- Khoản tiền đổ vào “ma men” của nhiều ông chồng thậm chí còn nhiều hơn cả số tiền đóng góp cho sinh hoạt gia đình, nuôi con.
Tiền nhậu nhiều hơn tiền đưa vợ
Các tin liên quan |
Chiều nào cũng “mài mặt” trên một quán bia gần công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, khi được hỏi vì sao “cống” lương cho vợ rồi mà “nguồn” nhậu của anh vẫn dồi dào thế, anh Hoàng Công phá lên cười rồi nói nhỏ “Phải có quỹ đen chứ!”.
Anh Công bảo lương cứng của anh 8 triệu, mỗi tháng anh đưa vợ 6 triệu cho chi
tiêu gia đình, 2 triệu để anh đổ xăng, ăn trưa, tiêu vặt. Còn tiền ăn nhậu thuộc
về nguồn thu nhập khác.
Là dân thiết kế đồ họa, công việc ở công ty không nhiều nên tháng nào anh cũng
nhận hợp đồng làm ngoài. Tháng được dăm triệu, tháng được chục triệu nhưng anh
đều dấu vợ cho vào “quỹ đen”.
“Thằng nào chả thế, đưa vợ hết có mà móm à. Còn phải cà phê, bia bọt gặp gỡ bạn bè chứ. Chẳng lẽ đưa hết rồi mỗi lần đi đâu lại chìa tay xin vợ?”, anh Công nói.
Anh Công tiết lộ, anh thường nhậu với 2 nhóm bạn, một nhóm là bạn đồng
nghiệp, một nhóm là bạn học đại học. Mỗi chầu nhậu cả nhóm tầm 5-6 người tốn
khoảng 1,5-2 triệu đồng.
“Thường thì lệ quyên mỗi người vài lít (trăm nghìn – PV). Hôm nào ai trúng quả
đậm thì mời cả mâm”, anh Công cho biết.
Còn với Long, 28 tuổi, một công chức nhà nước với mức lương hơn 4 triệu đồng nhưng đều đặn tuần nào cũng đi nhậu 3-4 ca. Lương anh ngoài chi xăng xe, nước nôi, phần còn lại rót hết vào quán nhậu. Thỉnh thoảng còn phải chìa tay xin bố mẹ “trợ cấp” vì lỡ tiêu âm.
Vợ chồng Long ở với bố mẹ, lại chưa có con nên anh “bơ” luôn khoản đóng góp cho gia đình. “Cơm nhà nuôi không mất tiền, tiền của vợ vợ tiêu, tiền của mình mình tiêu. Thỉnh thoảng bà già còn cho thêm tí chút vì thương lương mình èo ọt”, Long không ngại ngần nói.
Càng nghèo càng ham nhậu
Dù kinh tế suy giảm, chi phí cho bia rượu của người Việt vẫn gia tăng. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp sản xuất bia Việt Nam, năm 2012 cả nước tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia, ước tính tương đương với khoảng 3 tỷ đô la. Tạm tính tiền đồ nhậu mất khoảng 3 tỷ đôla nữa, thì hàng năm chúng ta đã “quăng” 6 tỷ đôla vào hơi men.
Cũng theo sự thống kê này, Việt Nam vẫn giữ vị trí nước thứ ba có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc.
Còn theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với gần 2,6 tỷ lít trong năm 2011. Công ty sản xuất bia danh tiếng Kirin Holdings (Nhật Bản) ghi nhận: Việt Nam nằm trong nhóm 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, sản lượng tiêu thụ tăng 15% mỗi năm.
Việc nhậu nhẹt của đàn ông nếu “làm ra tiền” có lẽ cũng đáng coi là bình thường. Nhưng phần lớn đàn ông vào quán nhậu chỉ để trốn việc nhà, bù khú bạn bè cho thỏa ý thích chứ ít khi vì “giải quyết công việc”.
“Nhậu vì có bạn hợp cạ, nhậu vì chiều lòng sếp, nhậu để ký được hợp đồng, nhậu để tụi bạn không gán cho cái mác ‘sợ vợ’. Trời đẹp đẹp mát mát thì đi nhậu cho vui, mưa gió bão bùng thì nhậu cho đỡ buồn, thiếu gì lý do”, anh Long lý giải về thói quen đi nhậu của mình.
Những con số “giật mình” liên quan đến rượu bia Theo một nghiên cứu đánh giá tình hình sử dụng và lạm dụng bia rượu tại Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành, 63% người sử dụng rượu bia là nam giới, trong đó trí thức lại là nhóm có tỷ lệ sử dụng cao nhất. Người Việt tiêu thụ 1,3 tỷ lít bia và hơn 300 triệu lít rượu hằng năm, tức là bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể phí tổn điều trị các bệnh và tai nạn giao thông do lạm dụng rượu bia gây ra. Theo một công bố tại hội thảo liên quan đến an toàn giao thông do UBATGTQG tổ chức cuối năm 2011, tại Việt Nam, 60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu, ngộ độc rượu bia, chiếm gần 22% các loại ngộ độc; 7% số bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu bia... Bạo lực gia đình do các ông chồng nghiện bia rượu ngày càng nghiêm trọng, tội ác giết người cũng có từ nguyên nhân này. Nhiều gia đình tan nát, nhiều ông chồng phải vào tù vì bia rượu. Ngoài ra, các vụ án đâm chém, giết người do say xỉn thường xảy ra. |
Kim Minh
(còn tiếp)