- Không cần con phải “vâng lời”, chỉ cần con biết “hợp tác”, nhiều bậc cha mẹ Tây đã dạy con biết ứng xử văn minh lịch sự từng nếp ăn uống, ứng xử từ khi chúng còn rất nhỏ.
Thói hư tật xấu người Việt chỉ là khác biệt văn hóa!
Nghe Tây nói về thói "tham ăn tục uống" của nhiều người Việt
Ăn buffet, nhiều người Việt nhét bánh ngọt, cà phê vào túi... đem về
'Kỳ thị' người Việt: Có phải vô cớ?
Những mẩu chuyện về người Việt đọc xong… chỉ muốn “độn thổ”
Nhà ngoại giao kể chuyện người Việt xỉa răng giữa thủ đô Pháp
Rèn tính độc lập cho con
Tại Mỹ, nơi quyền con người - tự do cá nhân phát triển vô cùng mạnh mẽ, tính cách được rèn giũa nhiều nhất cho những đứa trẻ là tính “độc lập” – S.Paul (giảng viên ngành báo chí, đại học Mỹ) chia sẻ. Vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một người cha, Paul cho hay, từ trước khi quyết định có con, vợ chồng anh đã thảo luận và thống nhất về phương pháp giáo dục đứa trẻ khi nó ra đời. Việc này tất nhiên không hề dễ dàng. “Chúng tôi chấp nhận, tôn trọng con mình bằng cách: Cho con được toàn quyền lựa chọn từ đồ ăn, giờ ăn, giờ ngủ, sở thích... Cách giáo dục như vậy khuyến khích sự khác biệt, định hình cá tính và đẩy mạnh tính sáng tạo cho trẻ” – Paul giải thích.
Tôn trọng tối đa, nhưng đồng thời cũng hết sức kỷ luật. Từ nhỏ, đứa trẻ đã được dạy phải tuân thủ những quy tắc ứng cơ bản như: Tự ăn, tự chăm sóc mình nếu có thể, ăn uống, sinh hoạt đúng giờ, lịch sự nơi công cộng. Lúc con bắt đầu biết cầm, nắm để ăn, Paul và vợ hướng dẫn con mình cách tự xúc ăn. Đứa bé có thể còn ngượng nghịu, lóng ngóng thậm chí cáu kỉnh và bỏ cuộc. Nhiệm vụ của bố mẹ là phải kiên trì, hết lần này tới lần khác, vừa hướng dẫn vừa khích lệ, thậm chí biến bữa ăn thành “trò chơi”, để con có thể tập cho đến khi biết tự ăn thành thạo.
Ảnh minh họa |
“Con có thể ăn ít đi, mất nhiều thời gian để ăn xong hơn, ăn uống chật vật, bị dính bẩn lên người... nhưng không sao cả. Ở nhà, cháu được dạy biết lễ phép, tôn trọng và giúp đỡ bố mẹ. Ở những nơi công cộng như nhà hàng, siêu thị, thậm chí toilet công cộng, cháu cũng được hướng dẫn phải cư xử như thế nào cho “phải phép” – Paul nói. Nhờ thế, lúc con trai 3 – 4 tuổi Paul đã có thể yên tâm dẫn con đi ăn hàng mà không sợ cháu bé quậy phá. Suốt bữa ăn khoảng 30 – 45 phút, con trai anh có thể ngồi yên, ăn phần của mình hoặc im lặng chơi món đồ chơi yêu thích cho đến khi mọi người xong bữa. Paul kể, để rèn giũa được điều đó cho con, anh và vợ đã phải vượt qua những giai đoạn rất khó khăn. Từ nhỏ, họ đã phải dành tối đa thời gian để chơi đùa và giải thích cùng con về mọi thứ rất nhiều lần về các quy tắc ứng xử này.
Người lớn phải làm gương
“Phần lớn, trẻ nhìn cách người lớn cư xử để làm theo. Chúng sẽ thắc mắc, và nhiệm vụ của bố mẹ là giải thích và hướng dẫn chứ không phải áp đặt và lờ đi khi con vặn hỏi. Cha mẹ sẽ nhiều lần tức tối, nổi giận vì mất bình tĩnh khi đối mặt với một đứa trẻ bướng bình, nhưng điều quan trọng là không được mất kiểm soát tới mức dạy con theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Có nghĩa là, bạn đừng dạy đứa bé rằng cắn là thói quen xấu bằng cách cắn nó, dạy đứa bé đánh lộn là hành vi không thể chấp nhận bằng cách đánh nó, và hét vào mặt đứa trẻ để cho nó biết rằng la hét là đức tính xấu....” – Paul nói.
Paul dẫn ví dụ, một lần anh dẫn con trai 5 tuổi đi siêu thị. Hai cha con bất ngờ bắt gặp hình ảnh một em bé chừng ba tuổi đang kêu gào đòi mẹ mua cho một món đồ chơi. Người mẹ không kiềm chế được đã hét lớn: “Con không được hét lên ở đây! Dừng hét ngay lập tức!” Đứa bé không những không im lặng, mà còn khóc lóc, la hét to hơn, và người mẹ thì gần như mất bình tĩnh. “Tôi lặng người nhìn người mẹ, và nhìn xuống con tôi. Nó cư xử ngoan ngoãn bởi cha của nó thể hiện điều đó. Còn người mẹ kia đã dạy con mình một bài học tồi” – Paul nhớ lại.
Từ đó, anh càng lưu ý đến việc cẩn trọng trong mọi hành xử trước mặt con cái – nói phải đi đôi với làm. Với những bậc cha mẹ như vợ chồng Paul, khái niệm con “ngoan” không phải là “biết vâng lời”, mà chỉ cần con “biết hợp tác”. “Con trai tôi 5 tuổi nhưng cháu hiểu và thường biết hợp tác với bố mẹ trong những hoàn cảnh phổ biến” – Paul vui vẻ nói.
Những khi con trai ương bướng và bất hợp tác, anh không phạt con kiểu đe dọa, mắng mỏ, quy kết bé “hư đốn”, “tồi tệ”. Thay vào đó, anh sẽ nghiêm nghị sửa chữa, hoặc đánh vào sở thích của con để “dẫn dụ”: “Ví dụ, thằng bé có thể tự đi giày, nhưng có lúc nó mè nheo và “ra lệnh” cho bố mẹ. Thông thường chúng tôi sẽ nghiêm nghị gợi ý cho bé đặt câu hỏi lễ phép hơn, hỗ trợ bé tự đi chứ không làm hộ.
Khi bé phạm lỗi như nói dối, bỏ ăn, vô kỷ luật, chúng tôi phạt bé bằng cách cắt giảm đồ chơi, trò chơi và giờ chơi, sở thích của bé. Điều cấm kỵ lớn nhất khi phạt trẻ là quát mắng, đánh đòn hoặc đe dọa, quy kết bé “hư đốn”, “tồi tệ”... Bởi trẻ con thì vẫn là trẻ con, vẫn còn rất non nớt. Đứa trẻ biết rằng chúng được cha mẹ tôn trọng và chấp nhận, chúng sẽ mang cái tôi rất lớn và có thể dẫn đến thiếu tôn trọng cha mẹ và người lớn tuổi. Là cha mẹ, chúng ta phải tỉnh táo và nghiêm khắc với con đúng lúc”.
Minh Tâm
Bạn nghĩ gì về câu chuyện này? Bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm hay về cách dạy con thành người văn minh theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email doisong@vietnamnet.vn! Trân trọng cảm ơn! |