Bất chấp cảnh báo về hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhiều cơ sở vì lợi nhuận vẫn đang tâm ngâm tẩm hóa chất vào thực phẩm khô. Những vụ măng nhiễm lưu huỳnh, ô mai tẩm hóa chất được phát hiện trong thời gian gần đây khiến nhiều người lo ngại.


Phát hiện măng nhiễm lưu huỳnh

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội vừa thực hiện đợt kiểm nghiệm các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán.

Qua kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phát hiện 3 mẫu măng có hàm lượng lưu huỳnh cao. Kết quả kiểm nghiệm thực phẩm đối với 8 mẫu măng tươi và măng khô lấy tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy chúng đều âm tính với phẩm màu kiềm, hàm lượng lưu huỳnh tổng (g/100g) từ 0,03- 0,82. Có 3 mẫu măng có hàm lượng lưu huỳnh cao là măng lá, măng và măng củ khô. 

Trước đó, vào tháng 9 năm 2012, cơ quan chức năng ở tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ hàng chục tấn măng khô và nhiều măng tươi được xông, tẩm ướp lưu huỳnh trước khi đem ra thị trường. Hàm lượng lưu huỳnh có trong các sản phẩm măng thu được vượt gấp hàng trăm lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Măng khô không ngâm hóa chất có màu sắc không bắt mắt như loại được ngâm tẩm (Ảnh: Tiền phong)

Không chỉ măng khô, măng tươi cũng được một số cơ sở sản xuất dùng phẩm màu công nghiệp để xử lý. Theo một người sản xuất măng, để chế biến măng le luộc, đầu tiên phải luộc thật chín rồi ngâm nước lạnh một đêm thì măng sẽ chua tự nhiên nhưng thường có màu vàng nhạt hoặc hơi nâu, không “bắt mắt” người sử dụng. Do đó, các cơ sở sản xuất thường pha thêm phẩm màu công nghiệp rẻ tiền khi ngâm để măng có màu vàng tươi, đẹp mắt.

Theo các chuyên gia về hóa chất, lưu huỳnh là chất dùng để chống ẩm mốc, có thể dùng ở dạng xông hơi hay tẩm ướp. Tuy nhiên, nếu xông, tẩm với hàm lượng cao sẽ rất hại cho sức khỏe do lưu huỳnh khi bị ôxy hóa sẽ sinh ra chất độc có thể làm tổn thương các tế bào trong cơ thể con người; nếu ăn nhiều có thể ngộ độc như say, nôn, ói… Những người ăn quá nhiều măng chứa lưu huỳnh có thể bị tổn thương cho phổi, mắt, thậm chí còn gây nhiễm độc máu, suy thận…

Ngành chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Măng tự nhiên còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc. Người dân nên chọn mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Hãi hùng ô mai tẩm đường hóa học

Qua đợt kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng phát hiện sản phẩm ô mai khô chứa đường hóa học vượt mức cho phép.

Đó là loại ô mai khô (ô mai ngũ vị) của Công ty Cổ phần Quý Hợp (Hàng Giầy, Hoàn Kiếm) có hàm lượng đường hóa học acesulfam K 2695 mg/kg, cao gấp 2,5 lần so với quy định của Bộ Y tế.


Chi cục đã lấy 18 mẫu ô mai khô để kiểm nghiệm về chất tạo ngọt, chất bảo quản và phẩm màu. 17 mẫu đạt chất lượng, riêng mẫu ô mai khô trên có hàm lượng đường hóa học Acesulfam K ở mức hơn 2.600 mg trên một kg, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế là 1.000 mg.

Acesulfam K hay E950 là chất tạo ngọt nhân tạo, ngọt hơn đường 150 lần. Hiện có nhiều tranh cãi về tính độc hại của chất này đối với sức khỏe. Một số nước vẫn chấp nhận đây là chất an toàn với ngưỡng giới hạn cho phép.

Ngoài thông báo các mẫu xét nghiệm thực phẩm đối với măng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, qua xét nghiệm hóa lý và vi sinh vật đối với các mẫu rượu, hạt khô, nước quả các loại, bánh kẹo, giò, nem chua, xúc xích, lạp xưởng đều đảm bảo yêu cầu.

Thu Hòa (Tổng hợp)