Sau một bức thư của du khách người Pháp về việc ăn thịt chó, nhiều người đã phản hồi thể hiện những quan điểm khác nhau. Đây không phải lần đầu tiên món thịt chó, một nét nhỏ trong văn hóa ẩm thực của chúng ta lại gây nhiều tranh cãi đến vậy.

>> Toàn cảnh cuộc tranh cãi nảy lửa về ăn thịt chó 

Ai cũng biết nền văn hóa phương Tây có nhiều khác biệt với văn hóa phương Đông. Có một số người từng nói đùa rằng, trong cuộc sống, người phương Tây thường có thứ tự ưu tiên như sau: đứng đầu là phụ nữ, tiếp đến là thú cưng, và cuối cùng mới là đàn ông. Lời nói này không hoàn toàn đúng, nhưng cũng hàm ý rằng họ rất yêu quý các động vật nuôi. Đối với họ, các loài động vật nuôi, nhất là chó, luôn giữ một vai trò đặc biệt trong gia đình, được như một người bạn trong nhà. Họ chủ yếu nuôi các loại chó để làm cảnh, làm bạn. Chó có thức ăn riêng, bác sĩ riêng, chế độ chăm sóc riêng. Thậm chí, người ta còn ôm hôn và cho chó ngủ cùng. Bởi vậy, họ không bao giờ ăn thịt thú cưng, và coi việc giết mổ chó một việc vô cùng ghê sợ và đáng lên án.

{keywords}

Thịt chó vốn là món ăn từ xưa của người Việt 
Nhưng dường như những điều đó còn nhiều xa lạ với người Việt Nam. Từ xưa, chúng ta không nuôi chó để làm cảnh, mà dùng để trông nhà, giữ gìn tài sản, cũng giống như nuôi trâu đi cày, nuôi mèo bắt chuột. Chúng không có đồ ăn được chế biến riêng, mà ăn tất cả những gì là cơm thừa canh cặn của con người. Đây là một cách để không lãng phí thức ăn… Cho đến ngày nay, khi kinh tế phát triển, thì các loại chó nuôi cảnh mới phổ biến ở khu vực thành thị.

Dẫu biết rằng loài chó trung thành, được người dân các nước phương Tây yêu quý, nhưng đối với đất nước nông nghiệp như chúng ta, thì loài chó cũng được coi như bao loài vật khác, nuôi để phục vụ nhu cầu sống của mình, và tất nhiên có cả việc giết mổ. Như vậy, đối với người Việt Nam, việc ăn thịt chó không có gì là đáng lên án. Chỉ có điều cũng giống bao món ăn khác, có người thích ăn, người không thích ăn mà thôi. Từ xưa, trong quan niệm của chúng ta, dù ăn thịt loài vật nuôi nào, thì điều đó cũng không có gì là khác nhau, và không ảnh hưởng đến đạo đức con người.

Thiết nghĩ, mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau, sinh ra những quan điểm, lối sống khác nhau. Nếu chúng ta chưa văn minh bằng các nước phương Tây, chưa giàu có bằng họ, đó là do điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội. Đâu phải vì ta ăn thịt chó thì có nghĩa là kém văn minh hơn. Cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy nếu tiếp tục ăn thịt chó thì khách du lịch sẽ không đến nước ta nữa. Có lẽ nhiều người còn nhớ đến ông Jiri Kaspar, một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ nguội của Cộng hòa Czech, rất thích món thịt chó của Việt Nam. Jiri Kaspar gần như là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng sản xuất thịt chó hun khói tại nước ta. Đối với ông, thịt chó cũng là một loại thịt bổ dưỡng như những loại thịt khác. Trên thực tế, không ít người Tây khác cũng đã thử ăn và cảm nhận món thịt chó mà đất nước họ không ăn. Họ chấp nhận việc ăn thịt chó ở nước ta và một số nước khác là điều hoàn toàn bình thường.

Tôi không phản bác lại du khách kia, nhưng vẫn giữ quan điểm của mình. Đó là ăn thịt chó không có gì sai trái. Có nên áp đặt văn hóa của họ vào nước chúng ta, để rồi lên án, từ bỏ thói quen không có gì xấu của chính mình? Chúng ta đã ăn thịt chó từ rất lâu đời. Điều ấy không trái với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của chúng ta. Vậy tại sao phải ngừng ăn thịt chó?

Độc giả Tình Linh