- “Tôi nghĩ ăn thịt chó không ảnh hưởng gì đến văn hóa Việt Nam. Cái ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam hiện nay là sự thiếu ý thức của con người đối với thiên nhiên, đối với các di sản văn hóa, đối với chính con người với nhau và đối với xã hội mình đang sống trong đó”.

>> Toàn cảnh cuộc tranh cãi nảy lửa về ăn thịt chó 

Đặt ra vấn đề nhân văn dễ xúc phạm người ăn thịt chó

Dưới con mắt của một nhà thơ, một người làm văn hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm của mình về chuyện ăn thịt chó của người Việt, cũng như những tranh cãi qua lại xung quanh chủ đề này.

Trong khi nhiều người đặt vấn đề “văn hóa”, “nhân văn”, “đạo đức”… khi nói đến chuyện ăn thịt chó thì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phủ nhận. Ông khẳng định: Ăn thịt chó chẳng phải là vấn đề nhân văn mà cũng không phải là vấn đề văn hóa. Đó chỉ là chuyện ẩm thực thông thường mà thôi. Nếu ai đó đặt ra vấn đề nhân văn thì dễ xúc phạm người ăn thịt chó. Và nếu ai đó đặt ra vấn đề văn hóa thì là một quan niệm sai lầm và trầm trọng hóa một chuyện rất đơn giản.

{keywords}
Ảnh minh họa.

 

Chúng ta nên biết rằng: Không phải tất cả những người Việt Nam đều ăn thịt chó. Thực tế cho thấy, càng ngày càng có nhiều người đã bỏ ăn thịt chó với những lý do riêng của họ. Tôi có nghe nhiều ý kiến lâu nay từ những người nước ngoài về việc giết chó và ăn thịt chó của chúng ta. Hầu hết người nước ngoài không ăn thịt chó và trong thâm tâm mình, họ quả thực “kinh sợ” việc đó. Nhưng họ không có thái độ quá khích với người Việt Nam trong vấn đề ẩm thực này.

Người Việt chúng ta ăn nhiều thứ mà người nước ngoài không ăn, nhưng họ không đề cập đến các món ăn đó như thịt chuột, thịt mèo, thịt rắn, thịt cóc nhái… mà chỉ đề cập đến việc ăn thịt chó. Lý do thật đơn giản vì con chó là con vật duy nhất gần gũi với con người. Và cũng vì người nước ngoài yêu chó vô cùng. Loài chó thực sự có mối quan hệ tình cảm với con người mà những con vật khác không có được. Ngay ở Việt Nam cũng có bao chuyện xúc động về mối quan hệ giữa con người và con chó. Nhiều người Việt Nam thích thịt chó nhưng không bao giờ giết chó nhà mình nuôi để ăn thịt. Chuyện đó có vẻ mâu thuẫn nhưng nó đã nói lên một điều gì đó.

3 lý do nên bỏ thịt chó

Tin rằng ăn thịt chó không ảnh hưởng gì đến văn hóa Việt Nam, nhà thơ chỉ ra cái ảnh hưởng đến văn hóa Việt chính là “sự thiếu ý thức của con người đối với thiên nhiên, đối với các di sản văn hóa, đối với chính con người với nhau và đối với xã hội mình đang sống trong đó”. Đồng thời, ông chia sẻ quan điểm của mình về chuyện nên – hay không nên bỏ ăn món khoái khẩu này của người Việt.

“Ăn thịt chó là một khoái khẩu lâu đời của người Việt. Đó có thể là một thói quen. Có những thói quen nhiều đời mà đến nay chúng ta đã bỏ. Vậy thói quen ăn thịt chó chúng ta có bỏ được không? Câu trả lời là có. Tôi không phản đối những người ăn thịt chó nhưng tôi ủng hộ những người không ăn hoặc bỏ thịt chó. Nếu bây giờ một người nói với tôi rằng hãy thuyết phục anh ta để anh ta bỏ thịt chó thì tôi sẽ thuyết phục anh ta bằng những lý do nào? Tôi sẽ đưa ra ba lý do:

Lý do thứ nhất: Thiếu thịt chó cũng không làm cho cuộc đời chúng ta phải mất cân bằng hay đau đớn.

Lý do thứ hai: Con chó quả thực là con vật có tình cảm đặc biệt nhất với con người. Đôi khi nó còn có tình cảm với cá nhân một ai đó hơn cả một con người bên cạnh mình.

Lý do thứ ba: Không ăn thịt chó không nghĩa là chúng ta làm theo ý thích của những người nước ngoài mà chỉ là hành động hòa đồng với thế giới mà thôi. Đừng đánh mất bản sắc văn hóa Việt. Nhưng hãy nhớ rằng ăn thịt chó không bao giờ là một nét trong văn hóa Việt cả”.

Chia sẻ về cảm nhận, suy nghĩ về việc du khách pháp dọa tẩy chay du lịch Việt Nam vì thịt chó, ông nói: “Sau khi đọc những lời bức bối và cực đoan của một du khách Pháp đến Việt Nam về chuyện ăn thịt chó của người Việt Nam, tôi không đồng tình với tất cả những suy nghĩ của du khách đó. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta không nên trương các biển hiệu nhà hàng thịt chó ở những nơi công cộng trong thành phố mà có nhiều du khách nước ngoài lui tới. Việc này chỉ là hành động văn hóa của chúng đối với một số việc, một số hình ảnh nhạy cảm với những vị khách có một nền văn khác mà thôi. Có những việc chúng ta không thể lấy quyền tự do, dân chủ để công khai mọi ý thích của chúng ta. Ví dụ, chúng ta không thể dọn một mâm cỗ một nửa là thịt chó với mắm tôm cho chúng ta ăn và nửa kia là thịt gà cho các vị khách nước ngoài ăn.

Có người Việt đã lên tiếng đề nghị có luật cấm ăn thịt chó. Tôi thấy đó là ý kiến cực đoan và có vẻ phiến diện. Nhưng tôi rất vui khi chúng ta không ăn thịt chó nữa”.

Quỳnh Anh (ghi)