- Nhiều lần đi làm về, chị bắt gặp con chơi rất vui vẻ với những đứa trẻ hàng xóm mà bảo chơi với em thì nhất định Tít không chịu. Bực quá nên chị đã mắng con và hỏi tại sao không chịu chơi với em. “Em là cục vàng của bố mẹ con không dám động”, chị sửng sốt trước câu trả lời của thằng bé.

Cưới nhau được một năm thì vợ chồng anh chị Dũng - Hòa (Từ Liêm, HN) sinh cu Tít. Vì lúc ấy kinh tế vẫn còn đang chật vật nên mãi 6 năm sau khi mọi thứ đã ổn định anh chị mới “làm tiếp tập hai”.

Chị Hòa bảo “Kinh tế là một chuyện, vả lại cũng muốn sinh thưa như vậy để lúc ấy đứa lớn biết nhường nhịn đứa bé. Chứ không như một số nhà anh em bé bằng nhau cứ tranh giành mệt lắm”.

Sinh thêm đứa bé nhưng chị Hòa không hề xao nhãng chuyện chăm sóc đứa lớn. Vậy nên khi mẹ sinh em, lại là một thằng cu, Tít nhà chị vui lắm. Nó hớn hở chạy khắp ngõ để khoe “mẹ cháu sinh em để cháu có người đá bóng cùng đấy nhé”. Chưa khi nào nó tự ái vì bố mẹ mải chăm em còn cho nó ra rìa. Và mọi chuyện chỉ bắt đầu khi thằng cu bé nhà chị Hòa biết chơi biết nói.

Là anh thì phải nhường nhịn em

Lúc này trong tư tưởng của chị Hòa, cu Tít đã lớn rồi nên không cần phải chiều chuộng như trước. Mà chị luôn miệng dặn nó phải nhường nhịn em. Cứ mỗi lần hai anh em chơi trò gì cùng nhau mà cu Tít thắng, chị lại mắng nó “em bé anh phải nhường em thắng chứ”. Vậy là chơi trò gì Tít cũng luôn phải nhường em thắng nếu không sẽ bị mẹ mắng hoặc em khóc ầm lên ăn vạ.

Làm anh thật khó. Ảnh minh họa: eva.vn

Không chỉ trong trò chơi mà bất cứ việc gì chị Hòa cũng bắt Tít phải nhường em. Tít đang học bài mà em đòi ngồi vào bàn, đuổi anh ra chỗ khác, mẹ cũng bảo Tít phải nhường: “Con nhường em một lúc thôi cho em vui, em bé anh phải chiều em chứ”.

Mỗi lần như thế Tít ấm ức cũng chẳng còn hứng thú nào mà ngồi vào bàn học. Hậu quả là bị cô giáo góp ý với bố mẹ. Giận quá nên chị Hòa mắng con, thằng bé nghe mẹ mắng anh thì chạy lại bàn học xé toạc vở của anh và mắng theo mẹ “học thế thì cho nghỉ”.

Làm em thì luôn luôn đúng

Cái tư tưởng “anh phải nhường nhịn em” ấy của chị không sai nhưng chị áp dụng vào việc dạy hai đứa con lại sai hoàn toàn. Với chị thì không cần biết đứa lớn đã làm gì, nhưng cứ để em khóc là chị lại mắng đứa lớn bất kể sai đúng thế nào.

Nhiều lần đi làm về nghe thấy đứa bé khóc toáng lên chạy ra mách mẹ, chị chẳng hỏi rõ ngọn ngành đã quát ầm lên “Sao con cứ trêu em là thế nào hả?”. Thằng bé vừa định giải thích thì đã bị mẹ chặn ngang “Con im đi! Từ sau còn trêu em thì con chết với mẹ”. Và lại vẫn “bài ca muôn thuở” “Mình được chiều mãi rồi bây giờ em bé mình phải chiều em chứ”.

Thằng em vẫn chưa hết tức nên xúi mẹ đánh anh, chị cũng giả vờ đánh cho nó vui. Thấy thế thằng em cũng xông vào còn thằng anh chỉ biết bo đầu chịu trận vì mẹ đã bảo “phải nhịn em”.

Có lần chị bóc hộp sữa tươi nhưng thằng em nhất định đòi uống loại khác. Vậy là đương nhiên cái hộp sữa mà thằng em “không thèm” ấy lại nhường cho thằng anh vì nó lớn rồi, không được mè nheo như em. Nói chung là em bỏ, em chán cái gì thì lúc ấy sẽ đến lượt anh. Lúc nào nó cho anh đồ chơi gì là như kiểu ban ơn, mẹ bắt cu Tít phải vui mừng ra mặt và tỏ thái độ biết ơn em.

"Dạy con không phải lối"

Trước đây cu Tít háo hức chơi với em bao nhiều thì nay nó e dè bấy nhiêu vì chỉ sợ không làm vừa ý em lại bị mẹ mắng. Nó trở nên lầm lì ít nói hơn, cũng không nói chuyện gì cùng mẹ vì nó nghĩ mẹ có bao giờ nghe nó nói đâu. Nó mặc kệ cho thằng em mình “làm mưa làm gió gì cứ làm”.

Hàng xóm có góp ý cách dạy con thì chị Hòa bảo “Nó còn bé nên chiều, ngày trước thằng Tít còn được chiều và hư hơn thế. Lớn khắc tự thay đổi”. Chị cứ nghĩ cu Tít ít nói và không tranh giành với em nữa là chị đã dạy con đúng. Chị không thể biết rằng từ lâu Tít cảm thấy ghét thằng em của mình. Thậm chí cứ thấy em lại gần là nó lại lảng tránh đi chỗ khác hoặc đuổi em đi.

Nhiều lần đi làm về bắt gặp con chơi rất vui vẻ với những đứa trẻ hàng xóm, mà bảo chơi với em thì nhất định Tít không chịu. Bực quá nên chị đã mắng con và hỏi tại sao không chịu chơi với em. “Em là cục vàng của bố mẹ con không dám động”, chị sửng sốt trước câu trả lời của thằng bé.

Đúng lúc ấy chồng chị cũng đón thằng em của Tít đi học về. Nó ngồi sau gào khóc rồi cào cấu vào người bố. Hỏi ra mới biết cu cậu chơi trò chơi với bạn trong lớp bị thua, mà lâu nay được anh nhường thắng quen rồi nên nó nghĩ ai cũng phải nhường nó thế.

Lúc ấy chị mới chợt ngộ ra, hóa ra bao lâu nay chị chiều con, dạy con không phải lối. Nhìn thằng lớn nước mắt lưng tròng, chị mới nhận ra bao nỗi ấm ức lâu nay con chị phải chịu. Còn thằng bé vẫn luôn miệng gào khóc đòi “bố mẹ đánh bạn thắng con”. Chị không biết sẽ dạy lại đứa con “lớn mà không thay đổi” như chị nghĩ thế nào.

M.T