Một ngày, bé Hưng thổ lộ với mẹ: “Con thích bạn Nhi học cùng lớp lắm bởi vì bạn ấy học giỏi và có cái hộp bút rất đẹp ạ”.
Một ngày thấy cu Hưng đi học về tung tăng hớn hở hơn bình thường, chị Nhiên
(Thụy Khê, Hà Nội) hỏi thăm mới tá hỏa khi biết cậu con trai 6 tuổi của mình "đã
biết yêu”.
Nhìn con ngô nghê thổ lộ rằng: “Con thích bạn Nhi học cùng lớp lắm bởi vì bạn ấy
học giỏi và có cái hộp bút rất đẹp ạ”, mà chị thấy buồn cười và chỉ nghĩ chuyện
chỉ có thế và "mặc kệ chuyện trẻ con".
Hôm sau, chị bị cô giáo của Hưng mời đến trường vì việc bé và Nhi chành chọe
nhau trong lớp. Chả là hai bạn ngồi cùng bàn, cu Hưng mượn Nhi hộp bút nhưng Nhi
nhất quyết không cho còn cấu vào tay Hưng.
Thấy mẹ đến, Hưng thút thít mách: “Con yêu bạn ấy sao bạn ấy lại cấu con?”.
Đứng trước những câu hỏi, tâm sự của con nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, hoang mang khi chẳng biết nên trả lời con thế nào cho thỏa đáng (Ảnh minh họa) |
Chị tâm sự: “Thực ra sự việc này chưa có gì là quá nguy hiểm, chỉ là cảm xúc trẻ con nhưng mình chẳng biết phải giải thích thế nào với con”.
Không ít phụ huynh có con trong độ tuổi này đôi khi cũng rất khó xử trước những biểu hiện nhạy cảm của con. Chị Trúc (Quận 3, TP HCM) cũng là một ví dụ.
Ngày Valentine vừa qua rơi đúng vào dịp Tết, cả nhà đang vui vẻ thì bé Thủy Tiên khóc như mưa như gió dù bố mẹ có dỗ dành thế nào.
Chả là ngày hôm đó, Tiên có hì hụi nắn nót viết thư cho bạn Tuấn Anh cùng lớp nhưng vì vẫn nghỉ học nên Tiên gọi điện “thổ lộ” với Tuấn Anh rằng “tớ có gửi quà Valentine cho ấy”, “khổ thân con bé đang thao thao bất tuyệt thì cu cậu kia ‘chốt hạ’ ‘hâm à’ làm con bé khóc thét và tuyên bố 'ghét bọn đàn ông', chị Trúc chia sẻ.
“Nó còn ghê gớm hơn khi tỏ thái độ 'hít le' bố nó. Không hiểu nó học ai, ghê gớm thế không biết”, chị nói.
Vợ chồng chị Hằng anh Thế Thanh (Hàng Mành, Hà Nội) cũng đỏ mặt khi bé Mít xem cảnh nhân vật trong tivi hôn nhau rồi thắc mắc: “Ơ sao họ lại thơm vào môi nhau chứ không phải vào má như bố mẹ vẫn thường làm thế với con ạ?”.
Tệ hại hơn bé còn tuyên bố: “khi nào con cũng thử thơm bạn Thư cùng lớp xem thế nào?”.
Lúng túng không biết phải trả lời con như thế nào, anh chị chỉ còn biết cười trừ mong con sẽ “quên nhanh đi vấn đề này”. Thế nhưng khi Mít cứ luôn miệng thắc mắc về kiểu thơm, chị bực mình quay ra đánh mắng con vì cái tội "bé tí mới nứt mắt đã lắm chuyện".
Chị Minh Hạnh (Đường Bưởi, Hà Nội) có quan điểm riêng khi nói dù con bé hay lớn, việc nói thẳng thắn và rõ ràng mọi chuyện tốt hơn nhiều khi “lấp liếm, che đậy”. Bạn bè chị ai cũng bảo nếu cứ nói vậy chẳng khác gì vẽ đường cho hươu chạy nhưng chị phản bác rằng “thà vẽ cho hươu chạy đúng đường còn hơn chạy lung tung”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Hồng Hà cho rằng những thắc mắc, câu hỏi hay thái độ của bé thường được hình thành trong quá trình sinh sống, phát triển. Qua tiếp xúc với môi trường sống bé dần hiểu biết nhiều hơn, tò mò nhiều hơn.
Đứng trước những câu hỏi, tâm sự của con nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, hoang mang khi chẳng biết nên trả lời con thế nào cho thỏa đáng, họ đành tìm cách chống chế như: “Sau này lớn con sẽ hiểu nhé”, “đừng hỏi những câu vớ vẩn thế này đi”, hoặc vài phụ huynh nghiêm khắc sẽ mắng, thậm chí đánh con.
Chuyên gia tâm lý cho rằng trong trường hợp này sẽ là sai lầm nếu cha mẹ đánh mắng con. Cách cư xử này sẽ khiến bé không phục và tò mò càng thêm tò mò. Vậy cha mẹ nên làm gì, nên nói dối con hay phân tích chi ly từng chân tơ kẽ tóc cho bé về những vấn đề nhạy cảm này?
Cha mẹ nên trả lời, giải thích cho con thật hợp lý, nhã nhặn tùy thuộc vào lứa tuổi của con.
Chị Hằng trong trường hợp trên có thể giải thích cho con rằng “bố mẹ thương yêu con nên thơm vào má, còn chỉ có những người lớn yêu nhau hoặc đã trở thành vợ chồng mới thơm lên môi”.
Trong điều kiện hiện đại như thế này, bé dễ dàng tiếp thu những điều mới lạ từ các phương tiện truyền thông, thêm vào đó các bé học cùng lớp, chơi cùng nhau nên hiện tượng các bé thích nhau cảm tính không phải là chuyện hiếm. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian nói chuyện, tìm hiểu tâm tư, cảm xúc của con để giúp con hình thành tốt tình bạn trong sáng trong lứa tuổi này.
Việc hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của con rất quan trọng, điều này giúp cho việc điều chỉnh những cách hiểu sai của trẻ được dễ dàng và kịp thời hơn.
(Theo Afamily)