nhà bố mẹ đẻ ở quê có vườn rau, ao cá, thỉnh thoảng vẫn gửi đồ ra Hà Nội cho gia đình tôi. Còn nhà chú thím trồng bưởi và có cây đào rừng rất to, Tết năm nào cả làng cũng kéo đến xin mỗi người một cành, năm nay tôi nhanh chân gọi điện đã “xí” được một cành. Thế là đã có đào, bưởi, thực phẩm tươi ngon cho Tết mà không mất đồng nào”, chị Nga nói.

Nhà chị ở gần bến xe Mỹ Đình nên việc nhận đồ cũng không mấy khó khăn, phí chuyển đồ cũng rẻ nên chị nhờ bố mẹ mua giúp một số thực phẩm Tết ở quê để làm quà biếu luôn.

“Bố tôi biết làm thịt sấy, nhà lại có bếp lửa nên tôi gửi tiền nhờ bố mua thịt làm cho 3 cân thịt sấy. Một cân biếu sếp, một cân biếu bố mẹ chồng, còn lại thì gia đình dùng. Tính ra tiết kiệm được 400-500 ngàn so với mua đồ sẵn mà ăn lạ miệng.

Bây giờ có xe Vietbus chạy tuyến Lào Cai – Mỹ Đình nên gửi đồ tiện lắm, gửi một hộp thực phẩm cũng chỉ mất phí 30 ngàn, tối hôm trước gửi là sáng sớm hôm sau nhận được luôn”, chị Nga nói.

Theo tính toán sơ sơ của chị Nga, ngoài những món có thể xin bố mẹ vì “của nhà trồng được” thì những món chị nhờ bố mẹ ở quê mua gửi ra cũng tiết kiệm được chi phí đáng kể.

“Đồ ở quê bao giờ cũng rẻ hơn ở Hà Nội. Vào dịp Tết thì mức chênh giá còn còn khủng khiếp nữa. Thế nên nếu nhờ được người quen mua đồ ở quê gửi ra cho thì tiết kiệm lắm, ví dụ như gà ta ở Hà Nội giá 150 ngàn/kg, Tết có khi lên đến 200 ngàn/kg nhưng mua ở quê thì chỉ khoảng 100-110 ngàn/kg thôi. Mà gà ăn lại đảm bảo”, chị Nga lý giải.

Đi chợ đầu mối, tự làm bánh mứt

Cũng lên kế hoạch để đón một cái Tết tiết kiệm, chị Nguyễn Thị Hoa (Phú Mỹ, Mỹ Đình) đã “thả gà, gieo hạt” từ cách đây một tháng. Nhà chị có sân thượng rộng rãi, bình thường chị vẫn trồng rau ở thùng xốp để ăn. Gần đến Tết, chị thu hoạch hết các loại rau rồi tập trung gieo các loại rau thường dùng trong dịp Tết.

Chị chia sẻ: “Rau thơm ăn sống nên tự gieo là đảm bảo nhất, nên gieo rau mùi, húng quế, ngò gai, gieo trước Tết khoảng một tháng rưỡi là vừa. Gieo thêm rau cải ngọt, vừa nhanh thu hoạch mà tiện để Tết ăn lẩu. Thực phẩm là loại tăng giá ghê nhất nên tính ra mà gieo đủ ăn Tết thì cũng tiết kiệm được khá khá đấy”.

Trồng rau hộp xốp để sử dụng trong dịp Tết cũng là một cách tiết kiệm chi phí (Ảnh K.M)

Nhà chị có cái lồng sắt nên chị cũng mua gà về thả “đợi Tết” từ bây giờ cho rẻ bởi “năm nào cũng vậy, cứ đến cận Tết là gà vịt tăng giá chóng mặt”, chị nói. Để tiết kiệm chi phí, chị chọn mua gà của người bán buôn tận Hoài Đức trở ra chứ không mua gà ở chợ.

“Bánh chưng tự gói, giò xào tự làm, hành tự muối, năm nay tôi còn tự làm cả mứt gừng nữa. Nói chung mỗi thứ tiết kiệm một tí, còn để dành tiền để chi các khoản bắt buộc khác như đi lại thăm hỏi chúc Tết, quà biếu sếp, biếu bố mẹ hai bên, mừng tuổi con cháu, chứ cái gì cũng mua mua sắm sắm thì bao nhiêu tiền cho vừa”, chị Hoa thở dài.

Tuy tài chính không được dư dả như mấy năm trước, nhưng với sự khéo léo của người phụ nữ, Tết sẽ vẫn no đủ, ấm cúng như ngày nào.

Kim Minh