- Nhiều lễ hội nổi tiếng của người Việt dường như đã không còn bóng dáng thiêng linh, mà chỉ nhìn thấy rặt điều “đau đớn lòng” vì sự ngộ nhận của người dân.


Giẫm đạp, chen chúc trong lễ hội để cướp hoa quả, đồ lễ sau màn tế lễ dòng tộc ở Đền Trần; bỏ tiền triệu, tiền trăm để mua lấy cân thịt trâu chọi sau hội chọi trâu ở Hải Lựu, Vĩnh Phúc; đường vào hội chùa Hương la liệt những hươu – nai – hoẵng thịt sẵn, treo lơ lửng khắp hàng quán thu hút sự hiếu kì và thú ẩm thực “độc” của kẻ có tiền… Những lễ hội nổi tiếng của người Việt dường như đã không còn bóng dáng thiêng linh, mà chỉ nhìn thấy rặt những điều đau đớn lòng như thế.

Khi văn hóa nằm trên bàn ăn

“Là lộc Thánh” – ăn để lấy may cả năm, ăn để có sức khỏe” là lý do phổ biến mà những công dân Việt của thế kỷ 21 đưa ra để giải thích cho hành động tranh cướp, đua nhau mua, xin “lộc” tại các lễ hội. Có người, không hiểu rõ, thấy người ta tranh, cũng ồ ạt lao vào đám đông.

Vì là “lộc” nên những thức ấy chỉ có hạn, là thức đặc biệt “cả năm mới có một lần” nên quý, hiếm, ai cũng cố kiết “kiếm” riêng cho mình, càng nhiều càng ít.

“Đây mà được coi là lễ hội sao? Khi văn hóa thì được chia năm xẻ bảy rồi nằm gọn trên bàn ăn. Các thế hệ sau này được học hỏi thêm về kiến thức tàn nhẫn của con người!”- một độc giả khi chứng kiến những hình ảnh phản cảm trong lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2013 đã phải thốt lên như thế. 

Thịt trâu bày bán la liệt tại lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Hàng chục phản thịt trâu được mở ra ngay tại lễ hội để phục vụ du khách. Những “Ông” trâu sau cả năm được nâng niu, nay vừa thi thố xong liền bị xẻ thịt không thương tiếc, bày bán la liệt, người bán tha hồ hét giá. Báo Tuổi trẻ còn phản ánh quan niệm “thịt trâu chọi, muốn ngon thì không rửa…” của người bán, thật hãi hùng!

Theo mô tả, để thịt trâu, các thợ thịt buộc hai dây điện vào mũi trâu, sau đó đóng cầu dao. Bị luồng điện giật, những ông Cầu to sừng sừng nằm chổng vó bốn chân lên trời. Có trường hợp giật lần thứ nhất ông Cầu không chết mà đứng dậy, khiến du khách đang đứng xung quanh được một phen kinh hồn sợ vì sợ ông Cầu điên lên. Phải sau 3 lần giật điện, các thợ thịt trâu mới hạ được ông Cầu này trong sự kinh hãi của nhiều dân địa phương lẫn du khách - trong đó có rất nhiều trẻ em. Máu trâu vương vãi trên nền, nước thải từ quán và một nhà vệ sinh ăn gần đó chảy ngang qua bãi mổ bốc mùi tanh hôi. Cộng với thời tiết buổi sáng trời mưa phùn, người đi lại nhiều khiến xung quanh bãi mổ trâu, đất lẫn phân nát như bùn và vương vãi khắp bãi mổ trâu…


“Sốc” vì những hình ảnh bẩn thỉu, tàn nhẫn xung quanh lễ hội này đã đành, nhiều người còn ớn lạnh khi nhìn những gương mặt người dân hoan hỉ mua được thịt, máu vô tình quệt ngang mặt trong đám đông hỗn tạp… Câu hỏi lớn đặt ra cho người dân và các nhà quản lý: Tinh thần lễ hội nào thể hiện qua những hình ảnh ấy?

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền khẳng định, người dân đang hiểu sai về lễ hội. Sự ngộ nhận về “thần thánh”, chùa chiền, lễ hội và lòng tham, ý thức vật chất đặt lên đầu là khởi nguồn của những hành xử thiếu văn hóa.

Ông chỉ rõ, mỗi lễ hội, mỗi tập tục đều chứa đựng những nét đẹp văn hóa hết sức quý giá, ẩn chứa chất trí tuệ sâu sắc của cha ông ta ngày xưa. Ông nói: “Tất cả đều có nghĩa nếu không chịu hiểu, không dùng trí tuệ để hiểu những tục lệ, những hèm… ở trong hội thì sẽ chỉ nhìn thấy đó là thứ vui chơi và gắn với” mê tín dị đoan mà thôi. Chính trong xu hướng bịt mắt – hay đúng hơn là bịt mắt trí tuệ sẽ chỉ còn một ước vọng gắn với cá nhân, vật chất. Tinh thần cơ bản của lễ hội là vấn đề tinh thần bị biến sang vật chất và dẫn đến nhiều tai họa.

Để đề phòng những tai họa có thể ảnh hưởng đến sinh mạng con người trong những lễ hội như thế này, cơ quan quản lý các lễ hội mỗi năm đều thông báo tăng cường lực lượng công an, trật tự, cứu hộ… để ổn định và duy trì trật tự. Nhưng những tai họa muôn đời vì mất mát những giá trị văn hóa cơ bản thì ai, cơ quan nào có thể đề phòng, cứu vãn được?

MT