Khoảng gần một thập niên về trước, người dân bản địa nhặt được những dụng cụ bằng đá như rìu, búa được gọt giũa công phu gần ngay cửa hang Phia Muồn thuộc bản Nà Lạ, xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang).


Sau đó, nhiều đoàn khảo cổ đã tìm về đây nghiên cứu. Những bí ẩn về sự tồn tại của người Việt cổ đang dần được hé lộ...

Hang Phia Muồn nằm trong dãy núi Phia Muồn, ở dưới chân núi có dòng suối chảy róc rách quanh năm, gọi là Khuổi Mương.

Nhặt được rìu đá trước cửa hang

Hang Phia Muồn - cái tên nghe xa lạ trên bản đồ khảo cổ nước ta. Từ miền rừng núi hoang vu, sâu thẳm, thông tin về hang Phia Muồn cứ mờ mịt sương khói như huyền thoại. Chúng tôi được ông Lộc Minh Tân - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Na Hang giới thiệu đến gặp các cụ cao niên sống gần hang để tìm hiểu.

Người dân nơi đây cho biết, đã có thời gian họ cho rằng hang là nơi chứa kho báu của người cổ xưa. Sự việc bắt nguồn từ năm 2005, khi một số người dân sinh sống ở bản Nà Lạ nhặt được những dụng cụ bằng đá như rìu, búa được cắt gọt rất điêu luyện gần ngay cửa hang.

Trưởng bản Triệu Sơn Phú chỉ những dấu tích còn lại ở cửa hang.

Theo như lời kể của ông Bàn Hữu Chiêu - giáo viên Trường Tiểu học Sơn Phú, người vô tình bắt gặp một chiếc rìu nằm chỏng chơ ven đường, thì đó là dụng cụ bằng đá mà ông chưa nhìn thấy bao giờ. Nó nhỏ bằng khoảng 3 đầu ngón tay, màu trắng xám, được mài từ một loại đá rất cứng, cán cầm rìu đã nhẵn thín và mòn vẹt một bên chứng tỏ nó đã được sử dụng rất nhiều.

Anh Chiêu vốn là dân sơn tràng từ nhỏ, mọi đồ đạc như dao rựa, dao mác, rìu búa... của người miền này, anh đều rất quen thuộc, nên khi trông thấy chiếc rìu với hình dáng lạ như thế, anh không khỏi hoài nghi. Thấy lạ, anh mang nó về nhà, đặt trên nóc tủ để lúc nào có thời gian thì nhìn lại xem có điều gì thú vị hay không.

Sau một thời gian, anh lại thấy mấy học sinh trong trường nghịch một chiếc rìu giống như thế. Thêm phần tò mò, anh hỏi thì được biết mấy đứa trẻ nhặt chúng ở gần dòng suối Khuổi Mương chảy trước cửa hang Phia Muồn. Chúng kể, mấy hôm theo bố mẹ vào rừng trồng ngô, khi trời mưa, chạy vào trú mưa tại hang Phia Muồn thì nhặt được chiếc rìu bằng đá này. Thấy đẹp, chúng cầm về chơi cho vui...

Ông Triệu Sơn Phú - Trưởng bản Nà Lạ kể lại, sau thời điểm đó, họ thấy hàng chục người hỏi đường vào hang Phia Muồn, cứ nghĩ là lâm tặc vào rừng chặt phá gỗ nên không ai để ý. Sau này, tình cờ mới biết là đoàn người này vào đây để tìm kho báu của người xưa để lại. Thậm chí, nhiều người dân cũng tò mò, lén lút soi đèn pin tìm kiếm trong hang và mò dưới suối xem có kho báu hay không, nhưng cuối cùng lại trở về trong thất vọng khi đường vào hang cách biệt khu dân cư và đầy rẫy nguy hiểm.

Ốc biển được tìm thấy tại hang Phia Muồn.

Thế rồi theo thời gian, Phia Muồn bị quên lãng. Và câu chuyện nhuốm màu huyền thoại này được sáng rõ khi có đoàn công tác ở Viện Khảo cổ học, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang về xem xét, tìm hiểu và đưa ra nhận định có sự tồn tại của những ngôi mộ táng từ nghìn năm trước trong hang.

Phát hiện khảo cổ quý báu trong lịch sử

Để tìm hiểu rõ về những bí ẩn về hang Phia Muồn, chúng tôi tìm gặp PGS-TS Trình Năng Chung - Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về khảo cổ trong hang cổ này. Ông Chung đã cùng các cộng sự dành cả tháng trời khai quật khảo cổ trong hang Phia Muồn. TS Chung đã lặn lội, gõ cửa tìm đến nhà các bậc già làng, trưởng bản ở một số khu vực có dân sống gần đó để tìm hiểu về nguồn gốc và những truyền thuyết về hang Phia Muồn.

Theo kinh nghiệm làm khảo cổ của PGS - TS Trình Năng Chung, những hang động có di chỉ, mộ táng như Phia Muồn thường gắn liền với những huyền thoại. Để làm an lòng người dân bản địa và những người tham gia đoàn khảo cứu, ông Chung đã làm lễ cúng theo phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Sau khi làm lễ động thổ, ông trực tiếp bổ nhát cuốc đầu tiên để thăm dò. Khi đào sâu được khoảng 40cm, đoàn khảo cổ phát hiện nhiều công cụ bằng đá và các dấu tích cổ như: Than tro, vỏ ốc suối, ốc núi, các vật dụng sinh hoạt và nhiều xương động vật vương vãi.

Theo phán đoán ban đầu, với những dấu tích đã phát lộ, thì Phia Muồn sẽ có những di vật của mộ táng đi kèm. Ông Chung cho rằng, khi tiếp xúc với mộ cốt là đã động chạm tới nơi an nghỉ của tổ tiên. Ông nhắc các thành viên trong đoàn cần cẩn trọng và nhẹ nhàng hơn khi tiến hành cuộc thăm dò, đặc biệt khi gặp hài cốt người.

Theo PGS - TS Trình Năng Chung: Ngoài những vỏ ốc biển được tìm thấy tại hang Phia Muồn, chúng tôi còn tìm thấy 2 tầng văn hóa thuộc về thời kỳ hậu đá mới (cách đây khoảng 4.000 năm) và văn hóa Hòa Bình muộn (cách đây khoảng 6.000 năm). Giữa 2 tầng văn hóa này, người ta lại không thấy có sự cách quãng mà là sự nối tiếp liên tục giữa các thời kỳ. Đây cũng là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử Việt Nam.

Kết quả của cuộc khảo sát khá mỹ mãn, có thể nói Phia Muồn là một trong những nơi chứng minh rõ nhất về loài người thời tiền sử, đặc biệt là cách an táng người đã khuất. PGS - TS Trình Năng Chung cho biết, những bộ di cốt được an táng theo cách thức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cũng được các nhà khảo cổ đặc biệt lưu tâm tại hang Phia Muồn.

Tại ngôi mộ thứ nhất, đoàn khảo cổ tìm thấy một bộ di cốt trong tư thế nằm ngửa, phía dưới cổ đặt một nồi gốm to và những dấu vết ám khói. Người chết được rải đá dọc thân thể, chôn kèm theo là hàng chục công cụ tùy táng (trong khi đó, thông thường người chết thời kỳ này chỉ được táng kèm theo 1-2 công cụ).

Tại một ngôi mộ khác, các nhà khảo cổ lại phát hiện những đặc điểm rất đặc biệt. Xung quanh người chết được cắm dọc những phiến đá dài chừng 40cm tạo thành một huyệt mộ hình bầu dục. Hiện tượng này rất hiếm gặp, hầu như mới xuất hiện tại Việt Nam 1- 2 lần trong số hàng nghìn cuộc khai quật. Cho đến nay, tư thế chôn vẫn được các nhà khảo cổ Việt Nam xem là độc đáo hơn cả. Với tư thế hài cốt nằm nghiêng, bó gối, co tay tại ngôi mộ số 1 và 12 được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là cách an táng dựa trên quan điểm người chết sẽ trở về trạng thái ban đầu khi còn trong bào thai và hy vọng kiếp sau người chết sẽ được trở lại làm người.

(Theo Dân Việt)