Trừ ông bà nội, mọi người trong nhà đều thấy ngột ngạt bất chấp gia đình Tân từng lên TV như một điển hình của việc mấy thế hệ sống chung hạnh phúc.

Các gia đình tứ, ngũ đại đồng đường, bao gồm nhiều gia đình nhỏ sống chung với nhau với sự “lãnh đạo” của một bậc trưởng thượng khả kính, thường được ca ngợi như một biểu tượng của hạnh phúc. Nhìn toàn cục thì như vậy, nhưng nếu xét đến cảm giác của từng thành viên trong đó, nhất là bậc con cháu, lại chưa hẳn đã vậy.

Cười trên ti vi, khóc trong buồng kín

Cái dạo gia đình Tân mới được truyền hình “lăng xê” như một điển hình của việc gìn giữ giá trị truyền thống, các thế hệ sống chung với nhau hòa thuận, Tân luôn phải tươi cười, làm ra vẻ tự hào mỗi khi được ai đó có xem chương trình này hỏi thăm. Thế nhưng mấy người bạn thân của cô thì lại trêu với vẻ thấu hiểu: “Chà, ngày thường thì kêu stress vì phải sống chung với cả họ, thế mà lên ti vi trông phấn khởi ra trò”. Tân cười như mếu: “Thì cũng phải vậy chứ biết sao giờ”.

Đại gia đình Tân gồm ông bà nội, nay đã hơn 90 tuổi, bố mẹ chồng, vợ chồng con cái hai người anh trai chồng và vợ chồng cô. Tân chưa có con, còn hai người anh có tổng cộng 4 đứa trẻ. Họ sống trong khu đất rộng ở một quận mới của Hà Nội, nơi ngày xưa là làng. Mỗi lần có một đứa con trai cưới vợ, bố mẹ chồng Tân, theo sự chỉ đạo của ông nội, lại xây thêm một căn nhà trong khu đất. Hiện có tất cả 4 căn nhà quây quần quanh cái sân chung, theo đúng tinh thần đại đoàn viên của ông nội.

“Hồi trước, ngay cả buổi sáng cũng ăn chung cả nhà. Sau vì nhiều trẻ con quá, mỗi đứa một kiểu, mọi người nháo nhào về việc dụ chúng ăn, đưa đi nhà trẻ, đi học… nên ông nội mới cho phép mấy đứa trẻ và mẹ chúng được tự túc bữa sáng. Tất cả những người còn lại phải ăn sáng cùng nhau cho nó tình cảm”, Tân kể.

Thực đơn cho bữa sáng được mẹ chồng Tân chuẩn bị theo yêu cầu của ông nội tối hôm trước. “Ông ăn gì, cả nhà phải ăn cái đó. Không ai dám phàn nàn vì yêu cầu thêm một món là mẹ chồng lại vất vả làm thêm một món, hoặc mình phải hy sinh giấc ngủ, tự dậy mà làm. Ông nội không cho phép mua đồ ăn ngoài”.

Buổi trưa, những người đi làm công sở sẽ ăn tại cơ quan, nhưng buổi tối thì đại gia đình ăn chung tại phòng lớn. Các nàng dâu phải lo về sớm cùng nấu nướng với mẹ chồng. Ăn xong, phải ngồi hầu chuyện bố mẹ, ông bà, hàn huyên với các anh chị, chơi đùa với các cháu để thể hiện sự quan tâm, tình cảm khăng khít. “Hôm nào mình mệt quá, về phòng sớm một chút là hôm sau ông nội nhắc nhở ngay. Ông cứ than là bọn trẻ bây giờ ích kỷ và sống không có tình cảm”, Tân lè lưỡi.

Ảnh minh họa


“Sống chung như vậy, trăm điều ức chế, không có bất cứ cái gì được phép theo ý mình. Riêng chuyện ăn thôi đã khổ lắm rồi. Mình thèm phát điên các món nướng, hoặc đồ Tây, nhưng vì ông nội không thích nên nhà không làm. Nếu mình làm hay mua về là các cụ lại bảo nhà đầy thức ăn rồi, sao hoang phí vậy, rồi cứ chê bai mấy thứ đó ra gì mà ăn, khiến mình nuốt không trôi”, nàng dâu út than.

Giờ nghỉ trưa ở công ty quá ngắn, không đủ cho cô đi “ăn tươi” với chồng hay bạn bè. Còn nếu ăn “tranh thủ” sau giờ làm việc thì vừa về muộn, lại vừa bị “soi” vào bữa tối nếu người lớn thấy Tân kém ngon miệng.

Có lần, thèm sườn nướng BBQ, Tân vào nhà hàng mua hai suất, tối đóng cửa cùng ăn với chồng. Chẳng hiểu sao bà nội biết, hôm sau bêu riếu cô, khiến Tân vừa xấu hổ vừa ức, lao vào phòng khóc sưng cả mắt.

Căng như dây đàn vì “nhìn trước ngó sau”

Ngày lễ, ngày Tết, ngày có việc họ hàng, làng nước, ông Huân luôn ngẩng cao đầu, nở mày nở mặt nhận lời khen của mọi người rằng “nhà đại phúc”, bởi 4 anh con trai, 4 chị con dâu cùng chục đứa cháu sống với nhau một nhà mà vẫn hòa thuận, ấm êm. “Được thế là vì tôi dạy con, dạy cháu rất nghiêm, bản thân mình cũng luôn giữ mình đúng đắn, làm gương cho con cháu. Tôi bảo chúng nó là dù cuộc đời đổi thay ra sao, mình vẫn phải giữ lấy nền nếp gia phong”, ông Huân nói

Một trong những biểu hiện của nền nếp gia phong nhà ông Huân là anh chị em phải sống cùng nhau để đùm bọc, giúp đỡ nhau. “Nhà người ta không có chỗ ở mới phải chia năm sẻ bảy, nhà mình đất rộng, sao phải ly tán?”, ông nói.

Nhưng cảm nhận của các nàng dâu lại khác. Tuyết, dâu cả, tâm sự: “Tôi đã 47 tuổi, cũng gọi là già rồi, vậy mà chưa bao giờ có quyền của một người lớn thật sự. Đơn giản như mua sắm một cái gì đó cho bản thân hay chồng con, tôi vẫn phải theo chỉ đạo của bố mẹ chồng. Làm khác đi là không yên với các cụ".

"Vừa rồi, tôi phải đem trả cái ti vi chỉ vì mẹ chồng nói lên nói xuống, rằng phòng khách cũng có ti vi, phòng ăn cũng có tivi, sao lại còn mua riêng một cái trong phòng ngủ, không thấy sách báo nói đặt tivi trong phòng ngủ là phản khoa học sao. Khổ, nhưng nhà đông người, hai cái tivi chung ấy, có bao giờ tôi được xem chương trình mình thích đâu”.

Rồi chuyện ăn mặc, chuyện vui chơi giải trí, Tuyết và các chị em dâu cũng phải ngó mặt bố mẹ chồng mà làm. Nga, cô dâu út, phàn nàn: “Em thích đi xem kịch, xem ca nhạc nhưng cả nhà không ai đi cả, rủ chồng thì chồng bảo mình ăn mảnh làm sao coi được. Chuyện du lịch cũng thế, em rất mê tắm biển, nhưng gia đình em toàn chọn những chỗ gần, không có biển. Rủ chồng đi biển hai đứa là chuyện không tưởng, đến xem kịch còn kêu là ăn mảnh cơ mà”.

Nga phát hoảng khi nghĩ rằng, cả đời này, cô chẳng bao giờ được sống theo ý mình, cho dù những cái cô thích đều rất chính đáng và chẳng làm thiệt hại gì đến ai.

Phải sống chung mới là đoàn kết, yêu thương nhau?

Không chỉ các nàng dâu mới ngột ngạt với cảnh sống chung đại gia đình. Tiệp, một chàng trai trẻ mới lấy vợ, cũng rất muốn ra riêng nhưng không được chấp nhận: “Vợ chồng em đủ tiền mua nhà ở riêng, nhưng cả ông bà nội lẫn bố mẹ đều không chịu, bảo đừng phá hoại sự gắn kết gia đình. Các cụ không chịu hiểu rằng khi đã trưởng thành, ai cũng có nhu cầu có cuộc sống riêng tư, được sống theo cách của mình. Trong khi đó nếu sống chung thì người chủ gia đình bao giờ cũng là một vị sếp, thậm chí là vị sếp độc đoán, chỉ muốn mọi người làm theo ý mình”.

Theo chia sẻ của Tiệp, bố anh dù rất yêu thương các con nhưng lại không bao giờ coi con mình là người lớn để lắng nghe ý kiến của chúng. Hễ cái gì khác với quan điểm của ông thì ông lập tức coi là không tốt, từ chối nghe mọi lời biện giải, thuyết phục. Và tất cả phản ứng của con cái đều tịt ngóm khi ông giận dữ và thất vọng nói với giọng của ông bố bị con cái phụ lòng: “Tao làm tất cả cũng chỉ vì chúng mày thôi!”.

Tiệp biết rằng người vợ mới cưới của anh cũng đang phải chịu đựng rất nhiều, vì cô vốn quen với cuộc sống tự do, phóng khoáng. Ngoài xã hội, cô nổi bật và cuốn hút, được đàn ông khao khát và phụ nữ ghen tỵ, nhưng khi về nhà anh, tất cả ưu điểm của cô lại khiến cô mất điểm nghiêm trọng, vì bố mẹ anh chỉ thích các nàng dâu kiểu “truyền thống”: kém sắc sảo và không có chính kiến. Cô luôn bị “dìm hàng” và “bắt nạt”.

“Thực ra, chúng tôi không đoàn kết như bố mẹ vẫn tưởng. Giữa các chị em dâu vẫn xảy ra các cuộc chiến ngầm, nhiều lúc rất căng thẳng, và mấy anh em tôi đôi khi cũng bị cuốn vào”, Tiệp nói. “Dù các chị dâu của tôi đều rất tốt, vợ tôi cũng thế, nhưng sống chung với nhau ngày ngày như vậy, lại phải kìm nén nhiều ước muốn, sở thích cá nhân, mâu thuẫn rất dễ xảy ra và không có chỗ để xì bớt”.

Tiệp cho biết anh sẽ tìm cách để dần dần thuyết phục bố mẹ chấp nhận cho vợ chồng anh ra ở riêng. “Tôi đã thử nhiều cách mà chưa được, nhưng chắc sẽ có cách khác. Bố mẹ tôi cần hiểu rằng, không phải anh chị em sống xa nhau là vô phúc, cũng không phải chỉ sống chung mới là đoàn kết, yêu thương nhau”.

(Theo Xzone/TTTĐ)