Được bố mẹ chồng dạy là hạnh phúc rồi. Nhiều lúc các cụ chẳng phải muốn tốt mà nói đâu. Nói vì ghen đấy, cho bõ tức đấy. Con trai mẹ nuôi cả đời, giờ đi yêu thương con khác, phục vụ con khác thì mẹ nào chả ghen...

Đọc bài viết “Đạo làm dâu “suy đồi” là do phụ nữ quá ích kỷ” đã bực nhưng không thèm nói, giờ thêm bài “Đã là thân con gái thì phải “làm vợ”!” thì tôi không nhịn nổi nữa. Tôi chẳng ế chồng, chẳng li dị, ngược lại được chồng và gia đình chồng hết mực thương yêu.

Trước tiên tôi hỏi các anh đã làm tròn đạo làm rể chưa? Hay “dâu là con, rể là khách”. Bố mẹ chúng tôi sinh con ra, 23 năm “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, tốn bao nhiêu tiền nuôi ăn, nuôi học đến khi đủ lông đủ cánh thì đi lấy chồng. Rồi sinh con, mang nặng đẻ đau nhưng con mang họ chồng chứ có mang họ vợ đâu. Liệu sau bao hi sinh đó của nhà ngoại chúng tôi lại làm ngơ, chỉ chăm chăm lo cho nhà chồng.

Anh Phạm Kiên bảo “Con gái đã đi lấy chồng thì chẳng khác nào bát nước đổ đi”, anh không thấy nói như thế là bất hiếu à? Các anh là con, chúng tôi cũng là con, cũng được bố mẹ sinh ra cả mà. Tại sao phụ nữ phải rình rang, lơ là việc nhà chồng để chăm cho bố mẹ đẻ? Các anh có hiểu không hay để tôi nói cho các anh hiểu. Vì những người chồng gia trưởng, luôn ích kỷ nghĩ cho bản thân và nhà mình mà cấm đoán này nọ nên họ mới phải giấu giếm. Riêng vợ chồng tôi chẳng bao giờ nạnh nhau về việc này, chồng tôi chăm lo cho nhà ngoại, tôi chăm lo cho nhà nội. Anh làm tốt thì tôi cũng làm tốt, anh lơ là thì tôi cũng lơ là. Như thế nên cả 2 chúng tôi đều làm tròn đạo hiếu mà chẳng ai nạnh ai. Thỉnh thoảng mẹ tôi nấu món gì ngon, lạ cũng gọi tôi về và gửi về bên nội cùng ăn cho vui. Cuộc sống vậy có phải vui không, sao cứ phải so bì nội ngoại. Việc anh coi thường nhà ngoại là sai tập 1 nhé.

Mỗi thời mỗi khác, mẹ anh sinh nhiều con rồi có phải chăm ngày 6 bữa như bây giờ không? Con gầy đi 1 tí có xót như bây giờ không? Con đi học có phải dạy cái này dạy cái kia để không thua kém bạn bè không? Hay là các cụ sinh ra, cũng chăm đấy nhưng làm gì vất vả như bây giờ. Ừ, cứ cho là anh nói 1-2 đứa con thì có thấm gì so với vất vả của các cụ ngày xưa. Vậy tôi đề nghị anh và vợ anh thử đổi vị trí cho nhau khoảng 1 tuần thôi.

Như thế anh sẽ hiểu cho nỗi khổ của các bà vợ khi không được người thân giúp chăm sóc con cái. Tại sao các bà vợ hay kêu ca? Chăm sóc con là hạnh phúc của người vợ, thì chăm sóc cháu là hạnh phúc của ông bà. Sao ông bà về hưu rồi giữ cháu cũng khó khăn vậy sao? Bố mẹ chồng tôi cứ thấy cháu là vui rồi. Mệt mấy thì mệt nhưng có tiếng trẻ bi bô là ông bà thích, vắng cháu là thấy nhớ, thấy buồn. Cháu ở xa thì ngày nào cũng gọi điện hỏi cháu có ăn được không?

{keywords}
Ảnh minh họa.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bố mẹ anh để vợ anh lo hết thì bà vợ nào chẳng xị mặt ra, thêm vào ông chồng không biết giúp vợ. Mẹ chồng tôi thì ngược lại, sáng ra bà còn chuẩn bị đồ ăn sáng cho con dâu, dắt xe cho con dâu đi làm, cuối tuần cho con dâu ngủ dậy muộn tí vì biết sức khoẻ nó yếu. Cũng vì thế mà tôi lúc nào cũng thương ông bà như bố mẹ mình. Mẹ chồng cao tay thì con dâu sẽ phục mà. Nản tập 2 với gia đình anh.

Còn việc, được bố mẹ chồng dạy là hạnh phúc. Vâng, nhiều bà mẹ chồng cũng ghê gớm lắm, xin lỗi chứ nhiều lúc còn đặt điều vu khống con dâu cơ. Con dâu biết điều thì còn im lặng, mẹ chồng cũng nên biết đó là hạnh phúc. Xin lỗi anh, chứ ở nhà bố mẹ đẻ nói sai thì chúng tôi không bật lại chắc. Sang nhà chồng biết im lặng là ngoan lắm rồi đấy. Hơn nữa, nhiều lúc các cụ chẳng phải muốn tốt mà nói đâu. Nói vì ghen đấy, cho bõ tức đấy. Con trai mẹ nuôi cả đời, giờ đi yêu thương con khác, phục vụ con khác thì mẹ nào chả ghen. Tập 3 anh thấy anh đúng không?

Xin lỗi anh chứ, anh là đàn ông mà ngoa hơn đàn bà. Sau này vô phúc con tôi mà lỡ yêu con anh thì tôi cũng xin nhớ cái tên Phạm Kiên mà cấm đoán chúng. Hoặc rằng chúng có lấy nhau thì tôi cũng gom góp cho chúng ra ở riêng thôi. Không thì anh lại đưa chúng tôi ra anh chửi. Hở ra 1 tí là đưa bố mẹ vợ ra chì chiết, nào là không biết dạy con, nào là nuông chiều con cái. Bố mẹ nào cũng là bố mẹ, con thì phải làm tròn đạo hiếu.

Chồng tôi và tôi tin còn rất nhiều ông chồng có phúc hơn anh, không phải dạy vợ đâu nhưng gia đình luôn êm ấm. Mẹ chồng con dâu còn hoà thuận hơn cả mẹ con đẻ. Nhiều lúc giơ cao đánh khẽ để người ta phục còn hơn chua ngoa để người ta không thèm chấp anh ạ. Vợ anh nhịn cho xong chứ chẳng phục anh đâu. Cũng chẳng tự hào đâu anh ạ.

Bạn đọc Thương (Nghệ An)