- Càng nhiều trải nghiệm, nhiều sự thừa nhận về vị trí, chúng ta càng khó thích nghi với những điều khác với nếp nghĩ thông thường của mình.

Thú thật, tôi cũng là người hay lang thang mạng xem tin cả nghiêm túc lẫn nhảm nhí. Sau một ngày mệt mỏi vì công việc, ngó thiên hạ làm cái gì, chơi cái gì, ăn cái gì, bật cười sảng khoái. Như nhiều người khác, đã nhìn thấy “Bà Tưng”. Tôi đã xem, đã cười, và đã quên. Tôi đã quên hẳn nếu không có việc hôm nay người bạn tôi rất trân trọng yêu quý, người đã không từ chối giúp đỡ tôi bao giờ, đặt tôi một bài về “Bà Tưng”. Và tôi đã thật là khó khăn khi phải nói về chủ đề này.

Tôi nhớ một bài học của người thầy tôi yêu quý về sáng tạo cách đây nhiều năm. Bài học đó là gọi tên sự vật không đúng với tên sự vật. Thầy yêu cầu học viên bỏ ra sàn nhà các vật dụng như cặp tóc, thắt lưng, áo khoác, tất, giấy, bút… sau đó, từng người một đi quanh đám vật dụng ấy, lấy tay chỉ vào từng vật nhưng lại gọi nó bằng một cái tên khác, ví dụ như giấy thì có thể gọi là mái nhà, áo thì gọi là tàu thủy, cặp thì gọi là bánh gato. Với tôi bài học này quá khó, tôi chỉ gọi được khoảng 10 vật dụng với tên gọi khác, rồi… tịt.

Trong khi ấy, các bạn trẻ thì làm rất tốt. Họ có thể thay đổi tên gọi theo liên tưởng cá nhân các bạn ấy với hàng trăm thứ một cách đáng ngạc nhiên. Sau này, tôi đã nhiều lần sử dụng bài tập này ở các lớp học và luôn bất ngờ với các kết quả khác nhau của nó. Những người nông dân, các cán bộ cộng đồng làng xã thì có thể dễ dàng gọi sự vật theo một cái tên mới tự họ nghĩ ra, rất nhanh. Càng những ai học hành nhiều, bằng cấp cao, vị trí xã hội cao, thì sự sáng tạo này càng hạn chế.

{keywords}
Hình ảnh một Huyền Anh ngoan hiền và một bà Tưng nổi loạn.

Càng nhiều trải nghiệm, nhiều sự thừa nhận về vị trí, chúng ta càng khó thích nghi với những điều khác với nếp nghĩ thông thường của mình. Bởi trải nghiệm càng dài, thì bên cạnh kinh nghiệm là sự bảo thủ, cố chấp, ngại thay đổi cũng như khó chấp nhận sự thay đổi. Và có một hệ lụy nữa là tinh thần ấy có thể được chuyển đến cho những người mà chúng ta có sức ảnh hưởng. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy có nhiều bạn trẻ nhưng phát biểu như những ông/ bà cụ non.

Sau bài tập thất bại ấy, tôi đã phải dừng lại suy nghĩ rất nhiều về bản thân mình. Tôi hiểu rằng mình có quá nhiều định kiến. Và điều đó cản trở sức sáng tạo. Bài học tưởng như đơn giản ấy nhưng thầy tôi đã giúp tôi tìm đến tự do và sáng tạo. Mình chỉ tự do và sáng tạo khi mình nhìn thế giới bao dung và không định kiến.

Quay trở lại câu chuyện cô gái trẻ với biệt hiệu “Bà Tưng” đã làm dư luận ầm ĩ. Chắc rằng rất nhiều người cho rằng, cần phải xem lại chuẩn mực xã hội, cần phải xem lại giá trị đạo đức, cần phải định hướng vân vân và vân vân. Tôi tự hỏi: Bà Tưng và nhiều bà Tưng khác có thay đổi vì những lời phê phán ấy không? Nếu cô gái trẻ ấy và một số cô gái trẻ khác bản thân không có giá trị gì, ngoài việc khoe thân và phát ngôn gây sốc, thì liệu họ có trụ lại lâu trong xã hội như một tấm gương để noi theo không? Cá nhân tôi thấy mình không cần phải lo lắng rằng chuyện này có thể khiến thế hệ trẻ học theo và xấu đi.

Tôi sẽ không muốn con gái mình làm giống bà Tưng, nhưng tôi xét thấy không cần thiết phải bảo nó rằng, này con, đừng có xem rồi mà học theo đấy nhé. Nền tảng giáo dục của mỗi gia đình sẽ giúp bọn trẻ biết lựa chọn học theo cái gì và từ chối cái gì.

Mỗi người lựa chọn một cách để tìm vị trí của mình trong thế giới này, mỗi người lựa chọn một cách xuất hiện. Nếu điều đó không làm tổn thương ai, thì chúng ta có nên tìm cách “ném đá” người đó không? Cũng như mỗi người có cách để giải phóng nỗi buồn, sự thất vọng, tình trạng khủng hoảng tâm lý của mình. Chúng ta có nhìn thấy gì đằng sau những bức ảnh khoe thân, những phát ngôn gây sốc của một cô gái trẻ?

Nếu chúng ta nhìn thế giới này bao dung độ lượng hơn, nếu chúng ta chấp nhận sự đa dạng và khác biệt, nếu chúng ta giảm đi những định kiến và hằn học, nếu chúng ta bớt hiếu chiến để tấn công và ném đá, tôi tin rằng, nguồn năng lượng tiết kiệm được từ đó sẽ giúp chúng ta sáng tạo ra những gì hữu ích cho xã hội hơn rất nhiều. Trước tiên, tôi tự dặn mình điều đó.

Vân Anh (Giám đốc CSAGA - Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên)

Tái bút: à quên, cô gái trẻ “Tưng” này cũng có nhiều điểm để học tập: biết cách gây sự chú ý cho đám đông. Điều này các doanh nghiệp còn phải học cô ấy dài. Tôi nghĩ mình nên học trước khi “oánh” ai đó!!!

BẠN NGHĨ GÌ VỀ QUAN ĐIỂM NÀY?